Những ngành nghề như kinh doanh, tiếp thị, công nghệ thông tin, viễn thông thu hút lao động trong thời gian tới
Trong tổng nhu cầu tuyển dụng của năm 2012, các ngành marketing, bán hàng, kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng cao nhất với 21,47%. Đây là đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM về xu hướng tuyển dụng năm 2012.
Cần nhân lực marketing, bán hàng
Theo thông số nhân lực trực tuyến từ Vietnamworks: Năm 2011, ngành marketing luôn giảm nhu cầu nhân lực, nhất là trong 4 tháng cuối năm. Đây cũng là điều khác lạ so với trước. Lý do là vì kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động của bộ phận marketing. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tạm thời. Dự báo ngành này sẽ tiếp tục gia tăng khi các doanh nghiệp khởi sắc trở lại.
Ông Chris Harvey, CEO Vietnamworks, chia sẻ: “Đây có thể là những thay đổi phù hợp trong ngắn hạn nhưng xét về dài hạn, những doanh nghiệp khôn ngoan sẽ lựa chọn đầu tư cho hoạt động marketing trong thời điểm này. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp chiếm được lợi thế khi kinh tế phục hồi”.
Trong khi ngành marketing đang giảm nhân lực thì bán hàng lại có nhu cầu tuyển dụng cao song lại là ngành có tỉ lệ tăng lương thấp. Cũng theo ghi nhận từ Vietnamworks, chỉ riêng trong tháng 10-2011, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong ngành bán hàng tăng 7%. Đây cũng sẽ là ngành thu hút nhiều nhân lực trong thời gian tới.
Công nghệ cao hút lao động
Năm 2011, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin tăng hơn 21%. Các công ty luôn cần nhiều lao động có trình độ chuyên môn cao cho các chức danh: lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, nhân viên phát triển phần mềm, thiết kế lập trình web… Sang năm 2012, nhu cầu nhân lực ngành này cũng sẽ tăng đáng kể.
Theo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của ngành giai đoạn 2012-2015, TPHCM cần hàng trăm ngàn lao động trong các lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, nội dung số, phần cứng.
Cơ khí chính xác là nghề hút lao động trong năm 2012. Ảnh: VĨNH TÙNG
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết trong năm 2012, các ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông cần 7,36% trong tổng nhu cầu lao động. “Thế nhưng, số lượng sinh viên theo học ngành này có xu hướng giảm và còn hạn chế về kỹ năng, chưa phù hợp yêu cầu chuyên ngành, kể cả ngoại ngữ nên khó đáp ứng đủ nhân lực trong thời gian tới”.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí chính xác, công nghệ ô tô cũng là ngành thu hút lao động trong thời gian tới. Theo ghi nhận, hằng năm TPHCM cần hơn 10.000 lao động, trong đó 30% nhân lực trình độ cao nhưng các đơn vị đào tạo không đáp ứng đủ.
Giảm cầu lao động phổ thông
Theo các chuyên gia lao động, để doanh nghiệp phát triển sau khi kinh tế khôi phục, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực trình độ chuyên môn, tay nghề vững. Như vậy, lao động không có trình độ sẽ khó có cơ hội tìm được việc làm trong thời gian tới.
Theo dự báo, trong năm 2012, lao động phổ thông sẽ giảm 10%, trong khi lao động đã qua đào tạo từ trình độ sơ cấp, trung cấp, đến cao đẳng nâng lên 42%. Bà Nguyễn Hoa, quản lý cao cấp bộ phận nhân sự và khảo sát lương Mercer, nhận xét: “Điều này, càng cho thấy sự đầu tư vào nhân lực trong thời gian tới là hết sức cần thiết ở mỗi doanh nghiệp. Bởi thực chất muốn doanh nghiệp phát triển, yếu tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực”.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, năm 2012, TPHCM sẽ có 265.000 chỗ làm. Trong tổng nhu cầu, lao động phổ thông chiếm 45%; công nhân kỹ thuật, lao động qua đào tạo chiếm 12%, trung cấp và cao đẳng 30%; còn lại là lao động có trình độ đại học và trên đại học.
|
Theo Huỳnh Nga
(NLD)
Bình luận (0)