Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đưa chuyên đề vào thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đầu ra cho học sinh (HS)? Đây là điều khiến thầy Nguyễn Hồng Đức trăn trở khi về nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) – một ngôi trường năm nào cũng “dẫn đầu” quận về tỷ lệ HS yếu kém, lưu ban.
Yếu kém là bạn đồng hành của lưu ban, mà lưu ban lại chính là nguyên do của tâm lý chán học, dẫn đến bỏ học. Xác định được nguyên nhân như vậy, Ban giám hiệu Trường THCS Phạm Văn Chiêu liền đề ra các chiến lược cụ thể nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng chán học, lười học trong bộ phận HS yếu, kém. Theo đó, việc làm đầu tiên mà nhà trường đưa ra là khuấy động tinh thần tự học trong mỗi HS, bằng cách mời chuyên gia tư vấn học đường đến trò chuyện với các em HS trong tiết chào cờ đầu tuần nhằm mục đích giúp các em rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết. Việc truyền đạt kinh nghiệm sống bằng những tình huống có thật về cách ứng xử của bạn trẻ thời nay, nhiều chuyên gia tư vấn đã giúp các em HS lấy lại được sự tự tin của bản thân.
Bên cạnh việc khơi dậy sự tự tin, chủ động trong học tập của các HS, “đầu tàu” Trường THCS Phạm Văn Chiêu còn yêu cầu giáo viên (GV) trong trường triển khai cách thức vận động tư duy trong hoạt động nhóm của HS ở mỗi tiết học.
Để các biện pháp dạy học theo hướng cá thể đạt hiệu quả cao, bước đầu tiên đòi hỏi GV bộ môn thực hiện là phân nhóm đối tượng, tìm hiểu những điều kiện phù hợp để kích thích HS phát triển tư duy độc lập sáng tạo, khuyến khích các em học tập… Theo đó, GV phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến kết quả học tập không tiến bộ ở nhóm HS yếu kém để biết các em yếu những môn gì? Yếu ở khâu nào? Khâu tự học hay khâu tiếp nhận kiến thức trên lớp? Phương pháp truyền đạt của GV đã phù hợp với nhóm đối tượng nào? Chưa phù hợp với nhóm đối tượng nào?… Nếu người dạy tìm được lời đáp cho câu hỏi trên là đã phân loại được đối tượng HS. Từ đó sẽ có phương pháp phù hợp với từng nhóm, cá thể HS nhằm giúp các em học hành đạt hiệu quả cao.
Trong một cuộc họp giao ban, thầy Hiệu trưởng đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ HS yếu, kém gia tăng một phần lỗi ở phía thầy cô chưa tâm huyết với việc dùng biện pháp phù hợp với đối tượng HS. Hoặc một số GV còn chăm bẵm cho việc dạy kèm mà chưa quan tâm chu đáo đến việc phụ đạo cho các em HS yếu, kém. Cụ thể, bước vào lớp mình không chủ nhiệm thì chỉ xem như nghĩa vụ, đến giờ vô, hết giờ ra. Từ đây, Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra cuộc vận động để chữ “tâm” lên hàng đầu, đưa chữ “tiền” xuống hàng thứ, coi con “chung” như con “riêng”. Điều này đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong mỗi thầy cô…
Kết quả, năm học 2010-2011, tỷ lệ HS yếu, kém, lưu ban giảm đáng kể so với năm rồi. Thành công của Trường THCS Phạm Văn Chiêu đã chứng minh một điều, để những chuyên đề, sáng kiến không còn ngủ yên trong tủ, trên kệ… thì phải đưa chúng vào kiểm nghiệm trong thực tế và chỉ có thực tế mới chấm điểm chính xác giá trị chân thực của chúng.
Thanh Huyền (Gò Vấp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)