Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Malaysia: Xác định hướng đi cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Malaysia quyết định hủy bỏ đợt kiểm tra đánh giá tiểu học và trung học cơ sở để có được một nền giáo dục mang tính tổng thể và giảm bớt các kỳ kiểm tra (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Việc đánh giá học tập dựa trên các kỳ thi là một vấn đề quan trọng của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, thời điểm này, đó lại không phải là vấn đề chính yếu ở Malaysia, bởi có quá nhiều yêu cầu đối với hệ thống giáo dục nên Chính phủ cần chọn lọc việc nào được ưu tiên hơn.
Đầu tiên là quyết định hủy bỏ Đợt kiểm tra đánh giá tiểu học (UPSR) và trung học cơ sở (PMR) được đưa ra để có được một nền giáo dục mang tính tổng thể hơn và có xu hướng giảm bớt các kỳ kiểm tra. Liệu điều này có mang lại hiệu quả? Câu trả lời hiện nay chưa thể chắc chắn được bởi đơn giản vì vấn đề không chỉ là hai kỳ thi này mà là việc nhấn mạnh quá nhiều vào kết quả học tập.
Chủ tịch Ban chuyên môn giảng dạy quốc gia – Hashin Adnan đưa ra ý kiến duy trì UPSR là hợp lý bởi UPSR sẽ thúc đẩy học sinh tiểu học chăm chỉ học tập hơn.
Mặt khác, ông Jais Abdul Karim, Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên bán đảo Malaysia (GPMS) tin rằng việc hủy bỏ này sẽ góp phần củng cố hệ thống giáo dục. Ông cũng đề cập đến việc hệ thống giáo dục hiện tại quá chú trọng vào các kỳ thi và gây căng thẳng cho học sinh. Điều này làm cho mục đích của việc học là chỉ để thi đậu chứ các em không thật sự hiểu và áp dụng được những kiến thức đã học trong tương lai.
Abdul Karim Abdullah, một chuyên viên của Hiệp hội Dịch vụ giáo dục Malaysia, chia sẻ: “Việc hủy bỏ này sẽ cho phép giáo viên và học sinh có thêm thời gian tập trung cho các chương trình song song khác cũng như những hoạt động thể thao”. Ông này cho biết thêm, việc ưu tiên trong lúc này phải là nâng cao chất lượng với 10 giải pháp được đưa ra. Thứ nhất là nâng cao chất lượng giáo viên. Đây là nhân tố quan trọng nhất! Nó không chỉ đòi hỏi việc nâng cao tiêu chuẩn mà còn cả việc đổi mới, thúc đẩy công tác đào tạo giáo viên cũng như duy trì các chương trình hiện tại. Nếu không có đội ngũ này, chắc chắn sẽ không mang lại bất cứ thành công nào. Thứ hai là đảm bảo cơ sở vật chất tối thiểu cho các hoạt động thể chất tại trường học. Khi chất lượng giáo viên đóng vai trò tất yếu thì tất cả các trường học phải cung cấp những cơ sở vật chất cơ bản cho hoạt động thể chất của học sinh như sân chơi, sảnh lớn bên cạnh phòng thí nghiệm, lớp học và những giáo cụ hỗ trợ cho công tác học tập và giảng dạy. Thứ ba là phân bố chương trình thể hiện tổng thể nền giáo dục. Bản thân việc phân bố chương trình phải phản ánh được mục đích của tổng thể nền giáo dục bằng cách đưa vào các môn học có thể giúp học sinh phát triển các kỹ năng sống. Thứ tư là chú trọng vào các hoạt động ngoại khóa. Qua nhiều năm, sự quan tâm đến giáo viên bộ môn điển hình như giáo viên thể thao đã bị xao lãng. Đào tạo chuyên môn đặc biệt trong các lĩnh vực thể thao chuyên biệt là rất cần thiết. Thứ năm, cần có được một sự đầu tư đúng đắn vào các hoạt động ngoại khóa cũng như các hoạt động khác. Tuy nhiên, điều này đã được thảo luận rất lâu nhưng cho đến nay, chẳng có một động thái nào cả. Thứ sáu, cần chuẩn bị đầy đủ khả năng Anh ngữ cho học sinh. Ngay cả khi môn khoa học và toán bằng tiếng Anh hiện nay không còn được giảng dạy nữa thì công tác đảm bảo chất lượng Anh ngữ cho học sinh vẫn rất cần thiết. Thứ bảy là hỗ trợ giáo dục ngôn ngữ mẹ đẻ. Hệ thống trường học trên khắp đất nước có thể gia tăng số lượng học sinh đăng ký nếu có sự phân bố thời gian và hỗ trợ đầy đủ cho các lớp ngôn ngữ mẹ đẻ của học sinh (POL). Đây không chỉ đơn thuần là việc tổ chức mang tính tạm thời mà yêu cầu có đủ thời gian và nhiều nguồn lực khác kết hợp để có được một hệ thống giáo dục tiếng mẹ đẻ đúng đắn và hiệu quả. Thứ tám là làm sao để giáo dục mang tính chuyên nghiệp và ít màu sắc chính trị hơn. Những vấn đề nhạy cảm như ngôn ngữ và văn hóa nên tách riêng và tạo một khoảng không rộng rãi cũng như một tinh thần thoải mái không phân biệt giai cấp. Tính chuyên nghiệp là điều tất yếu khi tổ chức hoạt động giáo dục với những chính sách hợp lý. Thứ chín là tiếp tục kế hoạch 20 năm. Hệ thống giáo dục không thể định hướng bởi những suy nghĩ bất chợt của những người có trách nhiệm mà cần phải lên kế hoạch đưa ra một chính sách xác định trong 20 năm. Cuối cùng là cập nhật mới nền giáo dục. Các phương pháp và phương tiện trong giáo dục luôn thay đổi và phát triển. Chúng ta phải đảm bảo làm sao bắt kịp xu hướng này cả về số lượng lẫn chất lượng và luôn xem những điều này cũng là một ưu tiên.
(Theo thestar.com.my)
Ngọc Trúc

Bình luận (0)