Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thực trạng mất cân đối ngành nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Ðang có một thực tế, rất nhiều thí sinh đua nhau thi vào những ngành mà bản thân hoặc gia đình cho là "hot" nhất như: kinh tế, tài chính…, nhưng lại rời "xới" chỉ sau một, hai năm theo học, với những lý do rất đơn giản: không thích ngành học, không phù hợp năng lực, đó là lựa chọn của cha mẹ chứ không phải của em… Vậy, gốc gác của vấn đề ở đâu?

Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội.   ( Ảnh: HÀ THÂN )

Hầu hết cán bộ làm công tác tuyển sinh thuộc các trường đại học (ÐH) đều thừa nhận tình trạng mất cân đối trong đào tạo hiện nay. Ðua nhau thi vào những ngành liên quan đến tài chính, tiền tệ, và bỏ qua các ngành nghề thuộc về khoa học cơ bản hay kỹ thuật là tình trạng phổ biến diễn ra trong nhiều năm. Nếu trong tương lai, tình trạng này vẫn tiếp tục, sẽ gây mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng. Theo đó, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo ÐH Ngoại thương, cho biết: Nhà trường vẫn có 100% nhu cầu đào tạo cả chín ngành, nhưng những năm gần đây, thí sinh nộp đơn nhiều nhất vào ngành kinh tế đối ngoại, sau đó là ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh; các ngành ngoại ngữ thương mại nhận được ít hồ sơ đăng ký hơn.
Các ngành "hot" ở ÐH Kinh tế quốc dân như kế toán kiểm toán, tài chính doanh nghiệp, thậm chí như ngành mới là Toán tài chính cũng đông thí sinh nộp đơn. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: Ðến nay vẫn chưa có dự báo nào của quốc gia về nhu cầu lao động, số người đăng ký vào học các ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng thì chưa giảm. Ông chia sẻ thêm: Số sinh viên tìm được việc làm trong tám tháng đầu kể từ khi ra trường đạt khoảng 40%, có những ngành đạt 70 – 80%.
Trong khi đó, chuyên gia tuyển sinh Nguyễn Văn Vệ, Trưởng phòng đào tạo ÐH Khoa học tự nhiên (ÐH Quốc gia Hà Nội) phản ánh: Trong nhiều năm trở lại đây, thí sinh thi vào trường không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản, vì vậy trường này có những ngành khó tuyển sinh như: khoa học trái đất, địa kỹ thuật, địa môi trường… Ðặc biệt, một vài trong số các ngành này có số thí sinh đăng ký không nhiều: 20 – 30 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu ở vào khoảng 40 – 50 người.
Ngay tại ÐH Bách khoa Hà Nội, những ngành ít có sinh viên theo học là: sư phạm kỹ thuật, công nghệ dệt may, luyện kim. Thầy Ðặng Kim Vui, Hiệu trưởng ÐH Nông Lâm (Thái Nguyên) cho biết: Hầu hết các ngành của trường đều dễ đỗ vì điểm chuẩn thấp bằng điểm sàn và ngành học lại hấp dẫn như: hoa viên cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, khuyến nông, phát triển nông thôn, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm… nhưng vẫn thu hút được ít thí sinh. Ông giải thích, có thể do đây là các ngành còn khá lạ lẫm với thí sinh, hoặc vì họ không có thông tin đầy đủ.
Trước câu hỏi, vậy thì những năm tới các thí sinh có nên tiếp tục chạy theo các ngành "hot" nhất hiện nay không? Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đưa ra lời khuyên: "Nếu không có một định hướng tốt về đào tạo, tôi e rằng chỉ khoảng hai khóa học nữa sinh viên các ngành tài chính, ngân hàng khó mà tìm được việc làm".
Khi được hỏi: Căn cứ vào đâu để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo? Ða phần các nhà tuyển sinh trả lời là: Theo nhu cầu xã hội. Hỏi cụ thể hơn thì được giải thích: Thường căn cứ vào nhu cầu của người học, thí dụ như căn cứ vào số hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Từ thực tế đó, thiết nghĩ cần phải có một cơ quan chuyên trách về dự báo và thống kê phát triển nguồn nhân lực một cách khoa học và bài bản, giúp định hướng đào tạo ngành nghề để tránh tình trạng mất cân đối lao động sẽ xảy ra trong tương lai gần ở Việt Nam.
Theo HỒ THU
(NDDT)

Bình luận (0)