Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thủ khoa đại học – ngày ấy, bây giờ

Tạp Chí Giáo Dục

 Sau 8 năm (2003 – 2010) vinh danh gần 1.000 thủ khoa tốt nghiệp đại học, đến nay thành phố Hà Nội mới tuyển dụng được gần 7%.
Thủ khoa ĐH năm 2011 giao lưu với chiến sĩ Hải quân tại Hải Phòng            Ảnh: Lam Khê
Thủ khoa ĐH năm 2011 giao lưu với chiến sĩ Hải quân tại Hải Phòng Ảnh: Lam Khê .
Các thủ khoa đều được vinh danh, ghi tên trong bảng vàng, tham dự các buổi trò chuyện cùng lãnh đạo thành phố (TP) để chia sẻ khát vọng cống hiến. Thực hiện chính sách thu hút nhân tài, năm nào TP Hà Nội cũng đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm thu hút thủ khoa với số lượng không hạn chế. Tuy nhiên, theo tổng kết của Sở Nội vụ Hà Nội, từ năm 2003 đến nay, chỉ có 57 thủ khoa (6,62%) được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước của TP. Trong đó, thủ khoa chủ yếu được nhận vào làm việc trong ngành giáo dục cơ quan hành chính.
Thành Đoàn Hà Nội vừa khảo sát nguyện vọng nghề nghiệp, việc làm khi tuyên dương đối với 90 thủ khoa năm 2011. Kết quả, có 16 thủ khoa cho ý kiến sẽ học thẳng chương trình sau ĐH, 39 người mong muốn đi làm tại cơ quan nhà nước, 35 muốn làm việc cho Cty tư nhân hoặc nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó phòng đào tạo Sở Nội vụ, cho biết, trong khi hầu hết sinh viên khi ra trường phải chật vật tự lo tìm kiếm việc làm, từ năm 2003 thủ khoa tốt nghiệp ĐH được hưởng nhiều chính sách ưu đãi: Được tuyển thẳng vào biên chế dự bị, không cần hộ khẩu Hà Nội; Không hạn chế số lượng tuyển với một số ngành; Được hỗ trợ kinh phí học sau ĐH cả trong, ngoài nước…

Lê Sử Năng, thủ khoa tốt nghiệp ĐH dân lập Đông Đô được tuyên dương năm 2004, cho biết với bộ hồ sơ xin việc khá đẹp, nhưng anh không được nhận vào sở, ngành nào.

Trước khi là thủ khoa ĐH dân lập Đông Đô, Sử Năng đã tốt nghiệp ĐH Bonn (Đức). “Hồi đó, tôi tha thiết vào cơ quan nhà nước vì nhiều lý do. Những người như chúng tôi luôn muốn có môi trường để cống hiến, chứng tỏ mình với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi từng suy nghĩ, làm ngoài cuối cùng cũng chỉ là làm thuê, không có sự chủ động cho bản thân. Hơn nữa, tại thời điểm đó khi chiêu mộ thủ khoa, sở, ngành đưa ra mức lương 1,5 triệu đồng là ổn”, Sử Năng nói.
Hồi đó Sử Năng cùng một số người bạn, trong đó có vợ anh bây giờ cũng là thủ khoa trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), hăm hở nộp đơn vào các sở, ngành của Hà Nội. Tuy nhiên, họ chờ mãi không thấy hồi âm. Cũng có người nhận được câu trả lời của sở, ngành là không có chuyên ngành phù hợp. Năm 2004 với gần 100 thủ khoa chỉ có 3 người được nhận vào công tác tại các sở, ngành. Số còn lại tự tìm việc làm nơi khác hoặc đi du học, trong đó có Sử Năng.
Sau này, Sử Năng là một trong những người sáng lập và phát triển CLB Thủ khoa Hà Nội nhằm liên kết tài năng, trí thức trẻ. Các thành viên CLB đã hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc cũng như tổ chức nhiều buổi nói chuyện hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên các trường tại Hà Nội và tỉnh lân cận.
Thủ khoa năm 2005, Đặng Quốc Hiệp hiện làm việc tại một ngân hàng Pháp, cũng từng mơ ước được vào làm việc cho sở, ngành không thành, cho rằng: “Vào cơ quan nhà nước để có cơ hội xin học bổng cũng là nguyện vọng chính đáng. Quan trọng là cơ quan nhà nước có tạo ra môi trường năng động, chế độ đãi ngộ hợp lý, cơ hội thăng tiến tốt. Nếu thủ khoa được tuyển dụng mà chỉ an phận bàn giấy, cũng có nguyên do từ môi trường làm việc”.
Mâu thuẫn cung – cầu
Theo thống kê, trong số 57 thủ khoa được tuyển dụng, có 20 người người được hỗ trợ kinh phí học lên sau ĐH; 3 trường hợp được Chính phủ hỗ trợ kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài và đến nay đã có 6 người đã thuyên chuyển công tác đến đơn vị khác.
Đánh giá về khả năng làm việc cũng như những cống hiến cụ thể của thủ khoa sau khi được nhận về, bà Kim Dung cho biết, Hà Nội đã có khảo sát tổng kết 5 năm về đóng góp của thủ khoa cho thấy, sau khi được nhận về làm việc các em nhanh chóng tiếp cận được công việc, có nhiều ý tưởng hay, đặc biệt là trong ngành y học. Cũng theo bà Kim Dung, không ít thủ khoa đã được thăng chức, trưởng, phó các phòng ban…Bà Kim Dung cho rằng chính sách ưu đãi nổi bật nhất hiện nay đối với thủ khoa đó là được hỗ trợ kinh phí học sau ĐH.
Lý giải việc có quá ít thủ khoa được nhận vào làm việc, bà Kim Dung cho rằng có sự mâu thuẫn cung – cầu. Ví như TP lúc nào cũng có nhu cầu không hạn chế số lượng với những ngành như công nghệ thông tin, luật…, nhưng thủ khoa lại không mặn mà và ngược lại những ngành thủ khoa đăng ký nhiều, các sở, ngành lại không có chỉ tiêu.
“Có khoảng 30% thủ khoa sau khi được tuyên dương đã tiếp tục chương trình học sau đại học tại nước ngoài; 20% thủ khoa công tác tại các tỉnh, thành phố khác và có khoảng 40% thủ khoa ở lại Hà Nội làm việc” – Lê Sử Năng, nguyên chủ nhiệm CLB Thủ khoa Hà Nội, cho biết.
Theo Nguyễn Hà
(TPO)

Bình luận (0)