Hội nhậpGiáo dục phát triển

Đào tạo nhân lực Y- Dược theo nhu cầu xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ y tế. Trong lĩnh vực điều trị thiếu 80.755 người; lĩnh vực y tế dự phòng thiếu 15.979 người. Toàn ngành y tế cần bổ sung hơn 54.000 cán bộ y tế, trong khi đó năng lực đào tạo của gần 100 cơ sở đào tạo nhân lực y – dược cả nước (khoá 2007-2013) chỉ có thể cho ra “lò” 27.300 cán bộ y tế đủ loại trình độ từ sơ cấp đến sau ĐH.

Ngành đặc thù – khó tuyển sinh – khó đào tạo

Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Nghề y là một nghề đặc biệt, vì vậy cần được đào tạo và sử dụng một cách đặc biệt”.

Nghề đặc biệt vì chữa bệnh cứu người không được phép sai sót dù nhỏ nhất. Đào tạo đặc biệt, vì sinh viên (SV) ĐH Y phải học 6 năm; SV ĐH Dược phải mất 5 năm mới lấy được bằng tốt nghiệp (cao hơn tất cả mọi ngành nghề). Chưa kể các trường ĐH Y-Dược thường có điểm tuyển sinh chót vót (25-28/30 điểm). Đây là những lý do chủ yếu, khiến quy mô đào tạo của các trường y-dược khá nhỏ bé.

Tính riêng 4 năm (2004-2008), tổng quy mô đào tạo của tất cả các trường ĐH, CĐ y-dược nước ta chỉ đạt 31.907 SV (bình quân 7.976 SV/1 năm). Trong khi đó, quy mô đào tạo năm học 2007-2008 của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội là 35.845 SV; của ĐH Bách khoa Hà Nội là 41.390 SV v.v… Tỷ lệ SV/1 GV (giảng viên) của các trường ĐH y-dược là 10/1, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân các trường ĐH cả nước 28,5 SV/1 GV. Theo Bộ Y tế : hiện nay đa số các trường y-dược tuyển sinh không đạt chỉ tiêu vì nhiều lý do. Trong đó lý do chính có lẽ là ra trường làm việc căng thẳng – chế độ đãi ngộ hạn chế…

Cũng theo Bộ Y tế : Lĩnh vực y tế dự phòng là thiếu nhiều nhất cán bộ y tế. Cả nước hiện chỉ có 29.301 cán bộ y tế dự phòng, trong khi nhu cầu tối thiểu cần 45.260 người, thiếu 15.979 người. Đây là lĩnh vực mà SV ra trường làm việc rất vất vả, thường xuyên phải đi công tác cơ sở, ngoài lương ra, hầu như không có thu nhập nào khác. Do đó, các trường y-dược rất khó thu hút SV theo học ngành y tế dự phòng. Bên cạnh đó, các lĩnh vực chuyên môn như: lâm sàng; cận lâm sàng và dược; quản lý hành chính cũng đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực. Riêng ngành lâm sàng, cả nước đang cần bổ sung 28.221 người. Cũng như ngành y tế dự phòng, sự thiếu hụt các ngành kể trên, chủ yếu vì kém hấp dẫn SV theo học.

So với các nước, tỷ lệ bác sĩ/số dân ở nước ta hiện quá thấp. Thống kê đầu năm 2007, cả nước có khoảng 54.800 bác sĩ đa khoa và chuyên khoa – tỷ lệ 6,4 bác sĩ/10.000 dân. 13 cơ sở công lập cả nước có đào tạo bác sĩ đa khoa, bình quân mỗi năm gần đây chỉ tuyển sinh khoảng 2.500 người. Con số này chỉ bù đắp được số lượng hao hụt ở các cơ sở y tế công lập, chưa nói tới việc cung cấp nhân lực cho các cơ sở y tế tư nhân. Cần nhấn mạnh thêm, cả nước hiện mới chỉ đạt 1,2 dược sĩ ĐH/10.000 dân – quá thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo địa bàn, nếu tính bình quân 7 cán bộ y tế/1 trạm y tế xã, cả nước đang thiếu tới 30.877 cán bộ y tế xã. Số lượng bác sĩ; dược sĩ ĐH thiếu hụt trầm trọng, rơi vào các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nhất là: Tây Bắc; Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long…

Định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội

Phát biểu tại Hội thảo Quốc gia đào tạo nhân lực y-dược theo nhu cầu xã hội – TP.HCM ngày 27/12/2008, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh : Phải mạnh dạn đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều giải pháp, trong đó đào tạo theo nhu cầu xã hội là một giải pháp quan trọng. Người học ra trường phải có việc làm, còn người sử dụng lao động phải có hiệu quả cao. Nơi “đặt hàng” nhân lực có thể là Nhà nước, thông qua UBND các tỉnh thành, các bệnh viện công lập, với kinh phí đào tạo do Nhà nước chi trả. Bệnh viện tư cũng có thể “đặt hàng” với kinh phí cao hơn. Điều cần lưu ý là SV tốt nghiệp các trường y-dược, đều phải thực hiện nghĩa vụ đối với đất nước như nhau, họ phải làm việc ở những nơi khó khăn một số năm theo quy định. Các Bộ Y tế; Bộ GD&ĐT; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch Đầu tư cần phối hợp nghiên cứu đề ra các chính sách cán bộ y tế; chi phí đào tạo; thời gian luân chuyển; định mức lao động; chế độ đãi ngộ đối với ngành đặc thù như ngành y tế… sao cho phù hợp với sự chuyển mình của đất nước thời hội nhập.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ GD & ĐT Bành Tiến Long: Quy mô đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực các trường y-dược đến năm 2020 cần đạt: 50.000 SV-học viên-học sinh, trong đó 7.000 SV ĐH Y khoa; 1.700 SV ĐH Dược khoa… Tỷ lệ SV – học sinh điều dưỡng – kỹ thuật y học – trung cấp – CĐ và tương đương duy trì tỷ lệ 3/1 so với SV ĐH. HS CĐ – trung cấp duy trì xấp xỉ 4/1 so với SV ĐH. Số học viên-nghiên cứu sinh sau ĐH đạt 1/3 số SV quy đổi của các trường ĐH. Tỷ lệ SV – học viên/1 GV các trường ĐH đạt 5/1; CĐ 8/1 và trung cấp 10/1. Nâng cấp ĐH Y Hà Nội; ĐH Y-Dược TP.HCM thành ĐH trọng điểm. Các trường CĐ Y tế hướng tới đào tạo đa ngành với quy mô HS-SV 800 -> 1.000 (80% là CĐ). Chỉ duy trì các trường trung cấp Y tế ở 1 số địa phương. Mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường CĐ Y tế. Khuyến khích mở các trường ĐH, CĐ Y tế tư nhân.. Để nâng cao chất lượng đào tạo bám sát nhu cầu xã hội, cần gắn chặt nhà trường với Viện nghiên cứu, với Bệnh viện; tăng thời lượng thực nghiệm, thực tập lâm sàng; tăng cường đầu tư trang thiết bị… Về lâu dài, các trường y-dược cần mở rộng mô hình Viện + Trường; xây dựng bệnh viện thực hành theo mô hình quốc tế…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết : Trong quý 1/2009, Bộ sẽ trình Chính phủ Đề án đào tạo cán bộ y-dược theo nhu cầu xã hội. Trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về chế độ thu hút, ưu đãi cán bộ y tế ở các vùng khó khăn và Nghị định về phụ cấp đặc thù cho nghề y. Song song đó, cũng trong quý 1/2009, Bộ Y tế cũng trình Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển nguồn nhân lực Y tế từ 2009-2013 từ nguồn vốn vay của ADB…

Đinh Lê Yên (GD&TĐ)

Bình luận (0)

Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đào tạo nhân lực y dược theo nhu cầu xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 27-12 tại TP.HCM, Bộ Giáo dục – đào tạo và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực y dược theo nhu cầu xã hội nhằm đi đến thống nhất một số giải pháp cấp bách để đến năm 2010 kiện toàn chất lượng đào tạo ngành y dược.

Theo Bộ Y tế, trong lĩnh vực điều trị – ở tuyến trung ương, tỉnh, huyện, tổng số cán bộ y tế hiện có trên 141.100 người, con số thiếu – nếu tính làm việc theo giờ hành chính – cần bổ sung ngay ở tất cả các tuyến là 47.000 người, còn nếu tính theo ca kíp thì con số này phải tăng gấp đôi, tức hơn 80.000 người. Ở tuyến xã hiện có trên 52.500 cán bộ, thiếu và cần bổ sung ngay lên tới trên 30.800 người.

Ước tính vào năm 2015 mỗi năm phải đào tạo khoảng 15.000 bác sĩ mới đáp ứng nhu cầu, song hiện chỉ đào tạo được 5.300 bác sĩ/năm (khóa 2007-2013). Như vậy đến năm 2013 số bác sĩ được đào tạo cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần thận trọng trong việc tăng tốc số lượng đào tạo, chứ không phải “trăm hoa đua nở”, cứ ký hợp đồng là đào tạo. Hiện các trường không chỉ thiếu cơ sở vật chất, quá tải cho giáo viên, quá tải giảng đường, quá tải phòng thí nghiệm… mà còn đang gây quá tải ở các bệnh viện vì không có cơ sở cho sinh viên thực hành.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải đột phá vào chất lượng đào tạo là đào tạo theo nhu cầu xã hội. Người học ra phải có việc làm, còn người sử dụng lao động phải có hiệu quả cao. Nơi “đặt hàng” nhân lực có thể là Nhà nước, thông qua UBND các tỉnh, thành, các bệnh viện công lập, với kinh phí đào tạo do Nhà nước chi trả.

Bệnh viện tư cũng có thể “đặt hàng” với chi phí cao hơn, nhưng người học đều phải có nghĩa vụ đối với đất nước ngang nhau là khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở nơi khó khăn một số năm theo quy định. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo bốn bộ GD-ĐT, Y tế, Kế hoạch – đầu tư và Tài chính cần có cuộc họp để cụ thể hóa các nội dung như: chi phí đào tạo, chính sách cán bộ, thời gian luân chuyển…

KIM SƠN (Theo TTO)