Tôi không lấy làm lạ về điểm thi môn Lịch sử (LS) trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay quá thấp-hàng nghìn bài bị điểm “0”, rất nhiều bài điểm yếu kém-thấp nhất trong các năm thi tuyển sinh ĐH, CĐ khối C. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi ai đó nói không nên coi đó là một thảm họa. Bài viết nhỏ này, tôi muốn phân tích một vài nguyên nhân mang tính khách quan với người học, từ đó thấy rõ "những việc cần làm ngay", trả lại vị trí cho môn LS trong nhà trường.
1– Nhà trường và xã hội không nhận thức đúng đắn, rõ ràng về vai trò của môn LS
LS dạy cho học sinh, sinh viên trước hết hiểu biết về nguồn cội của mình, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. LS còn dạy cho học sinh hiểu biết về nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới qua các thời kỳ; từ đó mà biết tự hào về truyền thống dân tộc, biết đánh giá đúng đắn, thực chất về đất nước và dân tộc mình trong mối tương quan với các nước và các dân tộc khác. Nói một cách cô đọng: LS là môn học “ôn cố, tri tân” để biết mình, biết người, nhằm nâng “tầm” con người-cái “tầm văn hóa” của mình-đây là một nguồn động lực, nguồn năng lượng nội sinh cực kỳ quan trọng để đưa đất nước và dân tộc phát triển bền vững, tiến tới văn minh, giàu mạnh.
Thế nhưng, trong nhà trường của ta, vị trí của môn LS chưa được coi trọng, phương pháp và chất lượng dạy-học môn LS chưa được các cấp lãnh đạo ngành và đông đảo giáo viên quan tâm. Vì thế mà một vài kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bỏ thi môn LS. Bên cạnh đó, trong quan niệm thực dụng của một bộ phận không nhỏ người Việt, họ cũng không thiết tha gì với LS (rất nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên không hiểu biết về các sự kiện LS lớn của nước nhà, không biết gì về các danh nhân LS-văn hóa Việt Nam; và vô số các di sản LS-văn hóa bị phá bỏ, bị lãng quên!). Hiện tượng “vong bản” (mất gốc) hiện hữu ở khá đông người Việt mọi lứa tuổi và ở mọi nơi. Bên cạnh đó, phần đông phụ huynh chỉ cốt cho con em mình học các bộ môn khối A (nhưng chúng học cũng chẳng ra gì!) để sau này dễ kiếm việc làm “thơm tho”, kiếm được nhiều tiền (?!).
Thế nên, giải pháp số 1 để khắc phục hiện tượng đáng buồn về dạy và học LS xã hội đang quan tâm là giáo dục nhận thức và nhận thức lại cho nhà trường và toàn xã hội về dạy và học LS.
Lán ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đồi Khau Tý (Định Hóa, Thái Nguyên) – nơi đây, năm 1947 Người đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" và sáng tác bài thơ "Cảnh khuya". Ảnh: Xuân An
|
2- Sách giáo khoa môn LS biên soạn chưa tốt
Dư luận xã hội đã nói về vấn đề này, với những chứng cứ rõ ràng. Tôi phải nói thật, đây là điều rất đáng buồn cho nhiều nhà sử học, nhiều nhà biên soạn sách giáo khoa LS và Hội đồng thẩm định! Ở đây, tôi không đi vào những sai sót cụ thể về mặt kiến thức trong một số cuốn sách giáo khoa LS ở các lớp phổ thông, mà chỉ nhận định ở dạng tổng quát. Biên soạn sách giáo khoa LS yếu kém ở những điểm nào? Đó là: Quá sa đà vào việc kể lại diễn biến các sự kiện, với tên tuổi các nhân vật, những chi tiết, những số liệu dày đặc rối như mớ bòng bong. Nói tóm lại là kể chuyện lai rai, chi tiết rườm rà, vụn vặt, rối rắm! Những người biên soạn chỉ cốt bắt học sinh học thuộc lòng những điều họ viết. Điều này là phi khoa học và không tưởng!
Vậy nên, viết lại sách giáo khoa là việc làm cần thiết, cần làm ngay trong rất nhiều việc phải làm.
3- Chất lượng dạy và học môn LS rất yếu kém
Xét về mặt phương pháp luận, thì mục đích và nội dung của sách giáo khoa sẽ chỉ đạo phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh. Nói cách khác: Mục đích và nội dung quy định phương pháp. Mà mục đích, nội dung sách giáo khoa LS, như đã nói ở trên, rối rắm, vụn vặt, nặng về diễn biến các sự kiện và các số liệu, chỉ cốt học sinh học thuộc lòng, khiến cho giáo viên gắng công “thuật” lại cho đúng và cho đủ nội dung sách giáo khoa cũng đã khó và… mệt nhoài, bài giảng trở nên rối như canh hẹ và không thể hấp dẫn được học sinh. Thầy, cô đã quá gắng sức để trình bày các diễn biến sự kiện và nêu ra các số liệu, khiến học sinh cũng… mệt nhoài vì phải nhớ, phải học thuộc lòng một mớ kiến thức hỗn tạp, khô cứng, không được gợi mở về tư duy lô-gích và không khơi gợi được cảm xúc LS.
Chăm lo cho thầy cô dạy LS về mọi mặt (cuộc sống, trình độ, phương pháp…) vừa là giải pháp cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt.
4- Khả năng ra đề thi môn LS trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ khối C những năm qua còn bất ổn
Ra đề là phải “bám” vào chương trình, sách giáo khoa. Có khi người ra đề cũng là tác giả biên soạn sách giáo khoa. Mà sách giáo khoa đã yếu kém, kiến thức rối rắm, chỉ cốt học sinh học thuộc lòng, cho nên đề thi LS cũng yếu kém, hầu như chỉ yêu cầu học sinh thuật lại sự kiện như sách giáo khoa!Thí sinh chép “phao”, quay cóp do đó mà ra. Nếu giám thị coi thi nghiêm túc, thu mất “phao”, thì thí sinh chỉ biết bỏ giấy trắng! Thật ra, đây không chỉ là sự yếu kém riêng của đề thi môn LS, mà còn của tất cả các đề thi những môn khác, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Một vấn đề được đặt ra: Tại sao lại không ra những đề thi khiến học sinh phải vận dụng các thao tác của tư duy lô-gích, mà lại đòi hỏi học sinh phải viết ra những điều đã học thuộc lòng? Do sách giáo khoa không coi trọng tư duy lô-gích (khái quát, so sánh, phân tích và tổng hợp,…) và do trong quá trình giảng dạy, giáo viên không biết dạy cho học sinh các thao tác của tư duy lô-gích, điều mà tôi đã nói ở trên; cho nên họ mới ra những đề thi để kiểm tra “sự học thuộc lòng” của học sinh như thế.
Đó là bất cập, bất ổn cần điều chỉnh và có thể làm ngay được từ mùa tuyển sinh năm 2012.
Theo ĐÀO NGỌC ĐỆ
(QĐND)
Bình luận (0)