Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhân lực cho kinh tế biển:KỲ 1: Khai thác thuỷ sản bị người học quay lưng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân lực cho kinh tế biển
LTS. Với trên 3.000km bờ biển, hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, lại nằm ngay một giao lộ thông thương quốc tế, lẽ ra Việt Nam từ lâu phải là một cường quốc biển. Năm 2007, một chiến lược kinh tế biển đã ra đời, xác định đến năm 2020 nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp 53 – 55% tổng GDP của cả nước. Loạt bài này nhằm đánh giá khâu chủ chốt của chiến lược ấy – đào tạo nhân lực – đến nay đã thực hiện được những gì.
KỲ 1: Khai thác thuỷ sản bị người học quay lưng
Năm học 2011 – 2012, khoa Khai thác của trường đại học Nha Trang lấy chỉ tiêu 180 sinh viên bao gồm các ngành khai thác thuỷ sản, an toàn hàng hải, điều khiển tàu biển. Kết quả tuyển sinh: số thí sinh đậu nguyện vọng 1, tức trên điểm sàn, vào hệ đại học chỉ vỏn vẹn bốn người! Nếu tính cả hệ cao đẳng, lấy 10 điểm trở lên, có lẽ toàn khoa có chưa tới 30 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1.
 

Giờ thực hành của sinh viên ngành chế biến thuỷ sản trường đại học Nha Trang. Ảnh: N.Th

Sinh viên không đủ mở lớp
TS Trần Đức Phú, trưởng khoa cho biết, nếu như năm 2007 khoa mở được hai lớp với 94 sinh viên, thì liên tục hai năm 2008 – 2009 mỗi năm chỉ mở một lớp với 14 sinh viên. Riêng năm 2010, không mở được lớp nào do số sinh viên quá ít.
Khoa khai thác thuỷ sản là một trong bảy khoa đặc thù của đại học Nha Trang (trước đây là đại học Thuỷ sản), nơi có bề dày hơn 50 năm giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển như: kỹ thuật chế tạo ngư cụ, khai thác thuỷ sản, kỹ thuật hàng hải và pháp luật hàng hải, quản lý nghề cá, hải dương học nghề cá… Theo thời gian, đặc biệt sau khi trường đại học này chuyển đổi thành đại học đa ngành, quy mô đào tạo của khoa thu hẹp dần, đến nay chỉ còn hai ngành chủ yếu là khai thác thuỷ sản và khoa học hàng hải (ghép từ hai ngành an toàn hàng hải và điều khiển tàu biển). Ngành cơ khí thuỷ sản trước kia được chuyển thành kỹ thuật tàu thuỷ vẫn không có nguồn tuyển và nhiều năm liền gần như không có sinh viên. “Với đà này chỉ vài năm nữa, các địa phương sẽ không có người làm công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quản lý ngư trường, tàu thuyền…”, ông Phú lo lắng nói.
Không bi đát như các ngành khai thác thuỷ sản, nhưng thực trạng của ngành chế biển thuỷ sản lại mang một sắc thái khác. Hiện cả nước có hơn 30 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề đào tạo các ngành nghề có liên quan đến công nghệ thực phẩm và chế biến thuỷ sản nhưng thực tế đào tạo thì mỗi nơi mỗi khác. Ở đại học Nha Trang, ngành chế biến thuỷ sản được xếp chung nhóm công nghệ thực phẩm, và nuôi trồng thuỷ sản nhiều năm liền không đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn Văn Việt, hiệu trưởng trường cao đẳng Thuỷ sản, Bắc Ninh thừa nhận: “Mười năm trước, khoa nuôi trồng thuỷ sản của trường mỗi năm tuyển được hàng trăm sinh viên, gần đây trầy trật lắm chỉ tuyển được vài chục người”.
“Với đà này chỉ vài năm nữa, các địa phương sẽ không có người làm công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quản lý ngư trường, tàu thuyền…”
Không học vì sợ ra biển?
Giải thích nguyên nhân thiếu sức hút của các ngành khai thác biển, Th.S Nguyễn Trọng Thảo, trưởng bộ môn công nghệ khai thác thuỷ sản bộc bạch: “Sở dĩ có tình trạng như vậy một phần do người học hiểu nhầm tốt nghiệp ngành khai thác là phải đi biển trên tàu cá, mà trong tình hình Biển Đông hiện nay ai dám cho con em mình đi biển, vừa thu nhập thấp vừa không an toàn”. Thực tế trong ba ngành (trừ ngành điện) thì chỉ có ngành điều khiển tàu biển ra trường mới làm việc trên các con tàu, còn lại hai ngành khai thác thuỷ sản và an toàn hàng hải chủ yếu làm việc trên bờ tại các cơ quan quản lý đánh bắt hay bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các chi cục kiểm ngư, cảng vụ… Theo ông Thảo, nhiều xí nghiệp xuất nhập khẩu thuỷ sản không có lấy một kỹ sư khai thác, làm sao đáp ứng yêu cầu của đầu ra sản phẩm là phải truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu? Đó là chưa kể lực lượng kiểm ngư Việt Nam mới thành lập cũng cần hàng ngàn kỹ sư khai thác thuỷ sản.
Bên cạnh đó, mức lương quá thấp và điều kiện lao động nặng nhọc trong các doanh nghiệp đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản cũng là lý do khiến người học quay lưng. “Nhiều người tốt nghiệp làm đủ công việc khác nhau trừ liên quan tới biển”, Trương Hữu Thuật – cựu sinh viên khoa khai thác khoá 37 đại học Nha Trang ra trường làm cho xí nghiệp thức ăn nuôi tôm được sáu năm, sau đó học thêm bằng quản trị kinh doanh rồi lặng lẽ chuyển nghề, cho biết.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, các ngành kinh tế biển phải có sức hút lớn đối với thị trường lao động. Tuy nhiên, trước thực tế trên, TS Trần Đức Phú cho rằng để có thể thúc đẩy phát triển nghề cá, bắt buộc phải có chính sách ưu đãi về học phí, chế độ cử tuyển cho con em vùng duyên hải nghèo, đặc biệt là con em ngư dân; đồng thời Nhà nước cần đầu tư một trung tâm huấn luyện đủ tầm cỡ quốc tế để huấn luyện tay nghề cho ngư dân. (còn tiếp)
 
TS Lê Thị Thanh Mai, phòng đào tạo sau đại học, đại học quốc gia TP.HCM:
Chưa đến 1% thí sinh chọn các ngành kinh tế biển
“Nhìn lại số liệu thí sinh dự thi các năm qua, nếu như ngành quản trị kinh doanh, ngành kế toán, tài chính – ngân hàng là ba ngành có thí sinh lựa chọn nhiều nhất trong tổng số gần 240 ngành học với tỷ lệ lần lượt là 9,81%, 8,17%, 7,62% thì tỷ lệ thí sinh chọn các ngành kinh tế biển chưa đến 1%, với điểm trung bình thí sinh dự thi không cao. Trong các ngành kinh tế biển thì các ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế có điểm trung bình dự thi của thí sinh đỡ hơn các ngành còn lại. Như vậy, xu hướng chuộng các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cũng xảy ra đối với chính các ngành kinh tế biển. Vì vậy, cần phải có chính sách cho người học đối với các ngành còn lại của nhóm ngành kinh tế biển.
Xu hướng chung là ngành học nào ít cơ sở đào tạo, điểm chuẩn thấp thì sẽ thu hút người học. Nhưng điều này lại không đúng với các ngành kinh tế biển.
Theo Diệu Thuỳ
(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)