Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nét mới của phong bao lì xì năm Ất Mùi

Tạp Chí Giáo Dục

Bao lì xì thư pháp   

Phong bao lì xì đựng tiền mừng tuổi vào dịp đầu năm mới nhưng ý nghĩa văn hóa truyền thống lại rộng lớn hơn nhiều. Vì thế, mỗi khi đón chào Tết Nguyên đán, bao lì xì lại tự làm mới mình bởi những đổi thay về mẫu mã, màu sắc và cả giá thành. 
Xuất hiện thư pháp trên bao lì xì
Tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhiều năm nay nơi bán nhiều loại bao lì xì nhất là trước tiệm tạp hóa H.V ngay góc đường Bạch Đằng, P.24. Có thể nói ở đây không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú về kiểu dáng và mẫu mã. Anh Hưng – một thanh niên đứng bán ở đây cho biết: “Những năm trước đây bao lì xì loại nhỏ bán chạy dữ lắm vì giá rẻ và mẫu mã phong phú nhưng mấy năm nay bán rất chậm”.
Theo anh Hưng, khách hàng bây giờ chủ yếu chọn mua loại bao lì xì lớn khổ 18x9cm màu sắc tươi sáng nhưng không quá sặc sỡ. Ngoài các loại bao lì xì có hình Phước Lộc Thọ truyền thống, ở đây còn bày bán thêm các loại bao có hình các con vật biểu tượng cho sự hùng mạnh và no đủ như ngựa, rồng, gà, loan, phượng… Về giá cả anh Hưng cho biết, nếu loại nhỏ khổ 8×10 giá 6.000 đồng/ bịch (6 bao) còn loại khổ lớn gấp đôi thì giá cũng gấp đôi (12.000 đồng/bịch).
Không bày biện phô trương tràn lan như các sạp dọc đường, bao lì xì trong các nhà sách lại được bó buộc và sắp xếp ngăn nắp trong từng ngăn giỏ đặt trên kệ để khách lựa chọn tùy thích. Không giống như mấy năm trước, nét mới của nhiều loại phong bao năm 2015 là được các nhà thư pháp “cho chữ” trên đó theo dạng câu đối. Có loại câu đối ngắn kiểu như: “Năm mới hân hoan / Tài lộc ngập tràn”, “Giàu sang phú quý/ Năm mới như ý”. Còn câu đối dài thì có chữ nhỏ hơn dạng như: “Lặng im xuân đến mai vàng nở/ Thức dậy Tết về khóm trúc reo”, Xuân đáo bình an tài lộc đến/ Mai cho phú quý lộc quyền lai”…
Màu xanh, màu vàng lên ngôi
Theo giải thích của anh Phước bán hàng, những câu đối này không chỉ là những lời gửi gắm tới mọi người khi nhận phong bao mà còn khẳng định giá trị hàng Việt của bao lì xì. Điều này quả không sai, khi chúng tôi ghé hỏi mua những bao lì xì trôi nổi ngoài chợ Bà Chiểu hay chợ Cây Quéo ở Q.Bình Thạnh. Chỉ cần nhìn vào thư pháp tiếng Hán là biết sản phẩm của Trung Quốc tràn sang lấn lướt hàng Việt. Hầu hết bao lì xì của Trung Quốc thiết kế theo khổ nhỏ, giấy mỏng không đảm bảo chất lượng nếu không nói là độc hại trong màu sắc hay chất liệu giấy. Vì thế giá mỗi bao chỉ có 4.000 đồng (loại 6 cái) hoặc rẻ hơn nữa. Anh Phước cũng cho biết thêm mặc dù là năm Ất Mùi nhưng hình ảnh con dê vẫn “xuất đầu lộ diện” rất ít trên phong bao lì xì và nếu có thì cũng chưa có gì đặc sắc cả.
Năm nay đã xuất hiện loại bao lì xì màu xanh dương, xanh lá cây và màu vàng, màu xanh pha vàng, xanh lá cây. Nét nổi bật của năm con dê là xuất hiện các loại bao lì xì được cá nhân hay gia đình làm thủ công (handmade). Thực ra, trước đây đã có nhưng chưa phổ biến như mấy năm gần đây. Đó là những bao lì xì thuần Việt được làm từ các chất liệu tái chế. Không chỉ rẻ về giá thành bao lì xì handmade còn có lợi cho việc bảo vệ môi trường và thể hiện sự độc đáo của từng nét tính cách trong sáng tạo.  
Theo ý kiến của TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Xuất bản Việt Nam), bao lì xì đầu năm ảnh hưởng đến người trao và người nhận, nếu như trên mặt bao có thêm hình ảnh về tranh dân gian Đông Hồ, danh lam thắng cảnh Việt Nam hay những di sản văn hóa thế giới đang có mặt ở Việt Nam thì hay biết bao. Đây cũng là một gợi ý rất đáng để mọi người suy ngẫm, đặc biệt là các nhà thiết kế phong bao lì xì phục vụ một cái Tết đầy tình yêu thương.
Bài, ảnh: Hương Thủy

Bình luận (0)