Theo nhận định của các chuyên gia, cho dù nền kinh tế toàn cầu có suy giảm thì ngành Tài chính – Ngân hàng vẫn luôn khát nhân lực. Vậy ngành học này là gì, để học tốt thì cần hội tụ những yếu tố nào?
Để tìm đáp án cho các câu hỏi trên, Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, chủ nhiệm khoa Tài chính Ngân hàng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Ngành Tài chính – Ngân hàng hiện nay đang được khá nhiều thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, để hiểu hết về chuyên ngành này không phải là điều đơn giản. Với cương vị là chủ nhiệm khoa Tài chính – Ngân hàng, T.S có thể cho biết đôi nét về ngành học?
Tài chính – Ngân hàng là một ngành khá là rộng. Ở rất nhiều nước thì ngành Tài chính – Ngân hàng và Kế toán thường đi kèm với nhau.
Ngành học này liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ chính vì vậy nó có rất nhiều các lĩnh vực chuyên ngành hẹp mà tuy thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng trường.
Ở Việt Nam thì tuỳ thuộc định hướng của từng trường mà sẽ chọn các chuyên ngành hẹp khác nhau. Có thể hoạt động theo lĩnh vực vĩ mô lẫn vi mô.
Ở lĩnh vực vĩ mô thì sinh viên ra trường có thể làm việc tại các Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính. Nhiệm vụ của người tốt nghiệp ở lĩnh vực này là định hướng các chiến lược chính sách, chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khoá cho Chính Phủ.
Nếu nói ở lĩnh vực này thì ngành Tài chính – Ngân hàng khá quan trọng. Nó liên quan đến hai hoạt động điều hành chính sách cơ bản đó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.
Ở nước ta thì trong thời gian vừa qua việc điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá có ảnh hưởng rất lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy sẽ có rất nhiều triển vọng cho sinh viên theo học ngành này.
Chúng ta có thể coi lưư chuyển tiền tệ giống như các mạch máu trong cơ thể vì nó có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống chứ không phụ thuộc vào hiện tại như khủng hoảng tài chính thế giới nên triển vọng việc làm không bao giờ hạn hẹp.
Ở lĩnh vực vĩ mô thì chúng ta có ngành liên quan mà nhiều trường đào tạo đó là Tài chính công.
Về mặt vi mô chúng ta có thể chia ngành Tài chính – Ngân hàng thành nhiều lĩnh vực khác nhau. Chuyên ngành quan trọng số 1 là chuyên ngành Tài chính. Hầu hết các khoa Tài chính – Ngân hàng ở các trường ĐH trên thế giới đều có chuyên ngành này. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có chuyên ngành Tài chính một cách đúng nghĩa mà thay vào đó là chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp.
Chuyên ngành quan trọng số 2 là chuyên ngành Ngân hàng. Ở Việt Nam thì chúng ta hầu hết đào tạo chuyên ngành này.
Bên cạnh các chuyên ngành Tài chính và chuyên ngành Ngân hàng thì có rất nhiều chuyên ngành chuyên sâu khác. Chẳng hạn như, chuyên ngành Phân tích tài chính, kinh tế học tài chính…
Hiện nay rất nhiều thí sinh muốn đầu đơn vào ngành Tài chính – Ngân hàng. Tuy nhiên đối với từng ngành đào tạo cụ thể thì đòi hỏi người học cần có những tố chất nhất định. Vậy đối với ngành Tài chính – Ngân hàng thì người học cần hội tụ những yếu tố gì?
Ngành Tài chính – Ngân hàng đòi hỏi sự sáng tạo và tính năng động. Vì vậy yêu cầu đầu tiên đối với người học ngành này là phải có sự đam mê và thích làm việc tới các lĩnh vực liên quan đến tiền. Niềm đam mê rất quan trọng, vì nếu có đam mê thì mới có khả năng sáng tạo.
Yêu cầu thứ 2 là đòi hỏi người học cần có tính sáng tạo. Làm trong lĩnh vực tài chính Ngân hàng mà không có tính sáng tạo thì chỉ có thể trở thành nhân viên làm các công việc hết sức đơn giản như Thu ngân chẳng hạn.
Yếu tố thứ 3 cũng khá là quan trọng đó là tính năng động. Sinh viên ngoài việc học các kiến thức về Tài chính – Ngân hàng thì cần phải có các kỹ năng mềm như giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng… do đó nếu có tính năng động thì người học sẽ rất thành công với ngành này.
Ở Việt Nam hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng nhưng chất lượng tuyển đầu vào thường khá chênh lệch nhau. Vậy T.S đánh giá như thế nào về việc vấn đề này cũng như lời khuyên cho những thí sinh ĐKDT ngành này?
Hiện nay ngành Tài chính – Ngân hàng ở Việt Nam so với các nước trên thế giới thì chúng ta mới bắt đầu hoà nhập. Có thể nói sau năm 2006, với sự kiện Việt Nam gia nhập tổ chức WTO thì lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng mới thực sự nở rộ.
Tôi nói điều đó thế thấy rằng, việc đào tạo sinh viên Tài chính – Ngân hàng có vẻ gì đó chưa bắt kịp với tính năng động của chuyên ngành này. Vì vậy nguồn nhân lực ngành này của chúng ta hiện nay rất thiếu hụt. Thiếu hụt ở đây là cả về chất lượng lẫn số lượng.
Do đó tuỳ từng trường sẽ có những định hướng khác nhau dẫn đến việc xây dựng chương trình đào tạo không giống nhau.
Chẳng hạn như trường ĐH Ngoại thương hiện nay xây dựng chương trình khá tương đồng với chương trình của Mỹ và Châu Âu, đặc biệt là Anh.
Tôi không nghĩ việc sinh viên theo học ở trường ĐH top trên hay top dưới là điều quan trọng. Tuy nhiên nếu sinh viên học ở các trường ĐH top trên sẽ có cơ hội được xô sát, cạnh tranh. Đồng thời với chương trình đào tạo rất tốt thì các em có thể phát huy tối đa hơn cái khả năng của mình.
Theo tôi điều quan trọng nhất đối với các em là khi chọn trường. Ở đây chúng ta không chỉ chọn ngành mà cần phải xem chương trình đào tạo có phù hợp so với các nước đi trước hay không. Trên cơ sở so sánh như vậy các em sẽ biết được chương trình đào tạo có thực sự phù hợp với khả năng của mình để sau này có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Nếu đáp ứng được các tố chất để học ngành Tài chính – Ngân hàng nhưng chương trình đào tạo không phù hợp hay chưa được thiết kế đầy đủ thì triển vọng nghề nghiệp sau này sẽ hẹp đi.
Xin cảm ơn T.S!
Nguyễn Sơn (Dab tri)
Bình luận (0)