Đến năm 2015, 100% giảng viên trường đại học sư phạm đạt trình độ Thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% đạt trình độ Tiến sĩ và phấn đấu năm 2020, ít nhất 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ Tiến sĩ…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.
|
Đó là một trong những nội dung nằm trong 7 đề án trọng tâm nhằm thực hiện chương trình “Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011- 2020” được đề cập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc các trường sư phạm diễn ra vào ngày 27-8 ở đầu cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay ngành Giáo dục đang đứng trước những khó khăn và thách thức lớn về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất… nhưng lại có thuận lợi hơn những năm trước về chính sách, chủ trương.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT dựa trên Quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, cùng với nhu cầu địa phương mà có quy hoạch phát triển nhân lực cho ngành sư phạm, làm cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. Đồng thời yêu cầu cần hình thành các trường phổ thông là vệ tinh của các trường sư phạm để các trường đào tạo sư phạm có sự liên kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục phổ thông.
Tại đầu cầu Tp. Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Hoàng Văn Cẩn, Phó Hiệu trưởng Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh đề xuất một số nội dung phát triển bền vững trong đào tạo, giáo dục ngành sư phạm. Trước tiên cần đổi mới tuyển sinh trong ngành sư phạm. Mặt khác, cần tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên ngay từ học kỳ 2 của năm thứ nhất cho đến khi kết thúc khóa học…
Thí sinh thi vào ĐH sư phạm TP.HCM trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Nhiều đại biểu nêu ý kiến cần đổi mới cách đào tạo nghề ở trong đó đào tạo giáo viên vừa có thể dạy được mầm non lại dạy được bậc tiểu học, và giáo viên bậc tiểu học vẫn có thể dạy tại trung học cơ sở… Điều này sẽ giúp cho giáo viên có thể bám sát đối tượng dạy trong quá trình giảng dạy.
Đại diện các trường sư phạm trên cả nước cũng bày tỏ lo lắng về nguồn tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm trong những năm gần đây đang giảm sút, đồng thời kiến nghị Nhà nước và Bộ GD-ĐT cần có biện pháp để khuyến khích học sinh giỏi thi vào sư phạm để ngành có chất lượng đầu vào tốt.
Được biết năm học 2010-2011, cả nước có 4.400 giảng viên các trường đại học sư phạm, trong đó Giáo sư chiếm 18%, Phó giáo sư là 5%, Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học là 12,84% và Thạc sĩ với 46,5%. Ở hai trường sư phạm trọng điểm, các tỷ lệ này cao hơn. Đại học sư phạm Hà Nội: tỷ lệ Giáo sư và Phó giáo sư là 20%, Tiến sĩ là hơn 33%. Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh: tỷ lệ Giáo sư và Phó giáo sư là 6,25% và Tiến sĩ là 28,4%
.
Theo A.Thuận – N.Mi
Theo A.Thuận – N.Mi
(congly)
Bình luận (0)