Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lớp chất lượng cao có “cao” về chất lượng?

Tạp Chí Giáo Dục

Xung quanh việc các trường tuyển sinh hệ ngoài ngân sách nhưng lại không hạn chế các trường mở các lớp chất lượng cao, đang làm các nhà chức trách đâu đầu. Phóng viên Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.
Mục đích mà Bộ cho phép các trường được mở lớp đào tạo chất lượng cao, liệu đó có phải là "chiêu" khác của hệ đào tạo ngoài ngân sách? Xin Thứ trưởng cho biết thêm thông tin về vấn đề này?
Tôi khẳng định rằng, lớp chất lượng cao hoàn toàn khác với hệ đào tạo ngoài ngân sách. Lớp chất lượng cao là dành cho sinh viên đã trúng tuyển vào trường có mong muốn được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga
Lớp chất lượng cao không phải là tuyển những sinh viên điểm cao mà chỉ đơn giản, được học ở lớp đó sinh viên được đào tạo trong môi trường tốt hơn, với ít sinh viên hơn, cơ sở vật chất hiện đại và đặc biệt là tăng cường bồi dưỡng khả năng tiếng Anh.
Trái với hệ đào tạo ngoài ngân sách là lấy điểm đầu vào thấp sau đó vào trường thu học phí cao, thì lớp chất lượng cao chỉ lấy những sinh viên trong trường, gia đình có điều kiện kinh tế, bản thân mong muốn được học tập trong điều kiện tốt. Điều này là hoàn toàn tự nguyện chứ không có sự ép buộc vào từ phía nhà trường.
Sinh viên cảm thấy thích hợp thì đăng ký vào học, nếu không thích thì vẫn học ở lớp bình thường.
Thưa Thứ trưởng, sinh viên theo học các lớp chất lượng cao liệu có thu được kiến thức cao như các trường quảng cáo không?
Học các lớp chất lượng cao này sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để học tập, phát triển năng lực cá nhân và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai. Hiện nay nhiều trường đại học đã làm tốt vấn đề này, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình.
Vài năm gần đây trường đã làm tốt việc nâng cao chất lượng dạy và học cho sinh viên với số lượng sinh viên/lớp ít, khi học có cơ hội được cọ sát với thực tế. Quan trọng hơn cả đó là có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Hiện nay hàng loạt trường đang thi nhau mở đào tạo lớp chất lượng cao để thu hút sinh viên, nhưng chất lượng của những lớp này đang được dư luận nghi ngờ?
Như đã nói lớp chất lượng cao không phải tuyển những sinh viên tốt nhất vào học mà tuyển những sinh viên muốn được học trong môi trường tốt hơn.
Lớp học mở ra đương nhiên phải có người học, người học chính là đánh giá công minh nhất cho chất lượng dạy học.
Nếu trường nào mở ra lớp chất lượng cao mà chất lượng lại không đạt yêu cầu thì đương nhiên sẽ không có người học. Đây là xuất phát từ sự tự nguyện của sinh viên, nhà trường không thể ép buộc. Do vậy cũng không thể có chuyện các trường mở tràn lan.
Do điều kiện kinh tế, điều kiện trường lớp của cả nước còn nhiều hạn chế nên chúng ta cũng không thể mở lớp chất lượng cao ở tất cả các ngành ở mỗi trường và tất cả các trường trên cả nước mà chỉ xác định mở trọng tâm, trọng điểm. Chỉ mở ở những ngành, những trường có đủ tiềm năng và thế mạnh.
Vậy khâu kiểm tra đánh giá sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ, thưa Thứ trưởng?
Trách nhiệm kiểm tra đánh giá đương nhiên là của Bộ Giáo dục Đào tạo. Bộ sẽ thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch. Nhà trường công khai mức đóng học phí và cơ sở vật chất. Đã cam kết là lớp chất lượng cao thì đương nhiên chất lượng cũng phải cao.
Năm nay do nhìn thấy những hạn chế của việc đào tạo theo hệ ngoài ngân sách nên đã quyết định dừng, không giao chỉ tiêu cho các trường nữa. Do vậy, Bộ cũng mong muốn các trường thực hiện đúng cam kết của mình để cho sinh viên thấy số tiền mà họ bỏ ra được xứng đáng. Các trường muốn thu học phí cao thì tất nhiên phải tìm mọi cách để nâng cao chất lượng đào tạo.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Phan Chính
(Nguoiduatin.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)