Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phó Thủ tướng lên lớp sinh viên ngoại giao về khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"Khủng hoảng tài chính toàn cầu và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam" là chủ đề mà "giảng viên  đặc biệt" Nguyễn Thiện Nhân đã lên lớp với hơn 400 sinh viên Học viện Ngoại giao chiều nay, 14/12.

"Buổi học" với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT đã vượt 30 phút so với thời gian ấn định (khoảng 1 giờ rưỡi). Với 40 năm vừa là sinh viên và giảng viên ngoại giao, PGS.TS Dương Văn Quảng – nay là Giám đốc Học viện – cho biết, "Phó Thủ tướng giảng bài không chỉ là sự kiện quan trọng mà còn có ý nghĩa đặc biệt bởi đúng ngày 14/12 cách đây 30 năm, Phó Thủ tướng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đức".
Còn theo giới thiệu của Cổng Thông tin Chính phủ, chuyên đề giảng dạy này là "kết quả tổng hợp, nghiên cứu trong 2 năm liên tục của GS kinh tế Nguyễn Thiện Nhân"
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trên đường xuống lớp (Ảnh Phạm Hải)
"Vấn đề đó phải người Mỹ mới trả lời được…."
Đúng 14h, ông Nhân mở đầu: "Nhận dạng nguyên nhân khủng khoảng kinh tế tài chính Mỹ là một bài giảng khó".
Sau 1 tiếng đồng hồ, Phó Thủ tướng đã khái quát cuộc khủng khoảng từ lúc bắt đầu, diễn biến, rồi phân tích nguyên nhân,  tìm giải pháp. Mỗi giai đoạn được minh chứng bằng biểu đồ.
"Chính phủ phủ Mỹ hoàn toàn không nhận ra nguy cơ khủng khoảng sắp nổ ra" – Phó Thủ tướng nói và nêu các số liệu về con số tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp để dẫn chứng.
Ông cũng nói, các tổ chức kinh tế thế giới cho rằng, năm 2009, Mỹ sẽ suy thoái nặng nề, tăng trưởng -1,6% chứ không thế là +3% như dự báo trước đó 10 tháng.
Phó Thủ tướng cười thân thiện trong lúc giảng bài (Ảnh Phạm Hải)
Rồi Phó Thủ tướng tự đặt câu hỏi và giải đáp "điều gì khiến Mỹ từ một nền kinh tế lớn nhất thế giới lại rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế? Vì sao các nhà quản lý của nền kinh tế nước này lại hoàn toàn không nhận ra nguy cơ khủng hoảng kinh tế năm 2008 từ vài năm, thậm chí 10 tháng trước để không có biện pháp ngăn chặn mà khi nổ ra đã kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu?"
Ông phân tích,  nguyên nhân có thể do có một số nhận định không sát với thực tế khi kết luận của báo cáo kinh tế của Tổng thống tháng 2/2008 nhận định "Với cấu trúc cơ sở vững chắc của nền kinh tế, sự chuyển dịch lao động tự do, thuế tương đối thấp, các thị trường vốn cân bằng vững chắc và sự tự do thương mại, triển vọng tăng trưởng tiếp tục trong các năm sắp tới là tốt".
Theo ông, đây là hậu quả của việc tích lũy qua nhiều năm bởi 4 nguy cơ gây khủng hoảng.
4 nguy cơ đó gồm:  Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp thấp; hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thấp; đồng nội tệ bị lên giá kéo dài và thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài; khả năng thanh toán quốc tế bị suy giảm.
Đón nhận câu hỏi của một sinh viên, "tại sao Chính phủ Mỹ không biết để có giải pháp ngăn chặn?", Phó Thủ tướng giải thích: "vấn đề này phải những người Mỹ thì mới trả lời được".
Trước một câu hỏi khác – "Khủng khoảng tài chính Mỹ có ảnh hưởng thế nào tới thị trường chứng khoán Việt Nam?" – ông Nhân hóm hỉnh, "vì không chơi chứng khoán nên không rành, không đủ tự tin để trả lời. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang chỉ đạo giám sát, tránh nguy cơ để một số cá nhân thao túng thị trường chứng khoán". 
 Rồi Phó Thủ tướng nói "bạn nào muốn chơi chứng khoán thì phải hỏi kinh nghiệm người thân nếu không muốn "lướt sóng ngắn hạn rồi đi bộ kéo dài".
Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, nhưng…
Hậu quả của cuộc khủng khoảng kinh tế Mỹ được Phó Thủ tướng đem đến lớp học là: trong năm 2008, có 25 ngân hàng Mỹ bị giải thể; 9 tháng đầu năm 2009, có 50 ngân hàng Mỹ bị phá sản. Điều này kéo theo hàng loạt hệ lụy: thất nghiệp, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng…
Sinh viên chăm chú lắng nghe (Ảnh Phạm Hải)
Trả lời câu hỏi của một số giảng viên và sinh viên  về sự ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng này với Việt Nam, Phó Thủ tướng trả lời "Bài học từ Mỹ là sự đổi mới công cụ tài chính phải đi kèm với khả năng giám sát của nhà nước. Nếu không có sự giám sát rủi ro thì mỗi sự đổi mới là một nguy cơ. Năm 2007-2008, trước nguy cơ rối loạn tài chính Mỹ – Chính phủ Việt Nam đã giao Ngân hàng Nhà nước lên danh sách các ngân hàng cơ nguy cơ nếu có rủi ro thì có thể cho vay vốn. Và, rất may hết năm 2008, Việt Nam không có ngân hàng nào phá sản. Điều này một phần khẳng định việc giám sát tốt."
Trong hơn 2 giờ giảng bài và giải đáp thắc mắc, Phó Thủ tướng luôn có những so sánh, những câu hỏi kích thích sinh viên suy nghĩ  và cả những câu nói hài hước khiến hội trường sôi động.
Lúc 16h, buổi học kết thúc với sự "can thiệp" của Giám đốc Học viện khi vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên để giành quyền đặt câu hỏi cho “giảng viên đặc biệt”. 
Để khắc phục khủng hoảng kinh tế Mỹ hiện nay về trung hạn phải khắc phục được 4 nguy cơ dẫn đến khủng hoảng:
– Xã hội và cá nhân không tiết kiệm (doanh nghiệp tiết kiệm vừa phải, cá nhân không tiết kiệm, Chính phủ chi tiêu dựa trên thâm hụt ngân sách), dựa vào tiết kiệm của các nước khác để đầu tư.
– Thị trường tài chính kém hiệu quả, rủi ro cao.
– Cạnh tranh quốc tế kém, nhập siêu liên tục ngày càng cao.
– Thị trường bất động sản phát triển quá nhanh, rủi ro cao.
Song về dài hạn, triết lý phát triển của nước Mỹ cần phải thay đổi căn bản.
(Trích bài giảng của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân)

Kiều Oanh/Vietnannet

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)