Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường TH Lê Đình Chinh – Q.11: Rút ngắn “khoảng cách” thầy và trò

Tạp Chí Giáo Dục

Việc thay đổi một lề lối làm việc “cũ”, đòi hỏi người quản lý phải nhạy bén và dám làm dám chịu. Có như vậy mới tiếp thu và vận dụng được những cái mới, cái tích cực vào thực tế của đơn vị mình. Và Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận 11 đã và đang làm những việc “chưa có tiền lệ” trong việc xây dựng “Trường học thân thiện – học sinh tích cực” tại đơn vị mình.
Rút ngắn “khoảng cách” thầy trò
Thực tế cho thấy, muốn xây dựng một môi trường làm việc tích cực, thân thiện phải có sự gần gũi, đồng cảm giữa thầy và trò. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự quyết đoán của lãnh đạo, sự đoàn kết trong tập thể nhà trường, để đời sống học đường tốt và có tác động trở lại trong việc học của HS. Nhà trường không gò HS vào việc học mà phối hợp tổ chức các hoạt động tập thể trong trường, cho HS được quyền thể hiện thông qua các trò chơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ… Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã trở thành “kim chỉ nam” để nhà trường thuyết phục rõ ràng hơn, làm bài bản hơn”, cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng cho hay. Khi chúng tôi đến trường vào những ngày mà thầy và trò đang chuẩn bị kết thúc học kỳ I. Khuôn viên sân trường dường như vắng vẻ hơn khi có gần 100/900 HS đang tham quan “thư viện” mới. Quan sát xung quanh, thấy từng nhóm các em vẽ tranh, nhóm đọc truyện, nhóm tìm hiểu các trò chơi dân gian… Cô Hương cho biết: “Để làm được việc này nhà trường đã tham khảo nhiều mô hình thư viện tiên tiến của các trường bạn. Đặc biệt, sau khi đọc loạt bài “Trên đường hội nhập” của TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, BGH rất tâm đắc. Tâm đắc ở chỗ là dù điều kiện về cơ sở vật chất cho giáo dục ở đất nước Phần Lan chưa được tốt nhất so với các nước thuộc châu Âu khác, vậy mà trường tiểu học được họ quan tâm và đầu tư đặc biệt cho thư viện trường học. Có như vậy mới tạo cho học sinh thói quen ham thích đọc sách và tới thư viện một cách tự nguyện, không gò ép”. Khu hiệu bộ là nơi mà không phải em học sinh nào cũng “dám” đến gần! Đây chính là “khoảng cách” giữa BGH đối với học sinh. Vậy phải làm cách nào để các em không sợ và thấy khu đó cũng “gần gũi” như lớp học của mình? Từ những trăn trở đó và được sự ủng hộ thống nhất của tập thể, hành lang khu hiệu bộ được “biến” thành chỗ các em thích nhất trong trường học của mình. Nơi này có đầy đủ giá vẽ tranh, thảm cỏ (nhựa), sách truyện để giờ ra chơi hay học ngoại khóa các em được đến và hòa mình vào “công viên” mà ngay bên cạnh là phòng làm việc của BGH nhà trường.
Có lẽ đây là trường tiểu học hiếm hoi tại TP.HCM đã tạo ra một “không gian” thư viện gần gũi, thân thiện giữa thầy và trò. Toàn bộ không gian của thư viện này là hành lang khu hiệu bộ và phòng hội đồng sư phạm được trưng dụng, tạo thành một thư viện “đặc biệt”.

Tập thể sư phạm nhà trường

 
Ứng dụng CNTT, một cách làm hiệu quả
Theo xu hướng toàn cầu hóa, mọi hoạt động kinh tế xã hội đều có bóng dáng những thành tựu của CNTT, liên kết các nguồn tri thức lại với nhau, kết nối công dân toàn cầu. Điều này làm cho không gian địa lý bị xóa nhòa và CNTT trở thành một phần trong cuộc sống. Đứng trước yêu cầu đó, định hướng cho sự phát triển, nhà trường được sự quan tâm sâu sát của Ban lãnh đạo Phòng GD-ĐT, Tổ tiểu học quận 11 và dựa vào tình hình thực tế của mình, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh đã mạnh dạn hoạch định kế hoạch ứng dụng CNTT vào đơn vị của mình nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đây cũng là hướng phấn đấu đào tạo thế hệ HS của trường trở thành những công dân tương lai của đất nước có đủ bản lĩnh, tri thức và năng lực trong học tập.
Trường thành lập hai phòng CNTT (phòng hội đồng và phòng bộ môn), sử dụng những thiết bị đã có tại trường như: 2 ti vi 29 inches đã được trang bị từ trước, hai bộ máy vi tính cũ truyền gắn card… với chi phí đầu tư phù hợp với ngân sách của trường (1.400.000 đồng/1 phòng). Các phòng máy đều được kết nối internet ADSL và một số thiết bị khác, tạo cơ sở hạ tầng CNTT cho giáo viên sử dụng vào quá trình dạy học của mình. Sau một năm ứng dụng với kết quả 100% giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tham gia soạn giảng và dạy cũng như ứng dụng thường xuyên. Nhờ có máy tính điện tử mà việc thiết kế giáo án trên máy tính trở nên sinh động hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian so với cách dạy theo phương pháp truyền thống. Trước đây phương pháp dạy sao cho HS nhớ lâu, dễ hiểu, thì nay phải đặt trọng tâm là hình thành và phát triển cho HS các phương pháp học chủ động. Nếu trước kia GV thường quan tâm nhiều đến khả năng ghi nhớ kiến thức, thực hành kỹ năng vận dụng, thì nay chú trọng đặc biệt đến phát triển năng lực sáng tạo của HS. Như vậy, việc chuyển từ “đổi mới phương pháp tích cực” sang “dạy học cá thể” sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chỉ cần “bấm chuột”, vài giây sau trên màn hình hiện ra nội dung bài giảng với hình ảnh, âm thanh sống động thu hút sự chú ý và tạo hứng thú cho học sinh. Thông qua đó GV đặt các câu hỏi gợi mở tạo cho HS hoạt động nhiều hơn trong giờ học. Những khả năng mới mẻ và ưu việt của CNTT đã nhanh chóng làm thay đổi cách sống, làm việc, tư duy và cách học trong nhà trường.
Chúng em “ước” ngày nào cũng được đến đây
Từ khi có “công viên” trong trường, giờ ra chơi HS rất ít em vui chơi ngoài trời. Vì đây là nơi mà bạn nào cũng thích. Bạn Ngọc Hạnh, học lớp 3A1 cho biết: “Hôm nay, em được đến tham quan “Sân chơi Tài năng nhí”. Lúc đang xếp hàng em rất hồi hộp vì không biết vào đó “có gì” hay không mà các bạn khác ai cũng thích và muốn đến đó. Khi đã ở trong này em thật bất ngờ, vì thư viện mới có rất nhiều sách truyện hay và có không gian, tranh ảnh rộng và đẹp để chúng em thỏa thích lựa chọn”. Còn bạn Tùng Giang, học lớp 5A tâm sự: “Em rất ngại đến thư viện vì chỗ ngồi chật chội và không có nhiều sách, truyện hay. Thấy các bạn khi đến đó, lúc về bạn nào cũng vui và mong được đến đó nhiều lần. Vậy là em quyết định đến đó xem sao? Nói thật, về sách truyện nhà em không thiếu nhưng vui nhất là được vẽ tranh, chơi các trò chơi và còn được cô hiệu trưởng chụp hình và hướng dẫn các bạn tìm chỗ ngồi sao cho thuận tiện nhất trong chơi và đọc. Chắc chắn em sẽ phấn đấu học thật giỏi, thật ngoan hơn để được đến thư viện nhiều hơn nữa. Đem thắc mắc của mình, tại sao học sinh lại phải qua vòng “tuyển chọn” mới được tới “thư viện thân thiện” cô Kim Hương cho biết: “Do đây là mô hình thử nghiệm, không gian chưa đủ chỗ cho tất cả các em tới tham quan, đọc truyện… Lúc vừa mới tạo lập nhà trường chọn thí điểm khoảng 20 em trên một lớp đến tham gia. Thấy em nào cũng có cảm giác thoải mái, vui vẻ khi đến thư viện và tự giác viết nên những bài cảm nhận gửi vào hộp thư “điều em muốn nói”, với những bài viết rất xúc động và mong muốn được đến thư viện nhiều lần trong tuần. Sau một thời gian ngắn thử nghiệm, bước đầu đã có những thành công nhất định, nhà trường sẽ mở rộng mô hình này ra tới hành lang của các phòng học, giúp các em có nhiều không gian để vui chơi và sinh hoạt rộng khắp”.
Mô hình thử nghiệm mới chỉ là ban đầu, quy mô còn nhỏ nhưng “cổng thư viện” mà Trường TH Lê Đình Chinh đã tạo ra như một đột phá trong đổi mới giáo dục của nhà trường. Kinh phí không nhiều, cơ sở vật chất là những gì mình có nhưng bằng tâm huyết của người thầy, nhà trường đã tạo lập cho các em học sinh một sân chơi gần gũi và thiết thực cho học sinh thân yêu của mình.
Lê Nguyễn Quỳnh Anh

Bình luận (0)