Đề án đưa ra nhiều mục tiêu lý tưởng nhưng nhiều giáo viên cho rằng sẽ khó thực hiện khi quỹ thời gian để chuẩn bị chỉ trong vòng 9 tháng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình tiếng Anh cấp THCS (lớp 6, 7, 8, 9) được áp dụng từ lớp 6 với thời lượng 3 tiết/tuần, toàn cấp THCS là 420 tiết.
Một giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Ảnh: TẤN THẠNH
Năm 2020 triển khai toàn quốc
Theo đề án, kết thúc cấp THCS, học sinh sẽ đạt trình độ bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Chương trình tiếng Anh cấp THPT (lớp 10, 11, 12) được áp dụng từ lớp 10 với thời lượng 3 tiết/tuần. Hết lớp 12, học sinh sẽ đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ngay trong năm học 2011-2012, tài liệu dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh (song ngữ) được áp dụng cho trường THPT chuyên từ lớp 10, trước mắt là 2 môn toán và tin học.
Ông Hiển cũng cho rằng việc xây dựng chương trình tiếng Anh ở cấp THCS và THPT là để bảo đảm sự liên thông giữa các cấp học, tạo cơ sở để phân bổ lượng thời gian cho từng cấp học và tài liệu dạy học các môn khoa học bằng tiếng Anh (toán, lý, hóa, sinh, tin học) cho các trường THPT chuyên. Trước mắt, sẽ thí điểm mới đối với các trường tham gia thực hiện đề án ngoại ngữ, sau đó sẽ mở rộng quy mô để đến năm 2020 triển khai vào toàn bộ các trường THCS, THPT trên toàn quốc.
Đề án ngoại ngữ đối với giáo dục cấp THCS đã đưa ra nhiều mục tiêu lý tưởng. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế như thế nào lại là một vấn đề khác. Nhiều giáo viên tiếng Anh có kinh nghiệm băn khoăn liệu trong vòng 9 tháng có kịp để xây dựng có chất lượng chương trình giảng dạy tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 12, với tổng thời lượng 420 tiết cấp THCS và 315 tiết cấp THPT?
Băn khoăn tính khả thi
Một trong những điều kiện quan trọng nhất để các trường tham gia thí điểm là phải có đủ số lượng giáo viên có trình độ CĐ hoặc ĐH chuyên ngành sư phạm tiếng Anh với trình độ năng lực tiếng Anh tương đương bậc 4 (B2, đối với THCS) và bậc 5 (C1, đối với THPT) trở lên của khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, việc tuyển chọn được những giáo viên tiếng Anh giỏi không phải là dễ dàng.
Bà Nguyễn Thanh Lịch, Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, cho biết tìm được giáo viên đạt chuẩn như Bộ GD-ĐT yêu cầu là điều cực kỳ khó. Thực tế, ngay ở cả các trường ĐH, tìm được giáo viên có trình độ tiếng Anh IELTS trên 6.0 đã là khó, nói gì đến các trường THCS, THPT, đặc biệt là ở các tỉnh.
Thêm một khó khăn nữa, đó là khi triển khai áp dụng một chương trình mới cần có cách dạy mới gắn với phòng học bộ môn, môi trường dạy học ngoại ngữ, thậm chí ngay cả cách đánh giá cũng mới. Cũng như chương trình tiếng Anh lớp 3 vừa áp dụng, nhiều giáo viên tham gia chương trình cho biết vì không có phòng học tiếng Anh riêng biệt nên hiệu quả bị hạn chế không ít.
Chính vì thế, dù Bộ GD-ĐT có lên kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn trong nước và ngoài nước cho giáo viên dạy tiếng Anh nhưng nếu không có môi trường học tập để học sinh tham gia vào các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Anh (tổ chức CLB tiếng Anh, thi hát bằng tiếng Anh…), không có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học…, liệu đề án có thành công như mong đợi?
Cần chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiếng Anh
Lãnh đạo nhiều trường mong muốn khi triển khai đề án, Bộ GD-ĐT phải xây dựng đồng thời chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiếng Anh trường THCS và THPT để áp dụng vào việc đánh giá giáo viên tiếng Anh. Đơn cử là việc thí điểm chương trình ngoại ngữ lớp 3, cho đến tận sát ngày khai giảng năm học 2010-2011, các giáo viên mới được Bộ GD-ĐT tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng. Do không có một giáo trình thống nhất nên các trường quen giáo trình nào thì dạy giáo trình đó, thậm chí cho đến tận sau khai giảng, bộ vẫn chưa quyết định được danh sách các trường sẽ triển khai. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, chắc chắn việc thí điểm chương trình tiếng Anh ở lớp 6, lớp 9 lại vấp phải khó khăn như đối với việc thí điểm chương trình ngoại ngữ lớp 3 đầu năm học 2010-2011.
|
Yến Anh / NLĐ
Bình luận (0)