Khối C ngày càng thưa vắng thí sinh thi. Đó là chủ đề chính được đưa ra luận bàn nhiều trước/trong và suốt mùa tuyển sinh đại học vừa qua. Khối C là khối gì? Nếu hỏi một bà hàng xén, có thể bà không biết, hoặc quên mất tiêu. Học trò, lễ độ thì bảo: đó là khối các môn khoa học xã hội nhân văn; còn không thích thì tặc lưỡi: là cái khối… học thuộc lòng!
Chuyện khối C
Vì sao ngày càng ít thí sinh thi khối C, thậm chí có trường không một thí sinh nào? Nhiều câu trả lời, nhưng tựu trung gom về một ý: “Học khối C khó kiếm tiền”. Đúng vậy. Như một người trong cuộc cho biết: “Với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, sau hai năm làm đủ việc, tôi được nhận vào làm trong một cơ quan tỉnh với lương khởi điểm 530.000 đồng/tháng. Đến nay đã bảy năm công tác, mức lương của tôi chỉ vỏn vẹn 1.949.000 đồng/tháng”. Đấy không phải là một trường hợp cá biệt.
Đáng lo thật. Song, nếu chỉ nhìn vào số hồ sơ ứng tuyển khối C ít, mà cho rằng các giá trị nhân văn đang bị coi nhẹ, thì có vẻ như đang nghiêm trọng hoá, hoặc đặt chênh vấn đề. Thực tế, trước đây cũng từng có tình trạng: thí sinh không biết học và thi khối gì nên… thi đại khối C. Bây giờ thì học trò trở nên thực tế hơn, “hiểu đời” hơn, đó cũng là điều đáng mừng. Có được xem là nhân văn không khi một học trò nhà nghèo, đông anh em, cha mẹ già bệnh tật, lại lao vào học cái ngành mà biết là… đói? Có thực sự là sẽ được bồi dưỡng, nâng cao giá trị nhân văn không, khi phải học kiểu trả bài với những giáo trình đã quá cũ kỹ, sáo mòn?
Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng người Nhật, người có những ảnh hưởng giáo dục mạnh mẽ, giúp đất nước mặt trời mọc thoát khỏi thời Minh Trị tối tăm, lạc hậu bằng tư tưởng thực học. Đọc lại Khuyến học được Fukuzawa viết từ năm 1872, có nhiều điều đáng ngẫm trong bối cảnh hiện tại: “Học vấn là gì? Đó không phải là học chỉ cốt để hiểu câu khó, chữ khó; càng không phải là việc học để giải nghĩa văn cổ, đọc thơ, vịnh thơ. Học như vậy không có ích gì cho cuộc sống cả. Đọc tác phẩm văn học cũng là để động viên an ủi lòng người, như thế chẳng phải là môn học có ích cho cuộc sống đó sao? Nhưng tôi không nghĩ rằng văn học là môn quan trọng đến mức “phải thờ phụng nó” như các thầy dạy Hán văn, cổ văn thường nhấn mạnh. Với lối học như hiện nay, chỉ tăng thêm sự lo lắng cho các bậc phụ huynh, nhà nông… những người hết lòng chăm lo việc học hành con cái: “Chúng nó học thế này có ngày tán gia bại sản mất”…
Giá sách tăng từ 10 – 15%.
“10 – 15% là thể hiện trên giá bìa, còn thực tế chi phí in ấn tăng đến 30%”, các nhà làm sách giải thích thêm kèm với tiếng thở dài. Một khi giá vàng, giá xăng, giá gas, giá thịt cá… đều tăng, thì giá sách tăng cũng là điều bình thường. Nhưng ở đây tính chất bất thường là tất cả đang trong cơn lạm phát. Mà, cách nghĩ đúng về lạm phát không phải là giá cả đang tăng, mà sức mua đang giảm xuống. Cũng với số tiền đó, nhưng mua được ít hơn trước kia rất nhiều. Và, đương nhiên, người ta phải dành tiền dùng vào những chi phí sinh hoạt thiết thực, thiết yếu hàng ngày. Việc mua sách đương nhiên sẽ được cân nhắc dè sẻn hơn (với người lương 1.949.000 đồng/tháng thì có khi sách là xa xỉ).
Tôi vừa mua một cuốn sách giá bìa 79.000 đồng, nhưng đó là cuốn sách xuất bản năm 2009. Nếu vừa in trong tháng này, có thể giá của nó là 120.000 đồng. Và, có thể là tôi sẽ không mua. Nhưng mà tôi đã mua vì mình cũng từng… học khối C (“Học khối C mà không đọc sách thì coi như không học”, thầy đã dạy vậy rồi).
Sách hay, đọc ráo riết trong một tuần thì xong. Đọc xong mới “sáng” ra: giá của cuốn sách không chỉ là số tiền ghi ở bìa, mà cộng với số tiền mà ta đáng lẽ phải làm ra trong thời gian đọc sách. Ví dụ: trong một tuần tôi kiếm được 1 triệu đồng, thì cuốn sách đó sẽ có giá 79.000 đồng cộng 1 triệu. Nhưng chưa hết. “Chi phí thực sự của một món hàng nào đó là những gì bạn phải từ bỏ để có được nó. Chi phí này không phải là tiền mặt” – câu này được trích ra từ cuốn Đôla hay lá nho? của Charles Wheelan (cuốn sách giá bìa 79.000 đồng mà tôi nói ở trên).
“Những gì bạn phải từ bỏ” cũng có thể gọi là “sự trả giá”. Vậy cái giá phải trả cho những cuốn sách suốt đời của một người học khối C (với những giá trị nhân văn mà người đời đề cao) thực sự là bao nhiêu?
Theo Việt Sinh
(SGTT.VN)
Bình luận (0)