Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Trường trung học tư thục hướng về Đông Á

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trung Quốc tại Trường Trung học tư thục Bullis School ở Maryland, Mỹ

Từ lâu, giáo dục đại học Mỹ vốn thu hút một lượng lớn sinh viên từ nước ngoài. Giờ đây, hệ thống các trường trung học tư thục nước này cũng đang cạnh tranh gay gắt để chiêu mộ số học sinh Đông Á có khả năng chi trả học phí toàn phần.
Hiện nay, có nhiều trường trung học tư thục Mỹ đăng quảng cáo tuyển sinh trên các báo nước ngoài cũng như tham gia vào các hoạt động hội chợ du học quốc tế. Những hội chợ là nơi các trường tư thục hứa hẹn việc rèn luyện tiếng Anh cho du học sinh và cung cấp những chương trình đào tạo thích hợp làm tiền đề để họ bước vào bậc đại học.
Năm ngoái, Dixi Wu – một học sinh vừa tốt nghiệp trung học cơ sở ở Côn Minh, Trung Quốc đã đứng trước một lựa chọn khó khăn. Cô học sinh có thành tích học tập xuất sắc này đã thi tuyển vào một trường trung học phổ thông ưu tú nhất tỉnh này. Nhưng Trường Bullis School ở Maryland, Mỹ cũng rất muốn Dixi ghi danh học tập. Dixi nói: “Tôi chỉ mới 15 tuổi. Chuyện đi xa nhà cả nửa vòng trái đất khiến tôi lo sợ”.
Tuy nhiên Dixi đã quyết định khá dễ dàng sau khi được phỏng vấn bởi chính Hiệu trưởng Trường Bullis – Tom Farquhar khi ông có chuyến thăm Trung Quốc nhằm tiếp xúc với hàng chục học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm đến việc cho con du học ở Mỹ.
Bây giờ Dixi đang học ở Maryland. Chi phí cho một năm học trung học của cô ở Mỹ là gần 40.000 USD – kể cả học phí và ăn ở – nhưng cha mẹ cô trang trải được vì cả hai đều là giám đốc một công ty viễn thông.
Giáo dục cứu vãn suy thoái kinh tế
Vào thời điểm mà hàng hóa Mỹ khó tìm chỗ đứng trên thị trường toàn cầu thì bằng cấp Mỹ lại rất có giá trị đối với thế giới. Trong năm 2009, hơn 650.000 sinh viên quốc tế đã ghi danh vào các trường đại học Mỹ, mang lại 18 tỷ USD cho ngành công nghiệp giáo dục quốc tế. Số liệu của Chính phủ Mỹ còn cho thấy có thêm 35.000 học sinh nước ngoài hiện đang theo học các trường tiểu học và trung học Mỹ, chưa kể các chương trình trao đổi văn hóa một năm hay các khóa học tiếng Anh ngắn hạn.
Với các trường trung học tư thục Mỹ, thị trường giáo dục ở Đông Á là một cứu tinh. Suy thoái kinh tế đã khiến nhiều gia đình Mỹ cân nhắc lại khả năng thanh toán tiền học và ăn ở cho con em nếu ghi danh vào trường tư. Khi mà các nguồn quỹ từ thiện và tiền tài trợ cũng sụt giảm mạnh, số học sinh ghi danh ngày càng thấp và nhiều trường tư thục đã buộc phải ngưng hoạt động.
Trường Bullis chưa lâm vào tình cảnh đó nhưng số lượng ghi danh từ Mỹ đã giảm trong khi nhu cầu từ Trung Quốc lại tăng cao. Trường Potomac đã tiếp nhận học sinh Trung Quốc từ các năm trước và lượng du học sinh trung học đông đến mức trường này phải tổ chức thêm chương trình dạy bằng tiếng Hoa. Thành công của Trường Potomac khiến Trường Bullis mạnh dạn chiêu sinh ở thị trường giáo dục Trung Quốc.
Vốn đầu tư an toàn
Hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh khốc liệt ở Đông Á đang góp phần tạo ra một văn hóa du học sớm. Nhiều quốc gia xem chuyện du học như một phương cách giúp nâng cao nấc thang nghề nghiệp. Việt Nam và Trung Quốc đều nằm trong con số đó.
Mặc dù gánh nặng tài chính khi cho con du học đối với nhiều gia đình là rất lớn, song họ vẫn xem đó là một cách đầu tư an toàn vì các bằng cấp phương Tây và khả năng nói tiếng Anh lưu loát rất có giá cho các cơ hội việc làm. “Ở Trung Quốc, thi rớt đại học là coi như kết thúc” – một nhà xã hội học ở Đại học UCLA, Mỹ giải thích như thế về hiện tượng học sinh Trung Quốc du học sớm.
Các trường trung học tư thục ở các nước nói tiếng Anh như Canada và Úc cũng cạnh tranh với Mỹ. Tại Úc, doanh thu từ giáo dục quốc tế đã vượt qua doanh thu du lịch.
Còn tại Mỹ, các trường trung học công vẫn thu học phí với học sinh nước ngoài và khống chế số lượng ghi danh mỗi năm. Do đó hầu hết các học sinh trung học du học sớm đều chọn trường tư. Và phần lớn họ đều có xuất thân là con nhà giàu.
 (Theo Washington Post)
Yên Nhạn

Bình luận (0)