Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Học nghề xong vẫn khó kiếm sống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những năm gần đây, huyện Sơn Động (Bắc Giang) rất chú trọng việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, do chất lượng đào tạo hạn chế, chọn nghề đào tạo chưa trúng, thu nhập thấp nên nhiều người học xong đã phải chuyển nghề…

Là một trong 61 huyện nghèo của cả nước được triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, một trong những thế mạnh của Sơn Động là có nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn, trong đó phần lớn là các công ty may.
Thu nhập thấp, nhiều công nhân may ở Sơn Động khó bám trụ với nghề.
Cùng doanh nghiệp dạy nghề
Ông Đỗ Đức Tiện – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Sơn Động cho hay: "Năm 2009, chúng tôi bắt đầu triển khai Nghị quyết 30a về dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung vào các xã nghèo, ND nghèo, nhằm giúp người dân có việc làm ổn định từng bước thoát nghèo bền vững.
Tháng 6.2011, chúng tôi tiếp nhận Đề án 1956, nên việc đào tạo nghề được triển khai nhanh và đối tượng cũng rộng hơn". Huyện phối hợp với các doanh nghiệp dạy nghề theo hình thức vừa học, vừa làm. Từ năm 2009 đến nay, huyện đã mở được 55 lớp dạy nghề ở 14 xã, thị trấn, đào tạo cho khoảng hơn 3.000 lao động, với các nghề may mặc, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y…
Công ty cổ phần May Sơn Động là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phối hợp với dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Ông Lê Quang Ngọc – Trưởng phòng Tổng hợp Công ty cổ phần May Sơn Động cho hay: "Trong gần 2 năm, công ty đã phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện tổ chức hơn 20 lớp dạy nghề cho khoảng 800 lao động.
Hiện công ty đang thu hút gần 500 lao động, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, ND nghèo, thất nghiệp. Trong quá trình học, học viên được trả lương theo sản phẩm mình làm ra, tùy theo trình độ của mỗi người, trung bình từ 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng".
Còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi ở Sơn Động, số học viên sau khi học xong có việc làm, thu nhập ổn định chưa nhiều. Do chất lượng đào tạo chưa cao, sau khi học nghề, nhiều người vẫn chưa thể sống được bằng nghề đã học. Hơn nữa, việc chọn nghề để dạy cho người dân chưa trúng, nhiều nghề khó xin việc, khó tách ra làm riêng và thu nhập thấp, nên nhiều người buộc phải bỏ làm nghề khác, gây lãng phí nguồn lao động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Tiện cho rằng do cơ sở vật chất dạy nghề của huyện còn thiếu thốn, học viên đa số là người dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức còn hạn chế; hoặc do thiếu vốn nên nhiều người rất khó tự mở xưởng, mở trang trại… để sản xuất.
Cơ sở vật chất dạy nghề của huyện còn thiếu thốn, học viên đa số là người dân tộc thiểu số nên trình độ nhận thức còn hạn chế; thiếu vốn nên nhiều người rất khó tự mở cơ sở để sản xuất. 
Ông Đỗ Đức Tiện – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Sơn Động

Theo ông Lê Quang Ngọc, công ty sẵn sàng hợp tác với các ban, ngành để dạy nghề. Tuy nhiên, do nhận thức và các quy chế chưa chặt chẽ nên nhiều lao động được công ty dạy nghề xong, có tay nghề là họ bỏ đi nơi khác làm, gây rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động của công ty. "Công ty chúng tôi có 12 dây chuyền, đáp ứng khoảng 1.000 lao động, nhưng do không tuyển được lao động nên mới có 7 dây chuyền hoạt động, với gần 500 công nhân".

Chị Nguyễn Thị Vân (xã An Lạc) – một công nhân đã từng làm việc ở Công ty cổ phần May Sơn Động nói: "Công ty chủ yếu khoán theo sản phẩm, nhưng đơn hàng lúc nhiều, lúc ít, thu nhập không ổn định nên nhiều người đã bỏ đi làm ở nơi khác. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo chưa cao, sau khi học xong, tay nghề công nhân rất non.
Theo tôi, nên tổ chức dạy các nghề như cơ khí, chăn nuôi hay thủ công mỹ nghệ cho ND, bởi những nghề này rất phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo được nhiều việc làm, có đầu ra ổn định sẽ có thu nhập ổn định".
Theo Nguyễn Tùng
(Dân Việt)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)