Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thời nào, nghề giáo cũng cao quý

Tạp Chí Giáo Dục

"Có những cô giáo phải trích cả đồng lương ít ỏi của mình để phụ giúp các học sinh nghèo. Nhưng cũng có những nhà giáo vi phạm đạo đức khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Phải làm sao để mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, nhà giáo phải là người được cả xã hội tôn vinh, coi trọng".

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa nói về đạo đức nghề giáo và tình thầy, trò trong thời kỳ cả thầy, trò cũng như phụ huynh đều bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường. Đây là năm thứ 28 ngành giáo dục kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 20.11.2010).
Sự trưởng thành của mỗi học sinh cũng là sự thành đạt của thầy cô giáo (ảnh minh hoạ). Ảnh: Kỳ Anh
Tình trạng lạm thu học phí cùng với một số vụ việc học sinh đánh nhau, nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp xảy ra trong thời gian qua đã gây dư luận xấu. Với vai trò nhà quản lý giáo dục, bà có ý kiến gì?
– Lên vùng sâu, vùng xa mới thấy nhiều thầy cô giáo sống rất khổ, phải cùng ăn cùng ở với nhiều gia đình để vận động các em đến trường. Thậm chí có nhiều thầy, cô phải trích cả đồng lương ít ỏi để phụ giúp cho những gia đình nghèo. Đợt bão lụt vừa qua còn có thầy cô thiệt mạng vì đưa học sinh đến trường.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, còn nhà giáo vi phạm đạo đức khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Bộ cũng đã ban hành các chuẩn dành cho giáo viên rồi. Tôi cũng hy vọng những điều mà dư luận lên án trong thời gian qua sẽ không còn tái diễn. Bản thân chúng tôi cũng phối hợp với các ban, ngành khác như Hội Phụ nữ cùng chăm lo đời sống của mỗi giáo viên. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức, không thể vì “một con sâu làm rầu nồi canh” được. Phải làm sao để mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, sáng tạo cho học sinh, nhà giáo phải là người được cả xã hội tôn vinh, coi trọng.
Sau khi xảy ra vụ việc, nhiều nhà giáo thường lý giải đó là sự bột phát khi nóng giận. Là nhà giáo lâu năm, bà nghĩ sao về nguyên nhân này?
– Đúng là có những giáo viên bản chất không xấu, nhưng có thể vì tiến bộ của học sinh, rồi bản thân em học sinh đó cũng không ngoan nên giáo viên có hành vi thiếu kiềm chế. Theo tôi, đã là giáo viên thì phải là người biết kiềm chế các cơn giận dữ, bực tức. Học sinh hư phải dùng sự cảm hóa chứ nóng giận sẽ không có tác dụng, thậm chí còn phản cảm. Điều này, chúng tôi vẫn thường xuyên đưa ra rút kinh nghiệm trong tất cả các cuộc họp toàn ngành. Phải hạn chế thấp nhất những biểu hiện bột phát đó. Phải coi đó như những ứng xử hằng ngày, đừng biến nó thành bản chất của giáo viên.
Vừa qua, có nhiều diễn đàn nói rằng, cứ đến ngày 20.11 năm nào cũng là ngày thầy giáo nhận phong bì của học sinh hay học sinh cũng chủ động mang phong bì đến biếu giáo viên. Bà nhận xét thế nào về sự nhìn nhận này?
– Bộ GDĐT vừa có hai cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong giáo dục (tháng 5 và tháng 11), trong đó nhiều đại biểu khẳng định, tham nhũng trong giáo dục không lớn, nhưng “con sâu vẫn có thể làm rầu nồi canh”. Nhưng nếu có nhìn nhận khách quan, giáo viên ngày nay vẫn giữ được những bản chất tốt đẹp nhất của một người thầy. Theo tôi, ngày 20.11 vẫn là ngày rất đẹp đối với mỗi nguời làm thầy. Bởi vì mọi người đều phải qua trường lớp, ai cũng đi học, ai cũng có kỷ niệm với thầy cô. Vì vậy, ai cũng muốn thể hiện sự tri ân trong ngày này. Các em hãy đến thăm thầy giáo với tình cảm chân thành.
Tôi từng làm giáo viên chủ nhiệm nhiều năm nên tôi hiểu, cứ đến ngày 20.11 nào cũng rất mong có thật đông học sinh đến chơi chỉ mang trên tay một bông hoa. Như thế rất vui, vì đó là tình cảm thật. Còn những thầy cô mong nhận được nhiều quà hay nhận phong bì không phải không có, nhưng đối tượng này không nhiều. Tôi cho rằng, giáo viên nào cũng có lòng tự trọng cao. Nếu như đưa tiền mà xúc phạm nhân phẩm thì cũng không ai nhận. Chúng ta không nên lấy một vài sự việc cá biệt mà đánh đồng cả xã hội, đặc biệt trong cơ chế thị trường này.
Có ý kiến cho rằng, tình cảm thầy và trò không được như ngày xưa. Tại sao vậy, thưa bà?
– Tôi cho rằng, qua các thời kỳ mối quan hệ thầy – trò cũng thay đổi vì chịu sự tác động của môi trường, điều kiện xung quanh. Đặc biệt thời kỳ này còn chịu tác động của nền kinh tế thị trường. Nó không chỉ ảnh hưởng riêng đến thầy cô, mà còn tác động đến mỗi học sinh, phụ huynh học sinh nữa. Nhiều phụ huynh cho rằng, mình có nhiều tiền là có thể mua được bất kể thầy cô nào. Nhưng theo tôi, đây là suy nghĩ sai lầm.
Với nghề dạy học này, chúng tôi thường nói rằng, đây là nghề cao quý, vì sự trưởng thành của mỗi một học sinh cũng là sự thành đạt của nghề giáo chúng tôi. Xã hội ngày càng tôn vinh nghề trồng người, chúng tôi càng tự thấy phải làm sao cho xứng đáng với mong muốn của mọi người.
– Xin cảm ơn bà!
Giáo sư – Viện sĩ – Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc: Sự tôn kính thầy không phải chỉ là sản phẩm của lý trí thuần túy
Người Việt Nam mình có truyền thống hiếu học được cả thế giới ca ngợi. Từ truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, biết ơn người có công dạy dỗ mình cũng rất được coi trọng. Nó bao gồm sự kính trọng, lòng biết ơn và lòng thương mến của người học trò đối với thầy. Trong quá khứ và hiện tại, mỗi thời lại có một triết lý nhân sinh, có cách ứng xử khác nhau, nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là khác nhau về hình thức, về cách thể hiện. Tôi vẫn nghĩ sự tôn kính thầy không phải chỉ là một sản phẩm của lý trí thuần túy, nó xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa, đó là sự thương mến kính trọng thầy. Dù có thay đổi thế nào, thì tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn luôn có trong xã hội Việt Nam, tồn tại ở nhiều người.
Có thể ở đâu đó, có những hiện tượng trái ngược khiến nhiều người phải buồn lòng, nhưng đó chỉ là cá biệt. Về giáo viên, tôi vẫn nghĩ tuyệt đại đa số đều là người tốt, tâm huyết với nghề.    
Ngân Anh ghi
Theo Lao Động
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)