Qua kỳ tuyển sinh vào đại học năm 2011, ở nhiều trường đại học đã có 98% bài thi về môn sử có điểm dưới trung bình. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3% đến 5%, thậm chí có trường chỉ có một thí sinh đạt điểm trung bình về môn này.
Tình hình trên đây rất đáng lo ngại và đặt ra cho chúng ta cần tìm hiểu vì sao học sinh hiện nay lại coi thường môn sử?
Ở đây có nhiều nguyên nhân, không chỉ là nhận thức không đúng của học sinh mà có tác động từ gia đình và xã hội.
Trước hết nói đến thái độ của gia đình hiện nay. Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con mình tập trung học các môn: Văn, Toán, Lý, Ngoại ngữ… vì cho là những môn cơ bản để thi vào đại học đạt kết quả tốt. Họ khuyến khích con tập trung thời gian, công sức cho các môn này, cho con đi học thêm các buổi tối hay mời gia sư đến nhà kèm cặp con về các môn trên.
Quan niệm của một số cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa coi trọng môn sử, chưa chú ý việc cải tiến nội dung các sách giáo khoa về sử, cách tổ chức dạy và học sử ở các cấp, đặc biệt ở cấp THPT.
Ở các trường THPT thường có cách chia thành môn học chính và môn học phụ. Môn sử thường được coi là môn phụ, trong khi các môn về khoa học tự nhiên, về kinh tế học được coi là các môn chính vì đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay.
Sách giáo khoa về sử viết chưa khoa học, khô khan, không logic nên học sinh khó học, khó nhớ, trong khi lịch sử chính là môn học sinh động và hấp dẫn.
Chính sách đối với các giáo viên dạy sử chưa được sự quan tâm để tạo điều kiện cho họ dạy môn sử thuận lợi và tốt hơn. Việc đào tạo các giáo viên giỏi về sử lại chưa được chú ý. Những điểm thiếu sót trên đã ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và cách giảng dạy sử của đội ngũ giáo viên. Nhiều người dạy qua loa các kiến thức về sử, coi đó là môn học thuộc lòng. Họ chưa phát huy sáng kiến trong công tác giảng dạy, chưa chú ý bồi dưỡng cho học sinh cách tư duy khoa học về sử, vì vậy đã không đem lại thích thú cho các em học sinh.
Bản thân học sinh, với cách nhìn thiển cận, chỉ thấy cái lợi trước mắt, lại được cha mẹ thúc đẩy, nên chỉ muốn tập trung học các môn Văn, Toán, Lý, Ngoại ngữ… vì hy vọng thi đỗ vào đại học và kiếm việc làm dễ dàng.
Các em học sinh lại ít được hướng dẫn về cách học sử có kết quả và thích thú. Học sử không phải là học thuộc lòng các sự kiện đã diễn ra (tất nhiên là cần nhớ ngày tháng một số sự kiện rất quan trọng). Điều quan trọng trong học sử là đánh giá đúng ý nghĩa và giá trị của các sự kiện đó đối với tiến trình phát triển của một đất nước, một dân tộc. Đối với người Việt Nam trước hết là các sự kiện có liên quan đến công cuộc đấu tranh và giữ gìn nền độc lập dân tộc đã diễn ra suốt mấy nghìn năm lịch sử.
Học sinh khi học môn sử hiểu được giá trị của các sự kiện lịch sử trọng đại của nước ta, họ sẽ tự hào là người Việt Nam và có ý thức trách nhiệm đối với tiền đồ của đất nước. Tự hào và thích thú thì họ sẽ nhớ lâu và càng muốn hiểu sâu thêm về lịch sử đất nước.
Vậy cần khắc phục ra sao để kích thích sự ham thích học môn sử của học sinh?
Trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ ý nghĩa quan trọng của việc học sử, không coi đó là môn phụ. Học sử để bồi dưỡng, kích thích tinh thần yêu nước, yêu quê hương của học sinh, giúp các em hiểu và nắm vững các sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta suốt mấy nghìn năm lịch sử đến ngày nay.
Cần soạn lại các sách giáo khoa lịch sử phổ thông với cách tư duy khoa học, công bằng và trung thực như đã nói trên.
Bố trí lại chương trình học, khẳng định vị trí quan trọng của môn sử.
Nâng cao chất lượng dạy và học môn Sử
Dạy sử phải hấp dẫn, đem lại thích thú và gần gũi với học sinh.
Vì vậy việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy sử cần được quan tâm nhiều hơn. Cải thiện điều kiện làm việc của họ, có cơ cấu đãi ngộ hợp lý để họ có thể nâng cao chất lượng dạy sử.
Không kết tội học sinh, muốn thay đổi nhận thức của các em về tầm quan trọng của môn sử thì phải có sự chuyển biến trong nhận thức của các bậc cha mẹ, để chính họ tạo điều kiện và thúc đẩy con em họ chú trọng học môn sử.
Cần chú ý hướng dẫn học sinh phương pháp học sử, không học thuộc lòng mà tìm hiểu ý nghĩa, giá trị các sự kiện lịch sử, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với tương lai phát triển của đất nước ta. Học môn sử chính là để trang bị cho các em những kiến thức khi bước vào đời sau này.
GS LÊ THI
Theo QĐND
Bình luận (0)