Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đào tạo nghề còn bị xem nhẹ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sáng 17/11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, Sở LĐ-TB-XH, Sở GD-ĐT TP.HCM đã  phối hợp tổ chức hội nghị “Kiều bào góp ý, hiến kế thực hiện chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề giai đoạn 2011- 2015 tại TP.HCM”.

 
Hội nghị nhằm giúp ban tổ chức tập hợp ý kiến tham mưu cho Thành ủy, UBND trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để hiện thực hóa “Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”- một trong sáu chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2010 – 2015. Theo nhiều đại biểu, dạy nghề – học nghề hiện vẫn còn bị xem nhẹ, trong khi nó đóng vai trò tiên quyết trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
GS-TS  Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật) cho rằng, một nước muốn hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa thì không thể không tự cung tự cấp được một nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) gồm thợ lành nghề và kỹ sư để làm ra sản phẩm công nghiệp. Thế nhưng, có vẻ như Việt Nam cứ nôn nóng muốn có đội ngũ 20.000 tiến sĩ, muốn đạt tỷ lệ 450 sinh viên đại học/10.000 dân trước. Tiến sĩ Mô băn khoăn: “Tôi đã nghe nói đến kế hoạch của Bộ GD-ĐT về đào tạo 20.000 tiến sĩ. Tôi cũng nghe một vị phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nói rằng, để đạt được mục tiêu 450 sinh viên/10.000 dân thì từ nay đến 2015, mỗi tháng phải mở thêm hai trường ĐH. Vậy không biết có một kế hoạch, dự án nhà nước nào nhằm đào tạo ra một đội ngũ thợ lành nghề hay không?”. Ông Mô khẩn thiết cho rằng, cần có nhiều hoạt động tôn vinh người có tay nghề. Như tại Hàn Quốc, người đọat huy chương vàng Olympic tay nghề quốc tế sẽ được cấp căn hộ, xe hơi – những tài sản mà một tiến sĩ cũng phải mơ ước.
Tiến sĩ Đỗ Đắc Vọng đề nghị xem lại vì sao hiện nay nhà trường phải lụy doanh
nghiệp trong việc tìm chỗ thực tập cho học viên
Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã trở nên nghiêm trọng từ hơn chục năm qua, nay tiếp tục được các trí thức kiều bào lên tiếng cảnh báo. Tiến sĩ Ngô Quốc Trung (kiều bào Ba Lan) nhận định: “Nền kinh tế muốn phát triển chỉ cần một người thầy, hàng chục, hàng trăm người thợ chứ không phải ngược lại. Nếu như xã hội làm tốt việc định hướng, tổ chức phân tầng, khuyến khích học nghề ngay từ đầu sẽ không phí thời gian, tiền bạc của bản thân người học, gia đình và xã hội để học ĐH rồi không làm được việc gì hoặc phải quay lại học nghề”. Theo ông Trung, đào tạo nghề của VN hiện đang thiếu cơ chế để phát triển, chất lượng đào tạo chưa cao. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến học sinh chỉ muốn vào ĐH, đó là: lối tư duy trọng thầy, khinh thợ đã ăn sâu trong xã hội. Cần phải thay đổi tư duy này.
Tiến sĩ Đỗ Đắc Vọng (kiều bào Đức) cho biết, tại Đức, ngay từ bậc tiểu học, thầy cô đã có bản nhận xét đối với từng học sinh, đưa ra khuyến nghị nên học tiếp lên trung học hay đi vào trường nghề, học nghề gì. Do đó, số học sinh vào trường trung học phổ thông, đại học ít dần. Còn ở VN, cứ có tiền thì muốn học trường nào cũng được. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong tỷ lệ đào tạo, người học nghề ngày càng hiếm. Cũng tại Đức, do mỗi doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề đều nhận được lợi ích, nên hình thức đào tạo song hành (vừa học – vừa làm) phát triển mạnh.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, cần phải cởi trói về mặt quản lý đối với đào tạo nghề. Theo báo cáo của đại diện Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tại hội nghị, hiện có ba cơ quan quản lý về dạy nghề: sơ cấp nghề, trung cấp nghề do Sở LĐ-TB-XH quản lý; trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề do Sở GD-ĐT quản lý; lại cũng có trường sơ cấp, trung cấp, trung học chuyên nghiệp và cao đẳng do các Bộ, ngành quản lý. Do đó, dù nắm được nhu cầu thị trường, cũng khó đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng, bởi vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Hiện, TP.HCM có 417 cơ sở dạy nghề, trong đó có 46 cơ sở do trung ương quản lý, còn lại do TP quản lý.
Theo ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT, hiện vẫn còn nhiều trường dạy nghề công lập chưa có xưởng thực hành, trang thiết bị còn thiếu thốn. Thực trạng chung của đào tạo nghề hiện nay là chưa có biện pháp hữu hiệu phân luồng học sinh, dẫn đến sự mất cân đối nguồn lao động qua đào tạo; chưa có cơ chế gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp…
Theo NGỌC HỒ
(PNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)