Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dự án Luật Giáo dục đại học hướng đến kiểm soát đầu ra

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 26-10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo chuyên đề về dự án Giáo dục Đại học (GDĐH).

Báo cáo về dự án luật này, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết mục đích của luật là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết ĐH Đảng XI về đổi mới căn bản toàn diện nền GD-ĐT; tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về GDĐH và đổi mới quản lý của cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng GDĐH; đẩy mạnh phân cấp quản lý GDĐH và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở GDĐH phù hợp với năng lực quản lý, năng lực tổ chức hoạt động GĐ và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn đầu tư của xã hội đối với GDĐH.
Một số nội dung đáng chú ý của luật này như về vấn đề tuyển sinh, cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng của mình.
Đặc biệt, trường ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh, tự in bằng tốt nghiệp. Dự án luật này cũng quy định các trường phải thành lập Hội đồng trường (HĐT) do hiệu trưởng hoặc giám đốc trường làm chủ tịch; đề cập khái niệm ĐH phi lợi nhuận và có lợi nhuận; sự phân tầng ĐH; quy định thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập… Đây là dự thảo luật lần thứ 5. Ngày 2-11 tới Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc chủ tịch HĐT là hiệu trưởng hoặc giám đốc ĐH thì có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, HĐT là điều không thể thiếu khi giao quyền tự chủ cho các trường. Sẽ không có việc Chủ tịch HĐT vừa đá bóng vừa thổi còi hay lộng quyền vì HĐT có nhiều thành viên, Chủ tịch HĐT chỉ là một thành viên, một lá phiếu. Những quyết định quan trọng của trường phải là quyết định của HĐT. Hiệu trưởng chỉ lộng quyền khi trường không có HĐT.
Luật hướng đến việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để nâng cao tính năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm nhưng sẽ không giao đồng loạt. Hiện nay các trường có sự phân tầng, mạnh yếu rất khác nhau. Giao tự chủ là dựa trên điều kiện năng lực của họ, dựa trên kết quả kiểm định chất lượng. Nếu giao đồng loạt sẽ hỗn loạn, mất kiểm soát chất lượng. Việc giao tự chủ sẽ có lộ trình. Điều này sẽ khuyến khích các trường nâng cao khả năng cạnh tranh để được giao quyền tự chủ. Nếu tự chủ mà vi phạm sẽ bị thu hồi quyền tự chủ.
Khi được giao tự chủ, các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, in cấp bằng. Lúc đó, về mặt nguyên tắc, giá trị pháp lý các văn bằng là như nhau nhưng thương hiệu của mỗi tấm bằng là khác nhau, phụ thuộc vào thương hiệu của trường. Để sống còn, các trường sẽ phải tự mình nâng cao chất lượng nếu không muốn bị xã hội chối bỏ.
 Nhiều phản biện không có nghĩa là phải dừng lại 

Hôm qua 26-10, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã trao đổi với PV Báo SGGP về một số vấn đề mà các chuyên gia giáo dục đã phản biện về dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) thời gian qua.

– PV: Thưa ông, không ít chuyên gia giáo dục đầu ngành như GS Hoàng Tụy, GS Trần Hồng Quân đã cho rằng dự án luật này còn “quá xanh”, nhiều vấn đề cốt tử của GDĐH chưa được làm rõ, vì vậy không nên cố “ép chín” để trình QH xem xét tại kỳ họp này?

Ông ĐÀO TRỌNG THI: Kỳ này QH chỉ xem xét, cho ý kiến luật này, chưa thông qua. Nếu dự luật này thực sự có vấn đề, chưa đáp ứng yêu cầu như dư luận nói, QH sẽ không thông qua, hoặc là cho ý kiến để ban soạn thảo tiếp tục chuẩn bị. 

– Trong phiên họp xem xét nội dung dự án luật này, ngay Thường vụ QH cũng có quá nhiều ý kiến phản biện gay gắt?

Phản biện, tranh cãi là đương nhiên, nhưng cuối cùng Thường vụ vẫn thống nhất trình ra QH. Tranh cãi không có nghĩa là dừng hết lại, không làm gì cả. Phản biện là để làm cho nội dung tốt hơn. Quyền quyết định thuộc về thẩm quyền của QH. 

 – Một trong những vấn đề mà dư luận cho rằng chưa được luật này làm rõ là khái niệm ĐH phi lợi nhuận và có lợi nhuận?

Mong muốn của chúng tôi là cần đề cập rõ hơn, có những quy định cụ thể hơn, kể cả quy định đột phá để tạo điều kiện cho GD ngoài công lập phát triển. Ví dụ cần có sự phân biệt giữa các cơ sở GDĐH phi lợi nhuận và có lợi nhuận hợp lý. Nghị quyết của QH về GDĐH cũng đã yêu cầu Chính phủ làm rõ điều này.

 – Chúng ta muốn tạo điều kiện cho ĐH ngoài công lập phát triển, trong khi hiện nay xã hội đang mất niềm tin vào hệ thống này, thể hiện rõ nhất qua mùa tuyển sinh năm nay cũng như quyết định từ chối tuyển dụng công chức sinh viên dân lập mới đây của Nam Định? Có nên hạn chế thành lập ĐH ngoài công lập?

Chúng tôi chưa bao giờ kiến nghị hạn chế ĐH ngoài công lập. Chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa; nhu cầu học ĐH của xã hội cũng rất cao trong khi nhà nước không thể đáp ứng được hết. Việc ĐH ngoài công lập góp phần đáp ứng nhu cầu xã hội là cần thiết. Nhưng chúng ta không mong có nhiều trường ngoài công lập mà chất lượng đào tạo thấp kém. QH, Chính phủ không hạn chế số lượng mà chú trọng đầu tư chất lượng. 

– Luật GDĐH đề cập đến việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH đủ điều kiện. Nhưng hiện nay trường nào cũng đòi tự chủ vì họ cho rằng, mỗi trường được thành lập bản thân nó đã bao hàm việc phải tự chủ được thì mới tuyển sinh, đào tạo?

Với điều kiện hiện nay nếu không phân loại các trường ra để giao quyền tự chủ xứng với khả năng thực hiện thì có thể thành tình trạng vô chính phủ, không kiểm soát được chất lượng. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ việc giao quyền tự chủ có phân loại. ĐH nào có khả năng nhiều hơn thì được giao quyền tự chủ nhiều hơn, nhưng vẫn hướng đến việc các trường đều vươn lên để được tự chủ. Thái độ của người học vừa qua khi ngoảnh mặt với một số trường đã thể hiện xã hội không thừa nhận chất lượng của họ. Rõ ràng, phải phân loại ra rồi mới giao tự chủ. Tự chủ không phải là xin-cho mà phải trên cơ sở đánh giá các điều kiện đào tạo một cách công bằng trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng GD.

– Trong điều kiện hiện nay khi mà công tác kiểm định chất lượng GD còn nhiều yếu kém, rất nhiều người cho rằng cần thành lập những tổ chức kiểm định hoàn toàn độc lập, không bị bất cứ nhóm lợi ích nào chi phối. Dự thảo luật dường như chưa làm rõ được điều này?

Luật có đề cập đến việc thành lập những tổ chức kiểm định độc lập. Nhưng vì chúng ta mới bắt đầu tiến hành nên không thể một lúc mà có ngay. Trước mắt vẫn phải chấp nhận các tổ chức kiểm định công lập, nhưng đây không phải là cơ quan quản lý mà đây là các đơn vị sự nghiệp, vì thế vẫn bảo đảm được tính độc lập tương đối. Khi nào hình thành được hệ thống kiểm định hoàn toàn độc lập thì xã hội mới yên tâm về chất lượng GD. Phải chấp nhận một lộ trình để đạt tới điều đó.
Phan Thảo thực hiện

Theo L.Nguyên
(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)