Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Bao giờ Bộ hết ôm việc của trường?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm là một tín hiệu tốt, chứng tỏ sự tiếp thu ý kiến của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, theo các hiệu trưởng và chuyên gia giáo dục, về lâu dài cần phải có phương án tuyển sinh phù hợp hơn với yêu cầu xã hội.

Sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM trong giờ thi. Ảnh: Hương Giang

Công khai, công bằng trong xử phạt
Nhiều hiệu trưởng các trường ĐH tỏ ra đồng tình và phấn khởi với chủ trương của Bộ GD-ĐT khi giao quyền quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ và học viện.
Bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cho đây là một tín hiệu tốt đẹp cho thấy sự tiếp thu ý kiến của dư luận trong thời gian qua.
Tuy nhiên, có một điều e ngại là các trường "chưa chắc yên tâm với công thức tính mang tính chất đồng loạt về các tiêu chí để xác định chỉ tiêu mà Bộ đưa ra. Các trường không cố tình làm sai, nhưng lỡ tính toán không trùng với cách tính của Bộ thì sao?"
"Để tránh điều này, Bộ cần tập huấn các trường cho kỹ trước khi triển khai", ông Phạm Tứ, Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết.
Quan trọng hơn cả, Bộ phải nhất quán trong chủ trương của mình ngay từ đầu, tránh việc như năm ngoái là Bộ liên tục thay đổi quyết định mình. Nếu muốn thay đổi thì phải đợi đến năm sau.
Theo TS Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng quản lý giáo dục của Hiệp hội các trường ngoài công lập, việc giao cho trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh là đúng đắn nhưng không dễ hơn cho các trường. "Quan trọng nhất là khâu hậu kiểm, phải có hình thức phạt nặng đối với trường vi phạm và tất cả đều phải công khai thông tin, công bằng trong xử phạt, không được để xảy ra trường thì phạt, trường thì không."
Bao giờ Bộ hết "ôm đồm"?
Các hiệu trưởng ở nhiều trường đều cho rằng, để có một phương án tuyển sinh phù hợp hơn với xã hội thì Bộ GD-ĐT cần phải trao quyền nhiều hơn nữa cho các trường, năm nay Bộ mới "thả" một ít.
"Về các trường có thương hiệu muốn tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh, Bộ nên mạnh dạn trao quyền cho họ. Ví dụ như trường ĐH Kiến trúc TP.HCM hoàn toàn có thể tự tuyển sinh được.", ông Phạm Tứ cho biết.
Ông nói thêm: "Tất nhiên, Bộ cũng không nên giao quyền tuyển sinh hoàn toàn ngay lập tức cho tất cả các trường vì có những trường chưa thể tự chủ được. Ví dụ có những trường không năng động trong việc xin đổi khối thi, môn thi cho phù hợp, nếu xin đổi thì Bộ sẽ cho, nếu đổ lỗi hết cho Bộ là không công bằng".
"Khi điều kiện thích hợp thì việc trả lại quyền tự quyết tuyển sinh cho các trường là hợp lý, Bộ chỉ làm các công tác kiểm tra các hoạt động đào tạo, trong đó có tuyển sinh."
Bà Bùi Trân Phượng cũng đồng ý rằng Bộ GD-ĐT nên trả quyền tuyển sinh về các trường trong việc chọn khối thi, môn thi, điểm đầu vào.
Việc công bố này, các trường phải nêu trước khi kỳ thi diễn ra, và Bộ chỉ việc giám sát xem các trường có làm đúng hay không. "Các trường có thể đề ra hình thức thêm vào kỳ thi như phỏng vấn là quyền của họ, miễn là mọi thứ đều phải công khai, minh bạch", bà Phượng cho biết.
"Bộ phải cải tổ nền giáo dục một cách căn cơ chứ không phải sửa kỳ thi tuyển sinh. Phải chẩn bệnh, chữa trị tận gốc những khiếm khuyết vô cùng trầm trọng của nền giáo dục chứ không phải là xoa dịu dư luận như chính sách năm nay", bà Phượng nhấn mạnh.
TS Vũ Thị Phương Anh cho biết, để tự chủ thì cần có ba điều kiện: Thứ nhất là sự minh bạch về thông tin, thứ hai là công bằng về thông tin (thông tin từ Bộ đến trường và xã hội phải thông suốt), thứ ba là công bằng về xử phạt.
TS Phương Anh ủng hộ quan điểm mọi người đều có quyền học đại học, vì thế không nên quy định điểm sàn. Chẳng hạn với đồng bằng sông Cửu Long thì phải thấp hơn ở những vùng khác, vì các em học được như vậy là khá lắm rồi.
Một chuyên gia giáo dục nhận xét: Năm nay Bộ cố tình che giấu phổ điểm thi đại học. Nếu nhìn vào phổ điểm sẽ biết được đề ra có quá khó hay không, có phân hoá hay không. Nếu không có sự phân hoá tốt, khó hơn mà Bộ lại ấn định điểm sàn như mọi năm thì dẫn đến nhiều em không thể có cơ hội vào đại học, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.
Bỏ điểm sàn, trường tự xác định mức điểm sàn nhưng phải công khai hoá để người học biết được "đẳng cấp" của trường thông qua điểm đầu vào mà trường xác định. Đề thi có chuẩn thì mới cần điểm sàn, nhưng Bộ không công bố phổ điểm các môn thi thì không thể biết được đề thi có chuẩn không. Nếu ra đề thi khó quá thì học sinh sẽ không làm được, như vậy tại đề chứ không phải do chất lượng dạy và học.
Theo các hiệu trưởng và chuyên gia giáo dục, để mọi việc diễn ra tốt đẹp trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới thì quan trọng nhất là phải minh bạch về mọi việc.
Theo Tú Uyên
(vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)