Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khó hết cảnh “trắng đêm xếp hàng xin học mầm non”

Tạp Chí Giáo Dục

 Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, thành phố mới cố gắng đáp ứng được yêu cầu 100% trẻ em 5 tuổi được tới trường công lập. Ở các lứa tuổi thấp hơn, do sự quá tải của các trường công, phụ huynh vẫn buộc phải tìm đến các trường tư nếu không muốn “trắng đêm xếp hàng xin học cho con”.
Các phụ huynh phải thức trắng đêm chờ tới lượt nộp hồ sơ xin học mầm non
 – Ông lý giải thế nào về hiện tượng “thức trắng đêm xếp hàng xin học mầm non” ở các quận Thanh Xuân, Tây Hồ vừa qua?
– Đúng là vừa qua có hiện tượng như vậy tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân). Phường này có 3 trường mầm non, trong đó có 2 trường công lập, 1 tư thục. Nhưng năm nay có vướng mắc là trường Mầm non Tràng An triển khai xây dựng mới thêm phòng học, nên tạm thời học nhờ ở trường Thanh Xuân Trung khoảng 1 năm. Vì nơi học tạm không hấp dẫn các phụ huynh, nên họ dồn về Thanh Xuân Bắc dẫn tới hiện tượng quá tải. Thêm vào đó, năm nay thành phố có chủ trương ưu tiên nhận các cháu 5 tuổi, nên trường Thanh Xuân Bắc phải nhận lứa tuổi này trước. Cộng thêm tâm lý cha mẹ học sinh có con, cháu 3-4 tuổi và độ tuổi nhà trẻ không muốn cho con học tại trường Mầm non tư thục Tràng An và các nhóm lớp học tư thục trên địa bàn phường, nên dẫn đến tình trạng quá tải và xếp hàng dù đã được tuyên tuyền, thuyết phục.
– Không chỉ năm nay mà tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, liệu có phải do chênh lệch học phí giữa công lập và tư thục?
– Đúng như vậy! Tâm lý chung phụ huynh thích con học trường công lập vì cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, điều kiện giáo dục tốt và học phí phù hợp. Đối với hệ thống trường ngoài công lập, nếu học phí thấp thì trường manh mún, nhỏ lẻ, kém hấp dẫn. Còn trường đầu tư tốt lại đi theo hướng chất lượng cao nên học phí rất cao, không phù hợp khả năng chi trả của người dân. Do đó, các trường công lập luôn ở trong trạng thái quá tải. Thế nên, Hà Nội phải rất cố gắng mới đáp ứng được yêu cầu phổ cập cho các cháu 5 tuổi tới trường 100%. Còn lại với các cháu 3-4 tuổi, nếu trường còn chỉ tiêu mới nhận được, còn nếu thiếu thì mong các bậc phụ huynh ủng hộ cho các cháu học tư thục. Các đơn vị trong ngành luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho khối ngoài công lập.
– Tại sao thành phố không thể can thiệp để các trường tư thục không “vượt rào” học phí?
– Quy định hiện hành không có trần mức thu học phí cho các trường dân lập. Tùy theo điều kiện mỗi nơi mà có thể đặt ra mức thu học phí. Có nơi chúng tôi nói đùa là trường tên ngoại nhưng chất lượng nội hay trường nội nhưng giá ngoại, rất cao, thu học phí bằng USD nên không hấp dẫn phụ huynh học sinh. Nhưng vì chỗ học trong trường công không đủ nên phụ huynh vẫn phải cho con vào học trong các trường đó. Chúng tôi đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ các trường mầm non phát triển cơ sở vật chất. Có hỗ trợ rồi, thành phố mới chỉ đạo về định mức thu học phí đảm bảo phù hợp với thực tế khả năng chi trả của người dân.
– Người dân sống ở các khu đô thị rất bức xúc vì thiếu trường mầm non, Sở sẽ xử lý vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Hữu Độ
– Các khu đô thị không thiếu trường mà chỉ thiếu trường công lập. Nhưng cũng có một số khu đô thị xây dựng nhà ở trước, xây dựng trường sau, nên khi dân đến ở chưa có trường học. Chúng tôi đã kiến nghị thành phố chỉ đạo để các khu đô thị xây dựng đồng bộ cả nhà ở và trường học. Hiện nay Hà Nội có 827 trường mầm non, trong đó có 667 trường công lập. Số trường như vậy so với nguyên tắc mỗi phường có từ 1 đến 2 trường là bảo đảm song nhiều trường trong khu đô thị thu học phí cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân, nên đúng là có tình trạng bức xúc.
– Tỷ lệ theo nguyên tắc đó rất cao, nhưng các trường lại không phân bố đồng đều, nên dẫn đến chuyện phải xếp hàng nộp hồ sơ?
– Từ tháng 6-2009, Sở GD-ĐT được giao xây dựng quy hoạch, hiện nay đang tiếp tục thực hiện. Vấn đề ở đây không phải là thiếu trường mà do cơ chế chính sách đối với các trường ngoài công lập như thế nào cho hợp lý. Hiện nay, mới làm được việc là bình đẳng trong bồi dưỡng giáo viên giữa công lập và dân lập.
– Có phản ánh là có tình trạng “chạy chọt” để con được học trái tuyến khiến các cháu ở khu vực sở tại bị “chiếm chỗ”, Sở có kiểm soát được không?
– Nếu có phát hiện như thế có thể phản ánh tới tôi. Việc học trái tuyến chúng tôi chỉ đạo rất cẩn thận, đảm bảo công khai, minh bạch, được xét duyệt tập thể. Mỗi học sinh học trái tuyến đều do một hội đồng tuyển sinh xét duyệt công khai. Ngoài ra, còn có ban chỉ đạo quận, huyện giám sát chứ không phải trường tự quyết hết. Nếu đã làm việc tập thể thì không thể có chuyện “chạy chọt” hay ai đó nhận của phụ huynh để “xếp” chỗ học được.
Theo Chính Trung
(ANTĐ)

Bình luận (0)