Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đặt tình yêu ở chế độ nào?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trang blog của bạn có ba chế độ hiển thị là: public, just me và my friend; tình yêu cũng có những chế độ tương tự, quan trọng là bạn chọn đặt ở chế độ nào mà thôi.

1. “ Public hoá” tình yêu

T. V đã làm bạn bè cùng lớp bị một phen tá hoả trong chuyến đi tham quan Mai Châu vừa rồi. Chuyện là T.V có cô bạn gái xinh đẹp thuộc hàng “hotgirl” của trường. Biết lớp V đi tham quan, nàng ta nằng nặc đòi đi cùng. Trong suốt chuyến đi, cả xe tròn mắt khi bạn gái V thản nhiên dựa lưng, ngả người hoặc nói những câu nũng nịu “như của một đứa trẻ” (nguyên văn lời 1 bạn trong lớp) với bạn trai. “Khủng” hơn, buổi tối, con trai và con gái phải nghỉ ngơi ở hai khu riêng biệt thì V và bạn gái tự do ôm ấp nhau trong khu vực dành cho con trai. Thế là lớp V bị ban quản lí khu vực tham quan cảnh cáo vì có những hành vi “thiếu lành mạnh” với lứa tuổi học sinh.

Cứ tưởng chỉ những anh chị nhớn mới thích “public hoá” tình yêu. Không ngờ, các em mới chớm tuổi teen cũng muốn “lăng xê” tình yêu nhiệt tình không kém. Vì nhà gần chùa Láng (Hà Nội), nên người viết hay ra đó ôn bài. Có lần, người viết thấy hai em (cỡ lớp 7, lớp 8) “hồn nhiên” thể hiện tình yêu của mình ngay giữa sân chùa. Mọi người xung quanh cứ gọi là “mắt chữ O, mồm chữ A” và chỉ còn biết bình luận: “Bọn trẻ ngày nay ghê thật!”…

2. Một mình mình biết

Chế độ này lại ngược lại với chế độ trên. Không muốn cho ai biết, D (ĐH SP) cứ “áo gấm đi đêm“ với cậu bạn trai cuả mình. Được hơn một năm “xúc tiến” rồi mà chưa bao giờ D giới thiệu người yêu với bạn bè. Có ai thắc mắc thì D luôn lảng đi và nói: “Anh ấy bận lắm, đâu có nhiều thời gian rảnh rỗi mà ra mắt mọi người”. Kì thực là D sợ bạn bè sẽ bàn tán, nhận xét này nọ về “người ấy”. Chuyện sẽ chẳng có gì là nghiêm trọng nếu như hôm đó D không tới lớp với khuôn mặt sưng húp, tím bầm. Mãi mới có người bảo: “V bị người ta đánh ghen đấy”. Té ra, trước đó, chàng ta đã có nơi có chốn rồi nhưng vẫn “rắp tâm” lừa dối V. Vả lại, cũng nên trách V lắm chứ bởi cô nàng không bao giờ hé răng với bạn bè hay người lớn nhờ họ tư vấn giùm. Có sự cố vấn, khuyên can của mọi ngưòi, biết đâu V sẽ sớm nhận ra chân dung của anh chàng họ Sở kia.

3. Cho “My friend” của mình biết thì sao nhỉ?

Với phương châm “nhiều cái đầu bao giờ cũng hơn một cái đầu” L luôn kể cho bạn bè biết mọi diễn biến trong tình cảm của mình với chàng. Mỗi lần chàng và nàng giận nhau là y như rằng bạn bè của L trở thành “hội đồng hoà giải” không công cho hai người. Thôi thì gọi điện, nhắn tin, để lại comment trên blog của chàng…các nàng đều áp dụng cả. Thoạt đầu, người yêu của L rất vui khi thấy L có những người bạn tình cảm và chu đáo đến thế. Nhưng sau một thời gian, chàng “phẫn nộ” kêu lên với L: “Em yêu anh hay là bạn bè của em yêu anh khi mà lúc nào bạn em cũng xen vào giữa chúng ta”. Của đáng tội, nỗi “ phẫn nộ” ấy cũng chính đáng thật khi mà chuyện gì giữa hai người cũng trong tình trạng “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”!

4. Chế độ nào cho một tình yêu?

Điều này tùy thuộc ở bạn thôi. Chế độ nào cũng có những ưu điểm và hạn chế của nó chứ. Giống như một trang blog vậy, nếu bạn đặt chế độ “public” thì ai cũng có thể vào và để lại comment trên blog của bạn. Nhưng nếu đặt ở chế độ “just me” thì bạn lại chẳng thể giao lưu với bạn bè mình thật rộng rãi, thường xuyên được.

Chế độ nào cũng là do mình mặc định cả bạn ạ. Hi vọng bạn có một tình yêu chân thành, bền lâu. Với tình yêu đó, bạn sẽ lựa chọn được một “chế độ hiển thị” phù hợp ngay thôi.

 

Mai Hà Uyên (MTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)