Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

“Mưa” điểm 10

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 chứng kiến sự “bùng nổ” điểm 10 so với kỳ thi năm 2016. Tổng số điểm 10 năm nay tăng hơn 60 lần so với năm trước.

“Mưa” điểm 10
Thầy cô và các bạn Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM chúc mừng em Huỳnh Gia Huy đạt điểm 10 hai môn toán và tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 – Ảnh: Như Hùng
6.200 là số bài thi bị điểm liệt. Trong đó có cả bài thi trắc nghiệm và tự luận.

Đáng chú ý, phổ điểm 10 di chuyển thấp dần theo hướng từ Bắc vào Nam.

Phía Bắc, miền Trung: “bùng nổ” điểm 10

Thống kê từ 62 cụm thi năm 2017 (từ dữ liệu các sở GD-ĐT công bố) cho thấy số điểm 10 có đến 4.153 bài thi. Hóa học là môn có nhiều điểm 10 nhất với trên 1.500 bài thi, kế đến là ngoại ngữ với trên 1.000 điểm 10, thấp nhất là môn ngữ văn chỉ có 1 điểm 10.

Nếu như điểm 10 năm 2016 tập trung ở một số môn và vài tỉnh thành thì năm nay bao phủ tất cả các môn cũng như tỉnh thành trong cả nước.

Theo thống kê từ dữ liệu điểm thi của Hà Nội đã công bố thì trong số gần 73.000 thí sinh dự thi có 621 bài thi đạt điểm 10. Cụ thể, có 279 thí sinh đạt điểm 10 môn tiếng Anh, 34 điểm 10 môn sinh học, 13 điểm 10 môn vật lý, 190 điểm 10 môn hóa, 43 điểm 10 môn toán… Đây có lẽ là con số “khủng” đối với Hà Nội trong nhiều mùa tuyển sinh, khi mà trước đây các cụm thi do trường ĐH tổ chức chỉ lác đác vài bài thi đạt điểm 10.

Trong khi đó, phân tích dữ liệu điểm thi của tỉnh Nghệ An cho thấy toàn tỉnh có 207 điểm 10. Ngoại trừ môn văn không có điểm 10, các môn còn lại đều có điểm 10 khá nhiều. Trong đó môn toán có 22 điểm 10, ngoại ngữ 26 điểm 10, lịch sử 5 điểm 10, lý 6 điểm 10, môn sinh 9 điểm 10, giáo dục công dân 2 điểm 10. Hai môn có số lượng điểm 10 rất “khủng” là địa lý và hóa học. Trong đó địa lý có 46 điểm 10 và hóa học có đến 91 điểm 10.

Các tỉnh còn lại trong top 10 đều nằm ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa có 199 điểm 10. Trong đó môn hóa có số điểm 10 nhiều nhất với 84 bài thi đạt điểm tuyệt đối, địa 39, toán 28, sinh 19, ngoại ngữ 14, sử 9 và lý 8. Điều lạ là ở tỉnh này môn giáo dục công dân không có điểm 10, trong khi ở các tỉnh thành có điểm 10 nhiều thì môn giáo dục công dân đều đóng góp số lượng điểm 10 đáng kể.

Các tỉnh có điểm 10 nhiều kế tiếp là Vĩnh Phúc với 139 điểm 10, Hải Dương 131, Nam Định 128, Thái Bình 128, Hà Tĩnh và Hải Phòng 121.

“Mưa” điểm 10
Thầy Nguyễn Hùng Khương – phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM – chúc mừng bốn học sinh được điểm 10 (từ trái sang): Đặng Ngô Anh Thư (môn hóa), Nguyễn Ngọc Thảo Dung (môn tiếng Anh), Đỗ Phước Long (môn hóa) và Trần Hoàng Đạt (môn hóa) trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 – Ảnh: Như Hùng

Miền Nam: chỉ có TP.HCM vào “top” 10

Trong “top” 10 địa phương có nhiều điểm 10 nhất, tính cả khu vực miền Trung và miền Nam, chỉ có TP.HCM lọt vào top này. TP.HCM xếp thứ 2 cả nước về số điểm 10. Thống kê điểm cụm thi TP.HCM cho thấy toàn cụm có 453 điểm 10 ở các môn thi. Ngoại trừ môn văn, các môn còn lại đều có điểm 10.

Phổ điểm 10 bắt đầu giảm dần theo hướng từ Bắc vào Nam. Năm nay, điểm 10 bùng nổ ở hầu hết các tỉnh. Hầu hết các tỉnh những năm trước không có điểm 10, nhưng năm nay đều có vài chục điểm 10 các môn.

Tuy nhiên đánh giá trên mặt bằng chung, số lượng điểm 10 ở các tỉnh khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Nếu so sánh tương quan học sinh thì tỉnh Long An (trên 13.000 thí sinh) có số thí sinh nhiều hơn tỉnh Hưng Yên (hơn 11.500 thí sinh), nhưng Hưng Yên có đến 89 điểm 10 trong khi Long An chỉ có 23 điểm 10.

Các tỉnh ở top giữa tập trung chủ yếu khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ. Các tỉnh có lượng học sinh khá đông như Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định cũng chỉ có 59 – 71 bài thi đạt điểm 10. Quảng Nam có 62 điểm 10 và là cụm thi duy nhất có điểm 10 môn văn năm nay.

Tây Bắc, ĐBSCL: “cuối bảng”

Ở nhóm 20 vị trí cuối cùng, các tỉnh miền núi Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long chiếm đa số. Tính riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có hai cụm thi có từ 50 điểm 10 là Tiền Giang và Cần Thơ. Hầu hết các cụm còn lại đều có dưới 20 điểm 10.

Trong khi đó, các tỉnh miền núi Tây Bắc có số lượng điểm 10 ít nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

“Mưa” điểm 10
10 tỉnh thành có nhiều thí sinh đạt điểm 10 – Nguồn: dữ liệu Bộ GD-ĐT – Đồ họa: N. Khanh

Vì đề dễ hơn

Năm nay “bội thu” điểm 10 không phải vì chất lượng giáo dục trên cả nước đã tăng cao, mà vì đề thi dễ hơn, nhẹ nhàng hơn. Hầu hết các môn không có những câu quá khó, thử thách trí thông minh và năng lực sáng tạo của những học sinh giỏi, học sinh xuất sắc như đề thi những năm trước.

Lấy ví dụ như môn toán, những năm trước không dễ gì thí sinh đạt được điểm 10 môn này. Năm nay, học sinh đạt điểm 10 môn toán nhiều đến mức không đếm xuể. Trước hết, vì các câu hỏi trong đề thi gần giống với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó nên khá quen thuộc với thí sinh.

Tiếp theo, đề thi có câu phân loại thí sinh nhưng không nhiều và độ phân loại không cao. Nếu như năm trước trong quá trình giải toán học sinh phải lập luận các bước theo một trình tự hợp lý, bài bản rồi mới cho ra đáp số của bài toán – mới được điểm trọn vẹn. Còn năm nay thí sinh thi môn toán theo dạng trắc nghiệm, chỉ cần chọn đúng đáp án là có điểm.

(Phó hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM)

Không bất ngờ!

Điểm thi cao ở môn giáo dục công dân không có gì bất ngờ. Điểm cao là do đề rất cơ bản. Có lẽ do năm đầu tiên có trong đề thi quốc gia nên các câu hỏi giáo dục công dân đều cơ bản. Các câu hỏi tình huống cũng ít “bẫy” học sinh.

(Cô Trần Thị Quyến, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT 
Kim Liên, Hà Nội)

H.HG. – V.HÀ ghi

Tây Bắc, ĐBSCL: “Cuối bảng”

Ở nhóm 20 vị trí cuối cùng, các tỉnh miền núi Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long chiếm đa số. Tính riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có hai cụm thi có từ 50 điểm 10 là Tiền Giang và Cần Thơ. Hầu hết các cụm còn lại đều có dưới 20 điểm 10.

Trong khi đó, các tỉnh miền núi Tây Bắc có số lượng điểm 10 ít nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: “Tôi không cho rằng đó là bất thường”

Giải thích về hiện tượng “mưa điểm 10”, chiều 6-7 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải thích: “Trước đây, khi đề thi xây dựng theo phương thức cũ, các câu hỏi phân hóa cao để có thể đạt điểm tối đa rất khó và chỉ tập trung vào một nội dung của chương, phần nào đó trong chương trình.

Nhưng năm nay, lần đầu tiên đề thi được xây dựng theo hướng chuẩn hóa. Cùng một mức độ vận dụng cao có các câu hỏi khác nhau, ở nội dung khác nhau trong chương trình. Vì thế cùng một độ khó, có thể thí sinh không làm được câu này nhưng sẽ làm được câu kia. Tỉ lệ thí sinh hoàn thành bài thi với mức điểm tối đa sẽ tăng lên.

“Với đề thi tự luận, điểm 10 nhiều như vậy sẽ là bất thường, nhưng ở đề thi trắc nghiệm theo phương thức chuẩn hóa thì tôi không cho rằng đó là bất thường” – ông Ga cho biết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cũng cho rằng để đánh giá chính xác thì phải chờ Bộ GD-ĐT phân tích và công bố phổ điểm tổng hợp của các bài thi, môn thi. Nếu phổ điểm cân đối thì có lẽ điểm thi chụm ở khoảng điểm trung bình, điều đó là bình thường.

Liên quan đến việc nhiều tỉnh có tỉ lệ bài thi trên trung bình tăng vọt, Thứ trưởng Ga cho rằng: “Các tỉnh có tỉ lệ bài thi đạt trên trung bình cũng không có gì bất thường. Vì cấu trúc đề thi được ra với 60% nội dung cơ bản. Thí sinh chỉ cần đạt yêu cầu học tập ở mức trung bình bậc THPT đều có thể hoàn thành bài thi với điểm số từ trung bình trở lên”.

MINH GIẢNG – VĨNH HÀ/TTO

Bình luận (0)