Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên trường quốc tế: Đoạn trường ai tỏ?

Tạp Chí Giáo Dục

Xã hội hóa giáo dục, nhiều trường có yếu tố nước ngoài thực thi chính sách hết lòng vì học trò. Việc làm này cũng gây lắm bức xúc cho giáo viên.
Thảo Lan, cựu giáo viên một trường tiểu học quốc tế tại quận 3, TP HCM, hết bức xúc sau khi bị cắt ngang hợp đồng giảng dạy vì lý do “không làm vừa lòng học sinh”.
Trăm sự đổ đầu giáo viên
Lan cho biết, đang buổi học, cậu học sinh tên Quang đứng dậy thản nhiên đi ra khỏi lớp. Để đảm bảo nội quy lớp học, cô Lan gọi lại và nhắc nhở lần sau muốn ra khỏi lớp phải xin phép cô giáo. Vậy mà, cậu học trò này về “méc” cha mẹ là bị cô la mắng. Chưa cần biết nếp tẻ, phụ huynh học trò này ầm ĩ gọi điện đến ban giám hiệu nhà trường buộc Lan phải thôi việc.
Cũng giống như Lan, Thuỳ Linh, một giáo viên trẻ vừa đầu quân về Trường quốc tế N.S (TP HCM) muốn khóc khi học sinh “chất vấn” ngược lại: Cô là ai mà la em, ba mẹ em còn chưa bao giờ la mắng em, cô lấy quyền gì? Linh ngậm ngùi cho biết giáo viên phải chịu đựng đủ điều để làm vừa lòng học trò. Đang giờ học, các em muốn đi ra ngoài là tự nhiên đi, ngồi học gác chân lên bàn cũng không phải là chuyện lạ. Nhắc nhở thì các em không nghe, còn nếu la mắng thì cũng đồng nghĩa với việc bị chấm dứt hợp đồng. “Thật vô lý, khi học sinh vi phạm kỷ luật mà lỗi lại quy về cho giáo viên”, Linh nói.
Nếu ở các trường công lập, học trò phải lễ phép, nhất mực nghe lời thầy cô  thì ngược lại, tại một số trường ngoài công lập xuất hiện mặt trái khi quan điểm lấy học trò làm trung tâm, mọi vi phạm đều quy về cho giáo viên. Nhiều giáo viên bức xúc trước thái độ của học trò cũng phải đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” nếu không muốn mất việc.

      Nên dạy trẻ biết lễ phép với thầy cô, giáo. Ảnh minh họa: L.Bình

Khó chấp nhận
Cô N.T.P.Th, một giáo viên giỏi của quận Tân Phú (TP HCM), cho biết được mời về dạy tại Trường quốc tế S. với mức lương vài trăm USD một tháng, thế nhưng niềm vui nhận chế độ đãi ngộ bỗng… tắt ngóm vì hợp đồng làm việc ghi rõ quá trình dạy, giáo viên bị học sinh phàn nàn dù là chủ quan hay khách quan cũng sẽ bị cắt hợp đồng. Nếu chấp nhận dạy học, giáo viên phải tuân thủ “luật chơi” của nhà trường, thế nên sau nhiều lần đắn đo, cô Th. từ chối. “Làm nghề giáo cả chục năm, mình thương học trò và cũng hiểu nỗi khổ của các trường ngoài công lập khi phải chiều lòng học sinh nhưng đến độ phải bỏ lơ truyền thống tôn sư trọng đạo thì thật khó mà chấp nhận”, cô Th. nói.
Có thể thấy trong xu hướng hiện đại hóa nền giáo dục, quan điểm lấy học sinh làm trọng tâm là đúng. Tuy nhiên, việc nhiều trường ngoài công lập vì chạy theo lợi nhuận mà buông lỏng để học sinh quên đi truyền thống tôn sư trọng đạo là điều đáng lên án. Chia sẻ về vấn đề này, hiệu trưởng một trường quốc tế tại TP HCM than thở: “Dẫu biết nhiều em sai, song chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở giáo viên phải nhẹ nhàng uốn nắn, nếu giáo viên nào “bị” phụ huynh phản ứng thái quá thì chúng tôi đành phải cắt hợp đồng. Tuyển một giáo viên còn dễ chứ thu hút được học sinh là rất khó”.

Theo Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)