Để giảm độ nóng tuyển sinh mầm non ở Hà Nội, thay vì hạn chế từ khâu phát đơn, nộp đơn xin học, có trường đã mạnh dạn áp dụng biện pháp mới: bốc thăm trúng tuyển.
Kiếm chỗ học khó thay
Ngày 1-7, đồng loạt các trường mầm non ở Hà Nội bắt đầu tuyển sinh. Với yêu cầu phổ cập trẻ 5 tuổi, việc kiếm được chỗ học cho trẻ 3, 4 tuổi càng khó khăn hơn so với các mùa tuyển sinh trước. Tình trạng xếp hàng từ nửa đêm để mua đơn chắc chắn sẽ tái diễn và khả năng mở rộng ra nhiều trường công lập trên khắp các địa bàn quận nội thành Hà Nội.
Để tránh tình trạng này, trường Mầm non Chu Văn An, quận Tây Hồ đã đổi mới phương pháp tuyển sinh với hình thức bốc thăm để tuyển sinh vào trường. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, rút kinh nghiệm năm trước khi có nhiều bậc phụ huynh bức xúc vì xếp hàng từ ban đêm mà vẫn không thể nộp được hồ sơ xin học cho con. Năm nay, nhà trường đã quyết định lựa chọn hình thức bốc thăm để tuyển sinh. Theo đó, với 55 chỉ tiêu nhà trẻ và 90 chỉ tiêu mẫu giáo, nhà trường sẽ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi (sinh năm 2006) để hoàn thành phổ cập. Các em 5 tuổi sẽ được nhận hồ sơ trực tiếp. Số chỉ tiêu mẫu giáo còn lại sẽ được chia đều cho các em thuộc lứa 3 tuổi và 4 tuổi để bốc thăm.
Chọn được trường mầm non phù hợp cho con là mong muốn của tất cả các bậc phụ huynh. Ảnh: Internet |
Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, từ ngày 1-6, nhà trường đã công khai các văn bản hướng dẫn tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2011-2012, đồng thời phổ biến thông qua các chương trình truyền thanh và sẽ được phát tăng cường khi đợt tuyển sinh đang sắp tới gần. Theo đó, tất cả các bậc phụ huynh trên địa bàn phường Thụy Khuê có mong muốn cho con em học tập tại trường Mầm non Chu Văn An đều sẽ được phát phiếu đăng ký. Sau đó, nhà trường sẽ tổ chức một buổi bốc thăm dưới sự chứng kiến của đại diện Phòng GD-ĐT, đại diện của địa phương và toàn thể các bậc phụ huynh. Phụ huynh nào bốc được lá thăm trúng tuyển sẽ được làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ.
Trường công đông, trường tư đắt
Hà Nội có gần 800 trường mầm non ở các loại hình nhưng chỉ khoảng 650 trường mầm non công lập, đáp ứng 45-50% nhu cầu gửi con của người dân Hà Nội. Nếu tính cả nhu cầu của dân các địa phương về Hà Nội làm việc thì khó có khả năng đáp ứng số trẻ mầm non ra lớp. Quá tải trong các trường công lập đã trở thành phổ biến và chưa có lời giải khi số trường, lớp xây mới không theo kịp tăng dân số cơ học. Thống kê của phường Thụy Khuê cho thấy, hiện phường có 1.467 trẻ từ 2 đến 5 tuổi nhưng trường mầm non công lập thuộc địa bàn phường chỉ có thể tiếp nhận 600 cháu. Số trẻ còn lại chỉ có thể vào các nhóm trẻ gia đình hay trường tư thục.
Tuy nhiên, mức học phí gấp 7 đến 10 lần chi phí cho trẻ mỗi tháng trong trường công lập khiến nhiều phụ huynh dù muốn cũng không thể cho con theo học tại các cơ sở mầm non tư thục. Sau cả tháng lòng vòng một số trường mầm non tư thục xung quanh địa bàn phường mình, chị Nguyễn Thái Thanh, nhà ở phố Phan Đình Phùng cho biết, học phí quá cao, chưa kể các loại phí nhập học, phí cơ sở vật chất… Tại phố Đặng Dung, cơ sở mầm non tư thục ở đây quy định mức đóng góp đối với trẻ 3 tuổi là 4 triệu đồng/trẻ/tháng, trên phố Lý Nam Đế, chỉ mới tính đến học phí, chưa kể tiền ăn là 160USD/trẻ/tháng.
Cộng với các khoản nhập học, phí xây dựng trường… chi phí cho một trẻ bắt đầu theo học ở cơ sở mầm non tư thục lên tới cả chục triệu đồng. Nhưng điều khiến chị Thanh lo lắng nhất là không như các trường công lập, mức thu được cố định cho cả năm học, các cơ sở mầm non tư thục vốn phản ứng rất nhanh với giá cả thị trường sẽ lại đưa ra các mức điều chỉnh học phí tăng dần. Trước các khoản phát sinh này, phụ huynh nào đã trót đóng tiền nhập học cho con sẽ phải ngậm ngùi chấp nhận. Nếu bỏ giữa chừng vì không chấp nhận các mức đóng góp mới này, cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải tìm chỗ học mới và lại phải đóng từ đầu tất cả các khoản quy định với trẻ mới nhập học.
Cộng với các khoản nhập học, phí xây dựng trường… chi phí cho một trẻ bắt đầu theo học ở cơ sở mầm non tư thục lên tới cả chục triệu đồng. Nhưng điều khiến chị Thanh lo lắng nhất là không như các trường công lập, mức thu được cố định cho cả năm học, các cơ sở mầm non tư thục vốn phản ứng rất nhanh với giá cả thị trường sẽ lại đưa ra các mức điều chỉnh học phí tăng dần. Trước các khoản phát sinh này, phụ huynh nào đã trót đóng tiền nhập học cho con sẽ phải ngậm ngùi chấp nhận. Nếu bỏ giữa chừng vì không chấp nhận các mức đóng góp mới này, cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải tìm chỗ học mới và lại phải đóng từ đầu tất cả các khoản quy định với trẻ mới nhập học.
Với nhiều bất cập về chỗ học cùng tình trạng giá cả tăng cao, cuộc chạy đua tìm chỗ học cho con đang ngày càng trở thành nhiệm vụ nặng nề kéo dài với các bậc phụ huynh có con từ tuổi mầm non tới đại học.
Theo Anh Quân
(ANTĐ)
Bình luận (0)