"Ơ! sao lớp nào cũng 60 học sinh thế! Sao bảo là chỉ 45 học sinh mỗi lớp thôi mà!", cái sự ngỡ ngàng không khó thấy khi phụ huynh nhìn bảng xếp lớp tại trường tiểu học của con mình.
Ngày nhập trường đông vui, bé nào cũng hớn hở vì được đến trường, chỉ có phụ huynh là thở dài trước cảnh các con chen chúc trong một phòng học đáng ra chỉ dành cho hơn một nửa số trẻ ấy. Quả là không ngoa khi có người buột miệng: Lớp học chật chội như thể các con thiếu không khí để thở…
Cái sự quá tải là rõ khi một lớp có đến 60 học sinh, trong khi con số tối đa của qui định "mở rộng" chỉ là 45 trẻ. Mà cái sự quá tải ấy năm nào cũng lặp đi lặp lại như một điệp khúc đáng buồn và dường như không có lối ra. Qui mô trường lớp không thay đổi đã đành, số trẻ trong độ tuổi có hộ khẩu ngày càng tăng là nguyên nhân nhỏ, việc chạy trường, chạy lớp mới là nguyên nhân chính. Nhiều cán bộ làm công tác tuyển sinh của các trường cũng thẳng thắn, chỉ tiêu tuyển sinh có hạn nhưng số hồ sơ quá đông, trong đó quá nửa là trái tuyến hoặc các suất "ngoại giao" nên không thể tránh được tình trạng sĩ số mỗi lớp lên đến 55 – 60 học sinh. Còn dư luận cho rằng, sở dĩ việc giảm sĩ số học sinh chưa được thực hiện quyết liệt vì hầu như chưa thấy nơi nào vi phạm sĩ số học sinh mà lãnh đạo chính quyền hoặc ngành GD&ĐT ở đó bị xử lý, kỷ luật. Có chăng, cũng chỉ kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu… rút kinh nghiệm và rồi "điệp khúc" quá tải cứ lặp lại hết năm này sang năm khác và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Một vị nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã từng nói, qui định sĩ số học sinh/lớp ở bậc tiểu học chính là quan tâm đến quyền lợi của học sinh. Ở bậc tiểu học, điều mà học sinh cần nhất không chỉ là việc lĩnh hội kiến thức mà là sự uốn nắn, quan tâm của giáo viên tới từng nét chữ, đến kỹ năng học tập, kỹ năng sống…, mà những điều này làm sao có được trong khi cô giáo có khi phải mất đến cả tháng mới nhớ mặt, nhớ tên hết bằng ấy học sinh.
Theo Hà Bình
(KTĐT)
Bình luận (0)