Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đầu tư thật để giáo viên sống được

Tạp Chí Giáo Dục

Hãy mạnh dạn đầu tư xứng tầm với “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đừng để giáo viên phải xoay xở từ các khoản đóng góp của phụ huynh.
Hôm qua (4-10), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM cùng hiệu trưởng các trường từ mầm non đến ĐH để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Đảm bảo đời sống người thầy
Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng: Mục tiêu đổi mới của giáo dục là khai thác tiềm năng, tố chất của con người từ khi đến trường đi học. Muốn thầy và trò cùng khám phá, phát huy cả tâm lực và trí lực đòi hỏi Nhà nước phải có chế độ đãi ngộ họ, giáo dục bây giờ trông vào sự đóng góp của nhân dân để phát triển thì không ổn lắm.
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, thẳng thắn: Muốn đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới tư duy, đổi mới đầu tư, đổi mới quản lý. Còn việc đầu tư có đầu tư thật thì mới có dạy thật, ngân sách phân bổ chỉ đủ về mặt hành chính mà không có đủ để giáo viên trang trải đời sống. Hãy mạnh dạn đầu tư xứng tầm với “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đừng để giáo viên phải trồi đạp, xoay xở với cơm áo gạo tiền từ các khoản đóng góp này nọ của phụ huynh. “Tôi thấy giáo dục đang được đầu tư giả chứ không thật. Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà phải đi xin nơi này nơi nọ, ai nhớ thì cho, người thầy là dạy học trò có tri thức, đạo đức thì họ phải yên tâm sống mới làm được ” – ông Minh khẳng định.
PGS-TS Võ Tấn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng lưu ý: Tuyển sinh sư phạm ở các trường ĐH đang suy giảm chất lượng, cần bàn tay điều hành của Nhà nước và phải coi sư phạm là “máy cái”. Sinh viên học sư phạm phải được ưu đãi và thầy cô giáo phải được đãi ngộ. Họ phải được tự hào với nghề và cảm thấy sống thoải mái với nghề từ đồng lương.

Năm 2006, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân lúc này có hứa đến năm 2010 giáo viên sống đủ với lương nhưng hiện nay đời sống giáo viên vẫn còn rất chật vật. Thí sinh thi vào sư phạm giảm, chất lượng tuyển sinh tuột dốc không phanh. Trong ảnh: Một giờ học lý của thầy trò Trường THPT Marie Curie. Ảnh: QV
Giảng viên thích chạy sô ĐH tư
Góp ý về việc đầu tư cho các ĐH chuyên ngành, bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: “Việc đầu tư hiện rất dàn trải, cào bằng, mang tính bình quân. Nếu không phân tầng ĐH để đầu tư chiều sâu sẽ không có ĐH đẳng cấp khu vực và quốc tế”.
Bà Quỳ cũng nêu thực trạng bùng nổ các ĐH ngoài công lập dẫn đến hiện tượng giảng viên các trường ĐH “đinh” chạy sô quá nhiều vì ở nơi đó không ai kiểm tra, đánh giá họ và có thu nhập cao, ổn định. “Tôi cho rằng giảng viên mà lo đi dạy ngoài nhiều sẽ xuống cấp về chất lượng” – bà Quỳ nói. Ngược quan điểm bà Quỳ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng các trường ĐH đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là để cả xã hội thụ hưởng chứ không riêng ĐH, nơi đào tạo họ thụ hưởng. Vì vậy, không có chuyện giảng viên đi dạy thêm ở các trường tư phải xin phép hiệu trưởng.
Ông Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng hiện nay các trường ĐH thiếu giảng viên tầm trọng chứ không có vừa thừa vừa thiếu cục bộ như nhận định trong chiến lược và ông đưa ra giải pháp cần có chủ trương chung của Nhà nước để đặt mục tiêu đào tạo. Các trường công lập, ngoài công lập cần ngồi lại với nhau để đào tạo, xây dựng đội ngũ cho mình đến năm 2020.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng hiện nay các trường phổ thông và cả ĐH đang thừa giáo viên, giảng viên kém chất lượng trong khi các thầy giáo giỏi, tâm huyết thì thiếu. Bộ khuyến khích các trường mở rộng cho giảng viên tham gia giảng dạy, hợp tác nhưng các trường cần có nội lực, tự xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu cho mình.
 

Theo QUỐC VIỆT
(PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)