Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi tốt nghiệp THPT: Cần cải tiến để hiệu quả hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ mà ngay cả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã “kéo” cả xã hội phải vận hành theo. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, tất cả người dạy, người học đều rơi vào tâm trạng lo lắng, căng thẳng, nhưng thi xong ai nấy đều thở dài nhẹ nhõm. 

Kết quả tỉ lệ đỗ 95,72% của năm học 2010-2011 lại hâm nóng dư luận với luồng ý kiến nên bỏ kỳ thi này, thay vì xét tuyển, tránh tốn kém tiền của, công sức và áp lực cho học sinh.
Tại cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bạn trẻ đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và các nhà quản lý ngành giáo dục, chuyên gia giáo dục được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, đã hé mở giải pháp thứ ba – đáp ứng được cả mong muốn của xã hội cũng như lãnh đạo ngành giáo dục: Vẫn giữ kỳ thi này, nhưng cần cải tiến kỳ thi sao cho gọn nhẹ, đảm bảo được yêu cầu không tốn kém nhưng hiệu quả chất lượng giáo dục cao.
Đã học là phải thi
Khi trình đề án “ 2 trong 1”, Bộ GDĐT đưa ra quan điểm đã học thì phải thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được duy trì bởi đó là kết quả đánh giá quá trình học tập 12 năm ở bậc học phổ thông. Ở bậc học này, học sinh (HS) phải được trang bị kiến thức toàn diện, còn kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì không thi mà xét tuyển.
Dư luận không đồng tình vì kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ là kỳ thi “đốt đuốc” tìm chất lượng, phân luồng trình độ, kiến thức HS, còn kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên xét vì tấm bằng tốt nghiệp chỉ là “tấm thông hành” để các em lựa chọn con đường vào đời trong tương lai: Có trình độ, khả năng thì tiếp tục học bậc ĐH, CĐ, nếu không thì lựa chọn học nghề… Vì dư luận không đồng tình nên đề án “2 trong1” tạm phải dừng, lẽ ra được triển khai từ năm học 2008-2009.
Tuy Bộ GDĐT không đề cập đến việc cải tiến thi đã nêu tại đề án “2 trong1”, nhưng ba năm qua, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, dư luận vẫn bàn thảo về việc bỏ kỳ thi này, chỉ nên xét tuyển, tránh lãng phí, tốn kém không cần thiết. Trong khi quan điểm của lãnh đạo ngành giáo dục vẫn là “đã học thì phải thi”.
Tại cuộc đối thoại, GS Văn Như Cương đưa ra bức tranh vẽ với 12 cái rào mà HS bậc học phổ thông phải  vượt qua. Ông nói: “Tôi vẫn giữ quan điểm là đã học thì phải thi, nhưng vấn đề là tổ chức thi để vượt cái rào thứ 12 này như thế nào, tổ chức thi chung toàn quốc hay giao cho các địa phương, vừa để tránh căng thẳng đối với HS, tránh tốn kém cho xã hội, rồi phải tính đến cả trình độ HS ở các vùng miền…
Bộ GDĐT hãy “mạnh dạn” giao quyền cho các địa phương tổ chức thi ( từ A đến Z). Khi đã giao quyền thì gắn với trách nhiệm, tôi tin rằng trách nhiệm của địa phương sẽ cao hơn. Không cần thiết duy trì một kỳ thi như hiện nay, HS chỉ cần học lực trung bình là đã đỗ thì liệu có cần thiết duy trì kỳ thi tốt nghiệp “chung đề, chung ngày” với quy mô lớn, kéo cả xã hội vận hành theo là không cần thiết, đặc biệt việc tổ chức chấm chéo, thi cụm không hiệu quả”. GS-TS Nguyễn Minh Thuyết và nhà giáo Trần Thanh Đức – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Tiền Giang – đều cho rằng cần thay đổi hình thức thi tốt nghiệp để xã hội đồng thuận, tránh tốn kém không cần thiết mà vẫn đạt được hiệu quả.
Bộ lo lắng chất lượng
Mặc dù kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt tỉ lệ khá cao (95,72%), nhưng tỉ lệ khá, giỏi chỉ đạt 13,83% đã khiến ông Bùi Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Khảo thí – Bộ GDĐT lo lắng.
Ông Tuấn băn khoăn: Tại sao thí sinh cho rằng áp lực, căng thẳng của kỳ thi tốt nghiệp rất lớn, nhưng khi thi lại thấy nhẹ nhàng? Điều đó có mâu thuẫn hay không? Câu hỏi đã có câu trả lời từ thực tế. Thứ nhất, lãnh đạo các trường THPT quan tâm lớn nhất là tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp chứ không phải là đỗ ĐH, CĐ, trong học kỳ II có trường tổ chức thi tốt nghiệp thử đến lần thứ ba, ngay sau khi bộ công bố 6 môn thi tốt nghiệp. Thứ hai là vào “trường thi”, HS ai nấy thở phào… vì đề thi không khó, vì thầy cô coi thi cũng “dễ tính”… Có giám định đã nói rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT là “sáng chép –môn tự luận, chiều tô –môn trắc nghiệm”.
Với câu hỏi vì sao kết quả thi tốt nghiệp với mức đỗ trung bình chiếm tỉ lệ áp đảo đã được phần lớn chính HS trả lời: Thi tốt nghiệp chỉ cần đạt điểm  trung bình, vấn đề quan trọng là điểm thi ĐH-CĐ, điểm thi tốt nghiệp có đỗ loại giỏi cũng không… giải quyết được vấn đề sống còn của tương lai. Nếu dồn hết lực cho kỳ thi tốt nghiệp thì kết quả thi ĐH-CĐ sẽ không cao vì thi ĐH-CĐ theo khối, không trải đều như thi tốt nghiệp.
Ông Bùi Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Khảo thí – cho hay, bộ sẽ tiếp tục đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp. Bộ lắng nghe ý kiến toàn dân, xã hội với mong muốn xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ HĐH-CNH.Trước luồng ý kiến bỏ kỳ thi này thì bộ không quyết định được mà phải là Quốc hội quyết định vì sửa luật phải thông qua QH.
Cả xã hội đều mong muốn với Bộ GDĐT  mạnh dạn cải tiến  kỳ thi tốt nghiệp vừa giảm sự tốn kém về tiền của, thời gian nhưng chất lượng thật. Học thật, dạy thật và thi thật.
Theo Lê Huân
(laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)