Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH: Bộ không làm thay việc của các trường

Tạp Chí Giáo Dục

Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH và Hội đồng trường được coi là tư tưởng xuyên suốt của Dự án Luật GDĐH. Tuy nhiên, Dự thảo Luật GDĐH chưa thể hiện rõ tư tưởng việc trao quyền này cho các cơ sở một cách mạnh mẽ, triệt để.
Ngày 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Nhìn chung, Dự thảo Luật GDĐH đã bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chưa đồng tình với một số vấn đề dự thảo đưa ra.  
"Bộ không có ý bỏ Hội đồng trường”
Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH là một yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH hiện nay. Đây được coi là tư tưởng xuyên suốt của Dự án Luật GDĐH.
Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa GD Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu khi trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, Dự thảo Luật không đề cập đến Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH vì cho rằng thời gian qua hoạt động của Hội đồng trường tại các nhà trường không có hiệu quả và không phù hợp với thực tiễn của VN. Hơn nữa, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm được giao cho cơ sở GDĐH chứ không phải cho cá nhân người đứng đầu nhà trường. Mặt khác, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH đòi hỏi phải có cơ chế hữu hiệu để thực hiện kiểm soát quyền lực và giám sát toàn diện hoạt động điều hành của người đứng đầu nhà trường, tránh tình trạng độc đoán, mất dân chủ”.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Bộ đang có kế hoạch triển khai về Hội đồng trường, hiện nay mới có 10/188 trường ĐH, CĐ công lập trong cả nước thực hiện việc tổ chức Hội đồng trường. Bộ đã cho tổng kết ở 10 trường này cũng có hiệu quả tác dụng nhưng các quyết định của Hội đồng trường đều có nội dung trùng lặp, giao thoa với Ban giám hiệu. Với 178 trường không thực hiện đều có ý kiến là nó không cần thiết”.
Bộ trưởng Luận lo lắng cho rằng: “Các trường ĐH phương Tây phải có Hội đồng trường thì bản chất các trường ĐH phương Tây tự chủ rất cao. Bên đó, các trường ĐH không có cơ quan chủ quản nào ở bên trên cả. Còn trường ĐH công lập của chúng ta đều có cơ quan chủ quản và trong các nhà trường đều có Đảng bộ và tổ chức chính trị khác mà họ không có. Nếu chúng ta đặt vấn đề như vậy theo hướng của nước ngoài như vậy không ổn. Do vậy, đề nghị Ban thường vụ Quốc hội cân nhắc và nếu muốn đưa ra thì để vấn đề này ở văn bản tầm Chính phủ để có gì đó điều chỉnh linh hoạt hơn chứ Bộ không có ý bỏ Hội đồng trường”.
Giải thích của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã không nhận được sự đồng thuận của nhiều thành viên Ủy ban TVQH. Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng: “Nếu nói rằng bỏ Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của các cơ sở GDĐH chỉ vì 10/188 trường thực hiện không hiệu quả là quá dễ dãi. Lẽ ra, phải đánh giá về sự cần thiết hay không của cơ chế tổ chức này”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn nhận xét: “Lý do hiện nay chưa có Hội đồng trường là do có cơ quan chủ quản nên Bộ quyết nhiều, Sở quyết nhiều, tỉnh quyết nhiều… nên có Hội đồng trường cũng không làm được vì có việc gì Bộ trưởng đã quyết hết. Nếu để cho trường quyết thì đó là Hội đồng trường”.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng: “Cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò kiểm soát sang giám sát, kiểm tra hoạt động của nhà trường, tập trung thực hiện hoạch định chính sách, giám sát kiểm tra việc tổ chức thực hiện, không làm thay việc của cơ sở. Muốn tự chủ thì phải để Hội đồng trường, không có hội đồng mà tự chủ thì gay”. 
Thí sinh dự thi vào Ttrường ĐH Xây dựng năm 2011. Theo điều 28 của Dự thảo Luật GDĐH, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và các điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH. (Ảnh:- Hồng Hạnh)
Các trường được tự chủ trong chỉ tiêu, thi tuyển
Theo điều 28 của Dự thảo Luật GDĐH, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và các điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH, gồm: số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị.
Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh không căn cứ và điều kiện bảo đảm chất chượng GDĐH sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở GDĐH tổ chức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.
Nhất trí với Dự thảo Luật về các quy định tuyển sinh, tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi đề nghị: “Trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các cơ sở GDĐH trong công tác tuyển sinh. Cụ thể, các cơ sở GDĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ GD-ĐT quy định; giao cho các cơ sở GDĐH có đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm lựa chọn phương thức, thời gian và tổ chức tuyển sinh theo các quy định chung của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đề nghị, bổ sung chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm trong lĩnh vực tuyển sinh không đúng với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo”.
Giảng viên đại học phải đạt trình độ thạc sĩ
Về tiểu chuẩn giảng viên (GD), theo Dự thảo luật, trình độ chuẩn của GV ĐH là có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên.
Không đồng tình với dự thảo luật về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi cho rằng: “Trình độ GV phải cao hơn trình độ đào tạo, cụ thể để giảng dạy trình độ cao đẳng, GV ít nhất phải có bằng đại học, còn để giảng dạy trình độ đại học thì GV phải có trình độ sau đại học đối với các môn học lý thuyết, chuyên ngành. Do đó, đề nghị quy định trình độ chuẩn của GV giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên. Đối với những cơ sở GDĐH mới thành lập hoặc ở địa bàn khó khăn thì có thể cho phép tạm tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người có trình độ tương đương trình độ đào tạo làm GV với điều kiện sau một thời gian nhất định phải đạt trình độ chuẩn”.
Làm rõ hơn thực trạng giảng viên ĐH, CĐ, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT báo cáo thực trạng trình độ giảng viên hiện nay.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Tính bình quân tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 14%; trình độ thạc sĩ là 35%. Tổng cộng trình độ trên đại học dạy đại học là 49%”.
Bộ trưởng Luận cũng đề nghị Ủy ban thường vụ: “Nếu chúng ta quy định giảng lý thuyết phải có trình độ trên đại học thì tôi sợ lại lặp lại như thời gian vừa qua là coi nhẹ thực hành. Trong nhà trường thầy giảng lý thuyết quan trọng, thầy giảng thực hành lại không quan trọng. Tuy có nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì yêu cầu giảng dạy lý thuyết như vậy nhưng hiện nay, chúng ta đang muốn tăng cường năng lực thực hành”.
Theo Hồng Hạnh
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)