Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Ngành học đóng cửa: kiện ai đây?

Tạp Chí Giáo Dục

Vì không tuyển đủ thí sinh, nhiều trường đại học công bố sẽ đóng cửa các ngành học, trong đó có trường phải “dẹp” 17 ngành. Hệ luỵ từ việc tháo gỡ khó khăn cho nhà trường lại đẩy phần thiệt về phía sinh viên.
Việc tuyển sinh, đào tạo cần gắn chặt chẽ với nhu cầu xã hội. Ảnh chỉ có tính minh hoạ. Ảnh: Trung Dũng
Cắt ngành học vì không đủ sinh viên
Kết thúc kỳ thi tuyển sinh, thí sinh C. đậu vào ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp của một trường đại học. Ước mơ trở thành giáo viên dạy môn mình yêu thích sắp trọn vẹn thì “đùng cái” trường này thông báo đóng cửa ngành đào tạo. Chuyện của C. trở thành chuyện chung cho hàng ngàn thí sinh khác.
Đến thời điểm này, đại học Đồng Tháp là trường phải đóng cửa nhiều ngành học nhất – 17 ngành, bởi số thí sinh trúng tuyển quá ít. Trong đó, ở bậc đại học có 11 ngành sẽ bị cắt, gồm: sư phạm vật lý, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, khoa học máy tính, sư phạm tin học, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm hoá học, quản lý văn hoá, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, sư phạm lịch sử, khoa học thư viện. Ở bậc cao đẳng, có sáu ngành chịu chung số phận. Những thí sinh trúng tuyển vào các ngành này, theo nhà trường, sẽ có hai lựa chọn: chuyển sang học các ngành khác cùng khối, cùng trình độ hoặc có thể bảo lưu kết quả…
Còn theo trưởng phòng đào tạo đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), năm nay nhà trường sẽ phải bỏ ngành tài chính ngân hàng do chỉ có một thí sinh trúng tuyển. Nói như vậy, dù đã bỏ công sức tiền của và niềm đam mê vào ngành học trên thì thí sinh này cũng sẽ phải chọn một trong số năm ngành đào tạo còn lại của trường. Nhiều trường đại học, đặc biệt là trường “chiếu dưới” cũng đang đứng trước nguy cơ không thể mở ngành học vì không đủ thí sinh…
Lý do các trường đưa ra để dẹp những ngành học này khá giống nhau: ít thí sinh so với chỉ tiêu, việc thiếu người học sẽ dẫn tới doanh thu của nhà trường bị lỗ. Giải pháp cho tình trạng chung này, theo các trường, thí sinh có thể chọn ngành học khác cùng trình độ, cùng khối hoặc bảo lưu kết quả chờ sang năm… sáng sủa hơn!
Trở lại câu chuyện của C., thí sinh này bức xúc: “Tôi mong ước được công tác trong ngành sư phạm với chuyên môn dạy kỹ thuật công nghiệp. Tuy nhiên, giờ đây theo thông báo của trường, tôi sẽ phải chọn một ngành khác chưa biết có phù hợp với khả năng và ước muốn của mình hay không? Từ chủ động chọn ngành, nghề thì giờ tôi hoàn toàn bị động và chịu sự ban bố của nhà trường”.
Từ chủ động chọn ngành, nghề thì giờ tôi hoàn toàn bị động và chịu sự ban bố của nhà trường.
Kiện củ khoai?
Thường thì chọn một ngành học, tức là hoàn thiện mong muốn của bạn trẻ khi vào đời. Nghề nghiệp ấy có khi sẽ theo họ cả đời. Vì vậy, đã có không ít người đeo đuổi đi thi một ngành học trong nhiều năm liền. Đó còn là sự đầu tư công sức, tinh thần, tiền bạc không chỉ của cá nhân mà còn của gia đình, dòng họ. Tuy bị “dội nước lạnh” với những thông báo gây sốc kể trên, thí sinh bức xúc nhưng để đòi quyền lợi của mình không phải dễ dàng.
Một luật sư thuộc đoàn Luật sư TP.HCM tỏ ra khá e dè trước tình huống thí sinh muốn kiện trường đòi quyền lợi. Bởi, theo luật sư này, ngay từ đầu nhà trường đã sai các cam kết với thí sinh khi mở ngành đào tạo rồi thông báo ngưng. Tiếp đó vì những khó khăn của nhà trường mà đẩy hết về cho người đi thi là không công bằng. “Nói vậy nhưng cũng phải nhìn nhận rằng tình huống đó là bất khả kháng, là nguyên nhân khách quan không bên nào mong muốn. Rất khó để toà án thụ lý đơn kiện”, vị luật sư này nói.
Đồng quan điểm trên, luật sư Lưu Văn Tám, đoàn Luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, cần xem lại quy chế tuyển sinh để thấy có quy định nào liên quan đến tình huống nhiều thí sinh hơn, hay ít thí sinh hơn trong ngành đào tạo xử lý thế nào. Ngoài ra, tuyển sinh không phải như một hợp đồng dân sự, nên tranh chấp ở lĩnh vực này không phải đơn giản giải quyết. Trong khi đó, luật sư Phan Thiên Vượng, chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai nói trường đại học không thể phủi trách nhiệm với thí sinh. Trường mở ngành đào tạo, rồi tuyển sinh nhưng không dạy thì phải bồi thường ngoài hợp đồng. Bởi lẽ, nhà trường tạo niềm tin thì thí sinh mới dự thi, không được đi học nghĩa là thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần. Người trúng tuyển vẫn có thể kiện trường đại học để đòi bồi thường nếu thấy việc chuyển ngành không đúng với nguyện vọng, làm mình bị thiệt hại.

 

Trách nhiệm bộ Giáo dục và đào tạo tới đâu?
Năm ngoái, hàng loạt đại học đã phải đóng cửa ngành học vì không tuyển đủ thí sinh. Đơn cử đại học Đông Đô đóng cửa hai ngành là điện tử viễn thông và thông tin học; đại học Lương Thế Vinh đóng cửa các ngành thú y, cơ khí, nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thực vật, văn hoá du lịch; đại học Hồng Đức tạm dừng đào tạo ba ngành chăn nuôi thú y, nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ thực vật…
Trong năm 2010, đại học Đà Nẵng tạm dừng mở 9 ngành đào tạo vì không có thí sinh trúng tuyển hoặc tỷ lệ trúng tuyển quá ít. Cụ thể: đại học Bách khoa: vật liệu và cấu kiện xây dựng. Đại học Kinh tế: kinh tế lao động; kinh tế và quản lý công; kinh tế chính trị; thống kê – tin học. Đại học Sư phạm: sư phạm giáo dục đặc biệt. Đại học Ngoại ngữ: sư phạm tiếng Pháp, sư phạm tiếng Trung…
GS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo, cho rằng việc nhà trường cắt ngành học là một việc làm tiêu cực và đây là hệ luỵ của việc tự phát đầu tư trường theo tâm lý trọng bằng cấp đại học của xã hội. Ông cho rằng: “Do tổ chức tràn lan không góp phần cải tạo tâm lý chạy theo bằng cấp, không tổ chức được biện pháp phân luồng ngành nghề, chỉ chú tâm phát triển hệ đại học, còn đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp lại không được ngó ngàng”. Nhiều trường đã mở ngành học theo phong trào trong khi đó có những ngành đáng lẽ ra phải chú trọng đầu tư, lại không được quan tâm. Hay thời buổi công nghiệp hoá rất cần nhân lực ngành cơ khí nhưng ngành này chưa được đầu tư tương xứng. “Giáo dục theo nhu cầu xã hội cũng đã nhiều nhưng chưa cụ thể lắm. Trong khi đó, lại cho tự phát mở trường theo tâm lý cốt bằng đại học chứ không quan tâm đến thực nghiệm hay chưa tính đến đầu ra sau này”, GS Hạc nhận xét.
Theo ông Hạc, ai ký quyết định mở ngành học thì mới được phép đóng (ngành học đó), trường tự đóng mà không xin ý kiến của người cấp quyền là sai. “Cần nhất là việc tổ chức quản lý Nhà nước về giáo dục chặt chẽ và quyết liệt. Đào tạo phải nhắm vào thị trường lao động đang cần gì, không thể có chuyện mở ngành này không được lại bắt người ta học ngành khác”.

Theo Trọng Văn – Thanh Nhã
SGTT.VN

Bình luận (0)