Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phía sau cổng trường nội trú – Kỳ 2: Dạy – dỗ – dụ – dọa

Tạp Chí Giáo Dục

 5g30, chuông reo, thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. 7g, vào lớp. 11g, ăn, nghỉ trưa. 13g30, học buổi chiều. Ăn, xếp hàng. Đi ngủ cũng xếp hàng. Tất cả hoạt động: ăn chiều, tắm, thể thao, đọc sách báo, xem tivi gói gọn trong khoảng thời gian từ 16g-19g. Mùa thi, ở nhiều trường ăn chiều xong đã phải ngồi vào bàn học ngay…
Tập trung xem tivi ở một trường nội trú – Ảnh: Như Hùng
“Có kỷ luật là có tất cả”(?)
Cách ly với bên ngoài
Theo nội quy của hầu hết trường nội trú, HS được mang theo máy nghe nhạc  MP3, không máy tính riêng, không máy chụp hình, không được sử dụng điện thoại di động. Nếu phát hiện sẽ thu giữ một năm. Ở Trường THPT tư thục Thái Bình, HS chỉ được vào mạng, điện thoại ra ngoài khi có mặt thầy cô quản nhiệm. Đây cũng là cách làm ở rất nhiều trường, chỉ được gọi khi có lý do chính đáng và chỉ gọi cho người thân (không được gọi cho bạn bè). Vào trường nội trú tức là cách ly với bạn bè cũ, giã từ tất cả hình thức liên lạc, những thứ công nghệ tuổi teen ưa thích.
Thứ bảy Ngày lễ giỗ Tổ Hùng Vương, cả lớp 12/2 Trường THPT tư thục Nhân Văn bị cấm túc ở trường do lỗi không chép bài ôn thi môn văn vào vở. Cô hiệu trưởng kiên quyết: phải xử mạnh như vậy để các em tập trung học tập. Đợt đó có khoảng 300 HS nội trú trường này không được về nhà, khoảng 1/3 trong số đó thuộc diện bị cấm túc do lỗi không thuộc bài, không làm bài, hút thuốc…  Đi trễ, copy bài bạn, đánh nhau, không học bài, làm bài không đầy đủ: bị cấm túc.  Bị cấm túc thì cuối tuần đừng mơ bước chân ra khỏi cổng trường, thậm chí gọi điện thoại ra ngoài cũng không được phép. 
Cổng trường nội trú cũng khác cổng những ngôi trường khác. Những cánh cổng thường xuyên đóng kín, có bảo vệ nghiêm nghị đứng canh. Tại Trường THPT tư thục Việt Thanh, HS đi ra ngoài vì bất cứ lý do gì đều phải có sự đồng ý của thầy tổng quản nhiệm. Cuối tuần, nếu không về nhà chỉ được đi ra ngoài khi có ý kiến phụ huynh, ngay cả khi đi với thầy cô quản nhiệm cũng phải có sự đồng ý của gia đình.
Trường nội trú còn có những nguyên tắc không ghi vào nội quy nhưng HS phải chấp hành, chẳng hạn: mỗi lần ra vào cổng đều bị kiểm tra túi xách, tủ tư trang ở phòng nội trú không được khóa, thầy cô có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Đến lớp mặc đồng phục đã đành, ở phòng cũng phải mặc đồng phục hoặc mặc những loại, kiểu áo quần theo quy định chung. Tóc, móng tay phải cắt ngắn, nếu không trường sẽ cắt theo kiểu giống nhau. Tiền bố mẹ cho phải gửi thầy cô. Tùy quy định từng trường, HS nội trú chỉ được giữ trong người vài mươi ngàn đồng, hiếm trường cho phép HS được giữ tới 100.000 đồng.
HS nội trú không có không gian cất giữ những riêng tư, không có nhiều cơ hội thể hiện cá tính, ước muốn riêng.  Một trường nội trú còn có slogan “Có kỷ luật là có tất cả”. Trên một số diễn đàn, blog của HS nội trú, nhiều HS ví mình như “gà công nghiệp”, gọi môi trường đang sống là “quân sự hóa học đường” hay “trại giáo dưỡng 5 sao”, gọi những thầy cô xung quanh mình bằng từ ngữ ít thân thiện “mặt sắt”…
Thương HS nhưng phải khắt khe
Ở Trường THPT N (quận Tân Phú, TP.HCM), có hai nam sinh lớp 10 được “chăm sóc đặc biệt”. Buổi tối, hai HS này cũng bị tách rời tập thể, phải ngủ riêng. Cô hiệu trưởng cho biết từ đầu năm lớp 9 hai HS này khá ngoan, học được. Nhưng gần đây cả hai bỗng giở chứng. Giờ ngủ, mọi người bỏ áo ra ngoài quần, hai bạn này bỏ vào trong; giờ học mọi người cho áo vào quần nghiêm chỉnh hai bạn lại lôi áo ra ngoài, đi lung tung trong lớp. Đôi khi bỗng dưng lấy kéo sởn tóc bạn mình… Qua tìm hiểu, thầy cô được biết những hành động này là chiêu thức hai cậu nghĩ ra nhằm để được… đuổi khỏi trường nội trú, được về nhà!
Cô Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình, cho biết: có khi mở tủ các em ra quản nhiệm phát hiện trong đó có dao, kéo, đồ điện, thuốc ngủ… Nhiều vụ tự tử đã xảy ra ở trường nội trú vì buồn chuyện gia đình, người yêu chuyển sang trường khác, thậm chí chỉ vì xích mích lặt vặt với bạn bè. Có lần quản nhiệm Trường THPT tư thục Nhân Văn phát hiện trong tư trang một  nữ sinh có 10 lượng vàng. Có khi phòng ngủ của nam sinh ngập mùi thuốc lá. Thậm chí nhà trường còn phát hiện trong trường có cả  thuốc gây nghiện. Không cho HS giữ tiền, theo các trường là cách để HS hạn chế chi tiêu và cũng là cách tránh nạn đua đòi, thậm chí nạn trấn lột nhau từng xảy ra. Đây là lý do phải kiểm tra tư trang HS nội trú dù biết phản sư phạm.
Thầy Nguyễn Đức Thạnh, tổ trưởng quản nhiệm Trường tư thục Tân Phú, nói: “Làm cha mẹ với một hai đứa con đã không dễ huống chi quản mấy mươi em… Xử lý một HS cũng ray rứt lắm. Giáo dục HS nội trú phải kết hợp cả dạy – dỗ – dụ – dọa, quản nhiệm vừa làm ông ác vừa làm ông thiện, kỷ luật phải giữ nghiêm nhưng mình cũng phải gần gũi để các em chia sẻ, tâm tư lúc vui buồn…”.
Nỗi niềm nội trú
Kết quả cuộc khảo sát nhỏ của Tuổi Trẻ trên 500 HS đang học THCS, THPT nội trú tại TP.HCM:
* Với câu hỏi “Ở trường nội trú bạn có bạn thân không?”:  55,3% “chỉ có một hoặc vài bạn thân”, 6,1% “không có ai là bạn thân”, 32,3 % “có rất nhiều bạn thân thiết”,6,3% còn lại trả lời “chỉ xã giao chứ không thân”, “không thích chơi với ai”, có em tiết lộ “bạn thân chính là người yêu”.
* Bao lâu được gặp người thân?: 38,3% được gặp người thân một lần/tuần; 18% chỉ gặp người thân một, hai lần trong năm; 10% chỉ được gặp các dịp lễ lớn; 33,4% vài tuần được gặp một lần.
* “Bạn thương ai nhất ở trường nội trú?”: 21% trả lời “không cảm thấy thương ai cả”, 37,1% “thương một vài người bạn”, chỉ có 27,7% thương thầy, cô quản nhiệm và 6,2% “thương các cô phục vụ, cấp dưỡng”.
* “Mỗi khi có chuyện vui buồn, bạn thường tâm sự với ai?”: 12% “không muốn tâm sự với ai”, 4,4% “không có ai thân thiết để tâm sự”; chỉ 5,2% tâm sự với thầy, cô; 52% tâm sự với “bạn thân”; 23,1% điện thoại về nhà; 3,3% chọn cách viết nhật ký hoặc giữ trong lòng.
* Về thời gian giải trí ở trường nội trú: 43,4% cho rằng “quá ít, cần có thêm thời gian giải trí, vui chơi”; 5,3% cho rằng khu vui chơi quá nhỏ hoặc “không thấy hứng thú vui chơi”; 15,6% không quan tâm đến chuyện này; 35,7% cho rằng “vừa đủ”. 
* Về cuộc sống nội trú hiện tại: chỉ 23% HS cho rằng học nội trú tốt cho bản thân;  33% buồn, chán, mất tự do; 22% không ý kiến; 22% còn lại thể hiện tâm tư: học nội trú vừa vui vừa buồn nhưng chủ yếu là chiều ý gia đình, hay “học nội trú rất buồn nhưng dù sao cũng còn hơn ở nhà”, có bạn trả lời “không buồn, cũng không vui”… hoặc “học nội trú giống như ở tù vậy”. Có HS lại tâm sự: “Có lúc cũng thấy tủi thân, nhưng người ta ở được thì mình cũng ở được”.
PHÚC ĐIỀN – LƯU TRANG (TTO)

Bình luận (0)