Do số trường công lập không thể đáp ứng nhu cầu nên dù thuộc diện được xét tuyển, cơ hội có chỗ học cho trẻ diện KT3 là rất mong manh.
Mặc dù ngày 1-7 mới là thời gian chính thức phát đơn đăng ký tuyển sinh theo thông báo của Sở GD-ĐT TPHCM nhưng cuộc chạy đua cho trẻ vào các trường mầm non công lập đã diễn ra căng thẳng ngay từ vài tháng trước.
Nhiều trường từ chối
Trong vai những phụ huynh đi tìm chỗ học cho con, chúng tôi tìm đến nhiều trường mầm non nhưng bị từ chối thẳng vì thuộc diện có hộ khẩu tạm trú (KT3).
Dù tiêu chuẩn vào các trường mầm non công lập đã mở rộng đối với trẻ thuộc diện KT3 và tiêu chuẩn tuyển sinh ưu tiên theo thứ tự gồm: có hộ khẩu thường trú nơi địa bàn mà trường đóng, sau đó đến KT3. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường lấy lý do cơ sở vật chất hạn chế, thiếu nhân lực nên dù chưa đến ngày chính thức tuyển sinh, nhiều phụ huynh đã phải ngậm ngùi tìm đến các trường tư thục hoặc nhóm trẻ vì trường công lập đã từ chối thẳng.
Dù tiêu chuẩn vào các trường mầm non công lập đã mở rộng đối với trẻ thuộc diện KT3 và tiêu chuẩn tuyển sinh ưu tiên theo thứ tự gồm: có hộ khẩu thường trú nơi địa bàn mà trường đóng, sau đó đến KT3. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường lấy lý do cơ sở vật chất hạn chế, thiếu nhân lực nên dù chưa đến ngày chính thức tuyển sinh, nhiều phụ huynh đã phải ngậm ngùi tìm đến các trường tư thục hoặc nhóm trẻ vì trường công lập đã từ chối thẳng.
Giờ ăn của trẻ tại Trường Mầm non 19-5 (quận 1 – TPHCM) |
Tại Trường Mầm non Hoàng Yến (quận Gò Vấp), khi ngỏ ý muốn xin cho con 3 tuổi vào học, chúng tôi được yêu cầu phải mang hộ khẩu chính và bản sao để đối chiếu. “Có hộ khẩu thường trú tại phường nhưng còn phải đúng tổ mới được nhận. Vì năm nay, trường chỉ tuyển sinh một lớp mầm (lớp cho trẻ 3 tuổi- PV). Không nhận trẻ có KT3”- một giáo viên trả lời.
Khi đến Trường Mầm non Quỳnh Hương (quận Gò Vấp) để hỏi chỗ học cho con 5 tuổi, không học hè (đối tượng được phổ cập theo đề án phổ cập trẻ 5 tuổi do Bộ GD-ĐT quy định), chúng tôi cũng được dặn đi dặn lại phải có hộ khẩu thường trú để ngày 1-7 đến trường mua đơn.
Một hiệu trưởng cho biết tình trạng căng thẳng vào các trường mầm non xảy ra chủ yếu ở nhóm lớp dành cho trẻ 3 tuổi, vì hầu hết các gia đình đều có nhu cầu đưa trẻ ở lứa tuổi này đến trường. Tuy nhiên, do số trường công lập tại nhiều quận, huyện không thể đáp ứng hết số trẻ tăng lên hằng năm nên dù thuộc diện được xét tuyển nhưng cơ hội có chỗ học cho trẻ diện KT3 là rất mong manh.
Tại quận 12, Trường Mầm non Sơn Ca 1 thông báo chỉ thu nhận một lớp mầm 30 học sinh gồm những cháu sinh năm 2008, có hộ khẩu thường trú tại phường. Trường Mầm non Hoa Lư (quận 1) cũng không tuyển sinh lớp mầm (sinh năm 2008) và lớp chồi (sinh năm 2007).
Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết: “Cả 11 phường trong quận đều có trường mầm non công lập nhưng cũng không giải quyết hết nhu cầu đến trường của các cháu. Đối với những trẻ thuộc diện KT3, sẽ có một phần được vào các trường công lập, phần còn lại phải nhờ đến 16 trường tư thục và 92 nhóm trẻ trong địa bàn quận. Cũng không ít phụ huynh chuộng các trường tư thục hơn vì có cơ sở vật chất tốt, khang trang”.
Đóng tiền “làm tin”
Không chỉ căng thẳng ở các trường công lập, để vào được các trường mầm non tư thục cũng chưa hẳn là dễ. Nhiều phụ huynh có con không thuộc diện ưu tiên hoặc ưu tiên nhưng cơ hội không chắc chắn đã không thể chờ đến khi niêm yết danh sách trúng tuyển vào trường công lập mà phải chủ động đưa con vào các trường tư thục. Nhưng ngay từ đầu tháng 6, nhiều trường mầm non tư thục cũng thông báo hết chỗ.
Tại Trường Mầm non Tư thục Mai Hương (quận Gò Vấp), thời điểm chúng tôi liên hệ là cuối tháng 5 nhưng trường đã kín chỗ do phụ huynh khi đăng ký cho con học hè đã đăng ký luôn cho suất học chính trong năm học mới.
Đến Trường Mầm non Tư thục Hoa Anh Đào (quận 12), chúng tôi ngỏ ý muốn xin cho con một suất học trong năm tới nhưng không học hè thì được giáo viên ở đây cho biết phải mua hồ sơ và đóng 500.000 đồng tiền giữ chỗ để khi vào năm học trẻ được nhận vào luôn. Cô giáo này cũng cho biết tiền giữ chỗ là để khi vào năm học sẽ mua đồ dùng cho bé, đó cũng là khoản tiền “làm tin” vì có quá nhiều phụ huynh xin cho con vào học nên nhà trường không thể giữ chỗ cho những ai chỉ hỏi khơi khơi.
Tư vấn rõ ràng, thỏa đáng
Theo bà Lê Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư (quận 1), các lớp mầm non luôn có biến động về sĩ số. Có cháu vào học được mấy ngày thì đòi về nhà, không học hoặc gia đình muốn chuyển trường khác. Do vậy, có lúc nhà trường dư chỗ học mà nhiều phụ huynh lại lao đao tìm chỗ cho con.
Chính vì thế, những người làm công tác tuyển sinh phải giải thích và tư vấn kỹ càng cho phụ huynh. Nếu thấy cháu nào còn chưa đủ tiêu chuẩn sẽ tư vấn cho gia đình nên nộp đơn thêm ở nhiều trường, không được hứa hẹn với phụ huynh.
Với những cháu khác tuyến, nhà trường sẽ giữ lại địa chỉ liên hệ để nếu còn khả năng thu nhận, hội đồng tuyển sinh của quận sẽ xét duyệt và công bố danh sách đợt 2 sau khi có danh sách chính thức các cháu được vào học.
|
Theo Đặng Trinh
(NLD)
Bình luận (0)