Không ít trường ĐH đã lợi dụng hình thức “đào tạo theo địa chỉ sử dụng” để tuyển thí sinh điểm thấp với học phí cao ngất ngưởng.
Việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng (ĐTTĐCSD) – tuyển sinh theo thỏa thuận giữa trường và các công ty sử dụng lao động – đang bị không ít trường ĐH làm cho biến tướng thành việc tuyển những thí sinh (TS) điểm thấp để trục lợi.
Công ty tuyển sinh
Hiện nay trên các trang mạng xuất hiện rất nhiều thông tin tuyển nguyện vọng (NV) 2 ĐTTĐCSD. Các thông báo này cho biết, chỉ cần TS dự thi ĐH, CĐ năm 2011 đủ điểm sàn, sẽ được xét tuyển vào các trường ĐH danh tiếng và cấp bằng chính quy, chỉ khác là họ phải đóng học phí theo thỏa thuận.
Những thông tin tuyển sinh được đăng trên website của Công ty Đào Vũ – Ảnh: Lê Quân |
Một website có địa chỉ http://daovu.net được giới thiệu là của Công ty TNHH Đào Vũ, đã đăng tải rất nhiều thông báo về xét tuyển NV2 để ĐTTĐCSD vào nhiều trường như: Học viện Tài chính, ĐH Nông nghiệp, ĐH Thương mại, ĐH Điện lực, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Tài nguyên Môi trường, ĐH Công nghiệp Hà Nội… Đáng lưu ý là số chỉ tiêu (CT) đào tạo này lại do các công ty hoặc các cơ sở đào tạo khác liên kết với trường để tuyển sinh. Chẳng hạn: Công ty CP đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa liên kết trường ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Tài chính mỗi trường 100 CT ĐH chính quy để ĐTTĐCSD. Công ty TNHH nhà nước một thành viên cơ khí Hà Nội liên kết với ĐH Thương mại đào tạo 50 CT ngành kế toán; 50 CT ngành tài chính ngân hàng…
Ngày 9.8, trong vai người nhà TS, chúng tôi đã được ông Đào Vũ Định, Giám đốc Công ty Đào Vũ, hẹn gặp tại một quán trà đá trên đường
|
Trung Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để tư vấn. Ông Định cho biết: “Với mức điểm sàn khối A thì chọn được lớp kế toán – kiểm toán hoặc tài chính – ngân hàng của trường ĐH Thương mại”. Tuy nhiên, ông Định đưa ra “mức phí đảm bảo vào trường là 60 triệu đồng, nộp trước ít nhất 50%”. Chúng tôi thắc mắc sau khi tốt nghiệp có được làm việc tại Công ty TNHH nhà nước một thành viên cơ khí Hà Nội theo như chương trình liên kết đào tạo giữa hai đơn vị này hay không, ông Định giải thích: “Bên phía công ty không ký với người đi học một cam kết nào, sau khi ra trường vẫn tự mình đi xin việc. Bằng của mình, mình muốn xin ở đâu thì xin, không liên quan gì đến công ty. Việc cam kết sử dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ là thủ tục để công ty dễ xin CT đào tạo”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn “chạy” cho người thân vào Học viện Tài chính, ĐH Mỏ Địa chất thì ông Định đưa ra mức phí đảm bảo để vào trường là 70-80 triệu đồng/suất. Chúng tôi thắc mắc về việc tại sao Công ty Đào Vũ lại được tuyển sinh các chương trình của công ty khác như Công ty CP đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, ông Định lý giải: “Đấy là đối tác của Đào Vũ, họ xin được CT và công ty lấy lại”.
Tuyển dưới điểm chuẩn, điểm sàn
Theo tài liệu chúng tôi thu thập được thì năm nay có không ít trường ĐH đã sử dụng hình thức ĐTTĐCSD để hạ thấp điểm trúng tuyển đồng thời để thu học phí cao những đối tượng trúng tuyển hệ này. Để hợp thức hóa số CT được phép ĐTTĐCSD, các trường đã liên kết hoặc phối hợp với một đơn vị khác (chủ yếu là các công ty) để tuyển sinh và đào tạo. Trong đó, công ty hoặc đơn vị liên kết là nơi đề nghị số CT ĐTTĐCSD. Công ty cũng là đơn vị chiêu sinh và “giới thiệu” danh sách TS cho trường. Trường ĐH sẽ đào tạo số sinh viên này như những sinh viên tuyển sinh hệ chính quy nhưng thu học phí theo thỏa thuận giữa nhà trường và công ty!
Không chỉ đào tạo theo đề nghị của các công ty, không ít trường ĐH còn ĐTTĐCSD theo đề nghị của một cơ sở đào tạo khác. Chẳng hạn trường ĐH Điện lực đào tạo 20 CT ĐH cho trường Trung cấp nghề kỹ thuật tổng hợp Hà Nội. Số sinh viên này sẽ học tại trường ĐH Điện lực, kinh phí đào tạo do trường trung cấp thỏa thuận với trường ĐH Điện lực và sinh viên. Trường ĐH Tài nguyên – môi trường phối hợp đào tạo 200 CT ĐH cho trường CĐ nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ với kinh phí đào tạo do người học đóng góp!
Điều đáng nói, đối tượng tuyển sinh của hầu hết các trường nói trên là những TS tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đã dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 có kết quả tuyển sinh đạt từ điểm sàn trở lên và xét tuyển theo quy định tại mục C điều 33 quy chế tuyển sinh. Với thỏa thuận này, các TS tuyển theo chương trình ĐTTĐCSD (dù không đúng với đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT) sẽ được xét tuyển với mức điểm chuẩn, điểm sàn thấp hơn mức điểm chuẩn chung, tối đa tới 3 điểm.
Theo Vũ Thơ – Lê Quân
(thanhnien)
Bình luận (0)