Nhiều ngành tuyển sinh đào tạo về khoa học xã hội (KHXH) ở các trường đại học (ÐH) đang đối diện với thực trạng số thí sinh dự thi, đăng ký xét tuyển mỗi năm một giảm. Một số ngành không tuyển sinh đủ chỉ tiêu hoặc không tuyển sinh được sinh viên. Trong những ngày này, khi các trường công bố điểm trúng tuyển thì phần lớn các trường đào tạo khối KHXH đều có điểm chuẩn tương đối thấp, thậm chí chỉ bằng điểm sàn nhưng vẫn phải tuyển số lượng lớn nguyện vọng 2.
Thí sinh dự thi đại học năm 2011 tại Hội đồng thi Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG
|
Theo công bố điểm tuyển sinh nguyện vọng một năm 2011, chỉ một số ít trường có điểm tuyển sinh cao như: Trường ÐH Luật Hà Nội có điểm tuyển sinh khối C là 20 điểm (cao nhất trong các khối thi của trường); Trường ÐH Công đoàn có điểm khối C là 17 điểm; Trường ÐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội) có điểm tuyển sinh khối C khá cao từ 17 đến 20 điểm, nhưng trường này cũng phải dành một lượng chỉ tiêu nguyện vọng 2 ở 9/20 ngành đào tạo. Phần lớn các trường tuyển sinh khối KHXH còn lại đều có điểm tuyển sinh khá thấp và phải tuyển nhiều chỉ tiêu nguyện vọng 2, như Trường đại học Sư phạm Hà Nội có ba ngành khối C, điểm trúng tuyển 15 điểm (thấp nhất trong các ngành tuyển sinh của trường) và đây cũng là những ngành, trường phải tuyển sinh nguyện vọng 2.
Với các trường được coi là "tốp dưới" thì tình trạng tuyển sinh khối ngành KHXH còn khó khăn hơn. Theo Hội đồng tuyển sinh Trường đại học An Giang, năm 2011 ngành sư phạm ngữ văn của trường có điểm chuẩn nguyện vọng 1 bằng điểm sàn, nhưng cũng chỉ có 12 thí sinh "vượt qua" còn lại phải tuyển 40 chỉ tiêu nguyện vọng hai. Trường đại học Quảng Bình cũng tuyển sinh ngành sư phạm ngữ văn và sư phạm lịch sử nguyện vọng một bằng điểm sàn nhưng vẫn phải dành phần lớn chỉ tiêu cho nguyện vọng 2. GS, TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Hải Phòng cho biết, điểm tuyển sinh của trường bằng điểm sàn nhưng phần lớn chỉ tiêu phải xét tuyển nguyện vọng hai… Mặc dù, trường thực hiện cơ chế giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đăng ký học tập tại trường được vay vốn ưu đãi 8,5 triệu/năm, được giảm học phí từ 10%-50%. Số lượng thí sinh theo học ngành KHXH tại Trường ÐH Bình Dương cũng giảm một cách đáng kể. Khóa Ngữ văn đầu tiên (2009) tuyển được hơn 300 sinh viên, nhưng đến khóa thứ năm (2010) chỉ tuyển được khoảng 30 sinh viên. Tình hình cũng không khá hơn với các trường dân lập tại TP Hồ Chí Minh như: ÐH Văn Hiến, ÐH Hồng Bàng, ÐH Hùng Vương…
Thực tế đào tạo các ngành thuộc khối KHXH hiện nay cho thấy, nếu như năm 2009, lượng hồ sơ thi khối C chiếm 8% thì năm 2010 tỷ lệ này còn 7,6%, năm 2011 số hồ sơ chỉ chiếm 6,4% tổng hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng cả nước. Trong tổng số khoảng hơn 415 nghìn thí sinh dự thi đại học năm 2011 đạt từ điểm sàn trở lên thì khối C chỉ có khoảng hơn 28 nghìn. Trong khi đó, nhiều thí sinh đang theo học ban khoa học xã hội cũng không mặn mà, chỉ coi khối C là giải pháp tình thế. Những con số này phản ánh một thực tế là số lượng sinh viên vào học các ngành khối C rất hạn chế.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm lượng đăng ký tuyển sinh do các trường ÐH, CÐ tuyển sinh khối KHXH không nhiều; ngành học ít, hạn chế sự lựa chọn cho thí sinh. Trong số hơn 150 trường đại học, học viện cả nước, số trường tuyển sinh khối này chỉ khoảng vài chục. Các ngành học ít ỏi, không nhiều sự lựa chọn cho thí sinh, phổ biến nhất là các ngành luật, báo chí, sư phạm,… nhưng điểm trúng tuyển của một số ngành lại khá cao bởi chỉ tiêu có hạn. Ngoài ra, trong tâm lý xã hội vẫn còn quan niệm cho rằng, chỉ khi không có năng lực học tập thì thí sinh mới thi vào các ngành "học thuộc". Phó Hiệu trưởng Ðại học Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh) Trần Chút cho rằng, xu hướng có tính thực dụng của xã hội trong việc chọn ngành, chọn nghề là rất lớn. Một học sinh lớp 12 khi chọn ngành thi vào đại học, cao đẳng thường bị sức ép đầy tính thực dụng của cha mẹ, họ hàng, người thân… Tính thực dụng còn thể hiện rất đậm nét ở những phát ngôn, thông tin "tư vấn mùa thi", "tư vấn tuyển sinh", thậm chí cả ở "tiêu chí đầu ra" theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Ngay như nhóm ngành kinh tế, dù được ưa chuộng, nhưng sự ưa chuộng chỉ dành cho những ngành kinh tế cụ thể, còn Kinh tế học thì cũng vẫn cùng chung số phận với các ngành KHXH.
Ở khía cạnh khác, các trường khối ngành KHXH còn chậm đổi mới về phương pháp dạy và học, hệ thống giáo trình lạc hậu, một số thiên về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng. Tại nhiều trường đào tạo khối KHXH, đội ngũ cán bộ nghiên cứu KHXH nói chung và giảng viên các ngành KHXH nói riêng thiếu, yếu, không có tính kế thừa. Nhiều trường, một giảng viên giảng dạy nhiều chuyên đề khác nhau cho số lượng cả trăm sinh viên và chỉ dạy theo giáo trình soạn sẵn hàng chục năm; không hề có một nghiên cứu nào, và nếu có thực hiện nghiên cứu thì chỉ đối phó với yêu cầu của nhà trường hoặc vì mục đích nào đó. Thạc sĩ Ngô Thị Kim Dung (Trường ÐH Tôn Ðức Thắng, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần có sự điều chỉnh nhiều chính sách đối với các lĩnh vực hoạt động KHXH. Ngay tại các trường đào tạo KHXH cần nắm bắt được xã hội cần gì để định hướng cho người học, không đào tạo những gì mình có mà hãy đào tạo những gì xã hội cần. Ngoài ra, các trường cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan, xí nghiệp, nơi sử dụng lao động, để có sự gắn kết chặt chẽ trong việc đào tạo người học theo nhu cầu xã hội.
Theo các chuyên gia giáo dục, để người học đến với các ngành KHXH cần xác định rõ hơn nữa vai trò của KHXH đối với đất nước, tạo điều kiện thu hút được những thanh niên giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và sử dụng họ một cách hiệu quả nhất bằng chính sách học bổng và chính sách tuyển dụng. Ngay từ bậc học phổ thông, ngành GD và ÐT cần có định hướng và thực hiện tốt hai nhiệm vụ giảng dạy và hướng nghiệp. Ðối với học sinh, sinh viên, cần hiểu rõ về nghề mà mình định chọn; tìm một phương pháp học thích hợp nhất, tự tin vào sự lựa chọn tương lai của mình. Các trường tăng cường chất lượng tuyển sinh đầu vào, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao trình độ của giảng viên. Lấy việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học làm gốc gắn với kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo…
Theo MẠNH XUÂN
(nhandan)
Bình luận (0)