Trường trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn đang phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM triển khai chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân từ nay đến tháng 9-2016.
Học viên theo học chương trình nâng cao tay nghề cho thanh niên – Ảnh: N.Nam
|
Chương trình sẽ có 15.000 suất học giảm 50% học phí. PV đã có cuộc trao đổi với anh Phạm Doãn Nguyên, giám đốc Trung tâm Đào tạo – cung ứng nguồn nhân lực (Trường trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn) và anh Huỳnh Ngô Tịnh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, về chương trình này.
* Chương trình sẽ được triển khai cụ thể ra sao, thưa anh?
– Anh Phạm Doãn Nguyên: Đợt tuyển sinh đầu tiên bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12-2011 với các ngành nghề công nghệ website, công nghệ máy tính, đồ họa truyền thông, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật lập trình viên, đồ họa kiến trúc, quản trị văn phòng, điện tử viễn thông, khai thác bưu chính viễn thông, hạch toán kế toán, kinh doanh tiền tệ. Song song với đó là các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, huấn luyện kỹ năng cho thanh niên, công nhân như nghiệp vụ tổ trưởng sản xuất, hành chính văn phòng, bán hàng, marketing; các kỹ năng như giao tiếp, văn hóa doanh nghiệp, đàm phán thương lượng, làm việc nhóm…
Công nhân, đoàn viên thanh niên, các bạn trẻ có nhu cầu theo học qua chương trình trên có thể đăng ký tham gia tại Trường trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn (311-319 Gia Phú, P.1, Q.6), hoặc tại các văn phòng của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM ở Khu chế xuất Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức), Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân).
|
Chương trình này sẽ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chính quy cho 500 học sinh/năm, bồi dưỡng nghiệp vụ và huấn luyện kỹ năng mềm cho 2.500 học sinh/năm. Như vậy số lượng học sinh qua đào tạo trong năm năm triển khai chương trình dự kiến là 15.000. Đối tượng tham gia chương trình là công nhân, đoàn viên thanh niên, các bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM có nhu cầu được đào tạo nâng cao tay nghề. Học phí được giảm 50%.
* Muốn theo học thì sẽ học ở đâu?
– Anh Huỳnh Ngô Tịnh: Tùy theo nhu cầu đăng ký cụ thể chương trình sẽ tổ chức lớp học tại trường, hoặc ngay tại công ty công nhân đang làm việc, hoặc tại các văn phòng của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM ở Khu chế xuất Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức) và Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân). Thời gian tổ chức lớp học sẽ được bố trí sao cho thuận tiện với các bạn vừa làm vừa học nên sẽ do người học quyết định.
Về phương pháp học, các bạn sẽ lựa chọn môn học theo kiểu tín chỉ, học xong chương trình sẽ được xét tốt nghiệp và có thể kéo dài thời gian học để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Chúng tôi nhắm vào những ngành nghề công nhân học xong sẽ có thể làm tốt hơn công việc theo đúng chuyên môn của mình nên doanh nghiệp rất ủng hộ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và ủng hộ tinh thần cho công nhân theo học.
* Có sự hỗ trợ về việc làm nào cho người học sau khi họ tốt nghiệp không? Người lao động và doanh nghiệp sẽ được lợi gì sau khi tham gia các khóa đào tạo?
– Anh Phạm Doãn Nguyên: Gần kết thúc mỗi khóa học, chúng tôi sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm để người học chọn doanh nghiệp đăng tuyển lao động và cung cấp hồ sơ học sinh để doanh nghiệp lựa chọn lao động. Hiện nay các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn thợ có tay nghề nên nếu các bạn học tốt chắc chắn sẽ có việc làm ngay.
Có một thực trạng đang diễn ra trên thị trường lao động là doanh nghiệp cần tuyển lao động có tay nghề nhưng không tuyển được, còn lao động phổ thông của chúng ta không có đủ kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu công việc tại doanh nghiệp nên cung cầu lao động không gặp nhau. Nếu người lao động được qua đào tạo đảm bảo chất lượng thì hiệu quả công việc của họ sẽ cao hơn, họ có bằng cấp, được tăng thu nhập, còn doanh nghiệp thì tăng được năng suất khi có trong tay đội ngũ công nhân lành nghề.
Chúng tôi quan niệm người học phải sống được bằng nghề mình học nên quá trình đào tạo phải chăm chút kỹ càng từng tiết thực hành, bồi dưỡng sâu sắc tác phong công nghiệp để dần tạo ra một đội ngũ công nhân lành nghề.
Theo NGUYỄN NAM
(TTO)
Bình luận (0)