Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Về việc đình chỉ tuyển sinh một số trường ĐH: “Đòn đau nhưng đúng lúc”

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối năm 2011, Bộ GD – ĐT đã có một động thái được xem là quyết liệt nhằm chấn chỉnh chất lượng đào tạo, đó là quyết định đình chỉ tuyển sinh 3 trường đại học (ĐH) và 12 ngành học. Sau khi có nhiều ý kiến về việc mở ngành, mở trường tràn lan như hiện nay, quyết định của Bộ GD-ĐT được dư luận hi vọng sẽ là bước chuyển mình cho giáo dục Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Chủ tịch HĐQT trường ĐH dân lập Đông Đô

Tuy nhiên, bên cạnh sự hài lòng, dư luận không khỏi có những băn khoăn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Chủ tịch HĐQT trường ĐH dân lập Đông Đô (một trong ba trường vừa bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do chưa có đất và tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao), để hiểu rõ hơn những băn khoăn của “người trong cuộc”.

Phóng viên (PV): Trường ĐH dân lập Đông Đô vừa bị đình chỉ tuyển sinh năm học 2012 do không đảm bảo chất lượng đúng cam kết, ông có nhận xét gì về quyết định này của Bộ?
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh: Việc Bộ GD- ĐT xử lý một số trường chưa đảm bảo thực hiện cam kết thành lập trường là một việc làm có quy trình và đúng quy định. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm, biện pháp xử lý “mạnh tay” của Bộ. Đây là một đòn đau nhưng đúng lúc để chấn chỉnh chất lượng đào tạo ĐH, CĐ trong cả nước.
PV: Trường thành lập đã 17 năm, đến nay vẫn chưa có cơ sở riêng phục vụ đào tạo và cơ cấu giảng viên chưa đảm bảo. Phải chăng sự cảnh báo chưa quyết liệt?
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh: Lãnh đạo nhà trường qua các nhiệm kỳ đã ý thức được việc này. Họ đã xin UBND TP Hà Nội giao đất để xây dựng trường. Năm 2004, TP đã tạo điều kiện giao cho trường 18.000 m2 đất tại xã Mỹ Đình (Từ Liêm), dự án xây dựng trường cũng đã được ký. Nhưng khi hoàn thành thủ tục thì xảy ra tranh chấp do chủ sử dụng đất cũ (Công ty Giống cây trồng thuộc Bộ Y tế) có ý kiến, do vậy trường không thể khởi công xây dựng tại vị trí đó và đến nay UBND TP Hà Nội vẫn chưa giới thiệu cho trường ở vị trí khác.
Hội đồng quản trị lâm thời của trường vừa nhận nhiệm vụ hơn 4 tháng, đã tích cực giải quyết theo hướng: vừa đề nghị UBND TP Hà Nội giao đất, vừa xúc tiến việc tìm mua đất xây dựng trường.
Khi Bộ GD – ĐT thanh tra cảnh báo, trường thấy tỉ lệ giữa đội ngũ cán bộ với đội ngũ giảng viên không hợp lý (77 giáo viên cơ hữu/193 cán bộ) nên trường đã giải quyết những bất hợp lý này bằng việc cắt giảm số lượng cán bộ. Hiện nay, đã có 50 cán bộ nghỉ hưu theo chế độ tự nguyện. Tỉ lệ cán bộ giảm đó, trường sẽ dùng để bổ sung đội ngũ giáo viên cơ hữu cần thiết theo quy định.
Cơ sở thuê của trường với Công ty nuôi trồng thủy sản Hạ Long tại phố Nguyễn Công Hoan
PV: Nếu không đảm bảo cơ sở vật chất, cũng như số lượng, chất lượng giảng viên theo đúng quy định, trường không chỉ bị đình chỉ tuyến sinh năm 2012 mà đến năm 2013, trường sẽ có nguy cơ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục. Vậy hướng đi nào sẽ được ưu tiên trong giai đoạn này, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh: Đoàn kiểm tra đã chỉ ra các thiếu sót, hạn chế cần phải khắc phục. Lãnh đạo mới của nhà trường đã nghiêm túc tiếp thu và đưa ra những giải pháp khẩn trương khắc phục. Cụ thể: sắp xếp, tinh giản bộ máy quản lý, tuyển chọn cán bộ trẻ có năng lực; tuyển giáo viên chuyên ngành có học hàm, học vị cho các ngành còn thiếu so với các tiêu chí để mở ngành của Bộ (hiện trường có 80 giáo viên cơ hữu, 90 giảng viên hợp đồng dài hạn, 182 giảng viên thỉnh giảng)…
Nhà trường đã chủ động tìm mua đất. Hiện đang xem xét để quyết định mua tại một trong hai địa điểm thuộc huyện Chương Mỹ hoặc huyện Đông Anh. Dự kiến cuối tháng 2-2012 sẽ có đất để xây dựng trường.
Sau thời gian kiểm tra, trường đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy và học. Xây dựng và triển khai đề án chuyển trường sang hoạt động theo quy chế tư thục. Dự kiến cuối tháng 5-2012 sẽ hoàn thành đề án và trình Bộ GD – ĐT.
PV: Trường chưa đảm bảo đúng cam kế đã một thời gian dài, liệu sau một năm những bước chuyển “khó” ấy có thành công?
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh: Tại thời điểm kiểm tra, số lượng sinh viên chúng tôi có là 3.612, nhưng trong văn bản kết luận của Bộ lại lấy số liệu của năm 2010 là 4.276 sinh viên. Trường có 77 giảng viên cơ hữu và 42 giảng viên hợp đồng dài hạn, nhưng  kết luận chỉ nói 77 giảng viên cơ hữu (trong khi các trường khác thì Bộ tính số sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn). Như vậy đã đẩy số sinh viên/giảng viên cơ hữu của trường lên rất cao 55.5 sinh viên/giảng viên trong khi thực tế không như vậy.
Trường không định biện minh cho những thiếu sót mà chỉ muốn khẳng định với cố gắng hiện nay, “khoảng cách” sẽ được rút lại nhanh hơn. Và mong muốn Bộ GD-ĐT tạo điều kiện, đề nghị UBND TP giúp đỡ các trường trong việc giao đất, giải tỏa mặt bằng – một trong những công tác bị vướng mắc trong nhiều năm nay.
Hi vọng trường sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn để chuyển mình sang một giai đoạn mới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bộ sẽ xem xét cho tuyển sinh trở lại
Trao đổi với QĐND Online chiều 4-1, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga khẳng định:
Các trường cần thực hiện cam kết trong hồ sơ xin thành lập trường để đảm bảo chất lượng đào tạo. Hai tiêu chí quan trọng đầu tiên xem xét là số lượng giảng viên cơ hữu và diện tích mặt bằng xây dựng phục vụ đào tạo. Trong tương lai, yêu cầu chất lượng nâng cao thì sẽ có thêm những tiêu chí bổ sung khác. Vì vậy, trước mắt các trường cần nỗ lực xây dựng đội ngũ vì điều này cần rất nhiều thời gian. Để đào tạo được một giảng viên có trình độ Tiến sĩ, chúng ta cần ít nhất 5 năm, chưa kể kinh phí đào tạo. Mặt khác những trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất thì cần đầu tư xây dựng ngay. Theo Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12, đến năm 2013, những trường chưa có cơ sở vật chất như cam kết sẽ có nguy cơ bị đình chỉ hoạt động đào tạo tiến tới giải thể trường. Những trường hiện đang thiếu cả đội ngũ lẫn cơ sở vật chất đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo nhà trường để khắc phục. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn hỗ trợ các trường những điều kiện cần thiết để phát triển trên nguyên tắc xem chất lượng là mục tiêu hàng đầu.
Qua đợt kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tuyển sinh một số trường và một số ngành của các trường khác, chủ yếu là qui mô vượt quá xa so với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ để đảm bảo chất lượng. Việc dừng tuyển sinh là để các trường có thời gian củng cố lại lực lượng và cơ sở vật chất theo các qui định hiện hành.
Các trường bị đình chỉ tuyển sinh đợt này trên thực tế là những trường đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu của mình nên đã thu hút nhiều sinh viên đến học. Quyết định đình chỉ tuyển sinh là do các trường thiếu điều kiện đảm bảo hoạt động chứ không phải do vi phạm nguyên tắc hay pháp luật. Vì vậy nếu các trường này sớm khắc phục nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh thì Bộ sẽ xem xét cho tuyển sinh trở lại. Khi đó chắc chắn chất lượng đào tạo của các trường sẽ được nâng cao và uy tín của nhà trường sẽ được tăng cường.

Thu Hà (Thực hiện)

Theo QĐND

Bình luận (0)