Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Hàng loạt trường sẽ phải đóng cửa ngành học

Tạp Chí Giáo Dục

ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đóng cửa hai ngành Kinh tế Chính trị và Thống kê -Tin học, ĐH Phạm Văn Đồng dừng đào tạo ngành Tài chính, Ngân hàng. Dự kiến năm học này sẽ có hàng loạt ngành học phải ngưng đào tạo.
Hang loat truong se phai dong cua nganh hoc
ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) vừa quyết định bỏ hai ngành Kinh tế Chính trị và Thống kê – Tin học vì không có thí sinh trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay. Giám đốc Trần Văn Nam cho biết, việc tuyển sinh vào hai ngành học này những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế chính trị và Thống kê – Tin học ra trường khó xin việc làm nên ít thí sinh lựa chọn.
Theo ông Nam, trường chỉ tạm đóng cửa hai ngành học này trong một năm. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012, trường sẽ tuyển sinh trở lại.
Mặc dù chỉ có ít thí sinh dự thi đạt trên điểm sàn nhưng các đại học ngoài công lập vẫn đang chờ đợi và hy vọng sẽ vớt vát ở nguyện vọng 2 và 3 (NV2, NV3). Bên cạnh việc quảng bá chương trình đào tạo, các trường còn tung nhiều chiêu thu hút thí sinh như giảm học phí, tặng học bổng cho những thí sinh đăng ký nguyện vọng đạt điểm cao.
Thí sinh trước giờ phát đề thi. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Chu Văn An than vãn, năm ngoái trường đã vận dụng hết các cách để thu hút thí sinh, nhưng cuối mùa tuyển sinh cũng chỉ đạt 50% chỉ tiêu được giao, một số ngành phải đóng cửa. Với tình trạng năm nay, ông e rằng sẽ có nhiều ngành phải dừng đào tạo.
"Năm nay chỉ có 111 thí sinh đạt trên điểm sàn đỗ vào trường, tất cả chỉ tiêu hầu hết dành cho NV2, NV3. Chúng tôi sẽ giảm học phí cho tất cả thí sinh nhập học trong năm đầu tiên để chia sẻ khó khăn với các em", ông Định cho hay.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm sàn, các đại học ngoài công lập đang vô cùng lo lắng thiếu nguồn tuyển. Hiện ĐH Dân lập Hải Phòng tích cực tuyên truyền, vận động để thu hút thí sinh đăng ký NV2.
"Chúng tôi đang lên các phương án đề phòng không tuyển đủ chỉ tiêu đại học sẽ chuyển sang cao đẳng, trung cấp, liên thông. Ngoài ra, trường cũng tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài để có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của các em", thầy Nghị nói và cho hay sẽ vận dụng mọi phương pháp chuyển đổi chỉ tiêu để không phải đóng cửa ngành học nào.
Chủ tịch Hiệp hội các trường ngoài công lập Trần Hồng Quân cho rằng, khi quyết định điểm sàn Bộ Giáo dục đã không thấy hết những khó khăn của trường top dưới, trường ngoài công lập và quá câu nệ điểm sàn chung. "Giữa một học sinh ở nông thôn không được học thêm mà đạt điểm sàn với một học sinh thành phố được ôn tập kỹ được hơn 20 điểm chưa chắc em nào giỏi hơn. Vậy tại sao phải quá câu nệ vào một điểm chuẩn chung", thầy Quân phân tích.
Theo thầy Quân, Hiệp hội đang nghiên cứu trình Bộ xem xét phương án cho các trường thực hiện quy định 33 về tuyển sinh vùng khó khăn và các trường đào tạo theo nhu cầu. Ngoài ra, nếu sau khi tuyển sinh NV2 mà nguồn tuyển vẫn còn thì sẽ kiến nghị Bộ gia hạn thời gian tuyển sinh cho các trường thiếu chỉ tiêu.
Trước đó, ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cũng đã bỏ ngành học Tài Chính – Ngân hàng vì duy nhất một thí sinh thi đỗ vào ngành này trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay.
Năm ngoái, hàng loạt đại học đã phải đóng cửa ngành học vì không tuyển đủ thí sinh. Đơn cử ĐH Đông Đô đóng cửa 2 ngành là Điện tử Viễn thông và Thông tin học; ĐH Lương Thế Vinh đóng cửa các ngành Thú y, Cơ khí, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật, Văn hóa du lịch; ĐH Hồng Đức tạm dừng đào tạo 3 ngành Chăn nuôi thú y, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật…
Theo baomoi

Bình luận (0)