Mỗi năm, TP.HCM có hàng trăm giáo viên từ bậc mầm non đến đại học nghỉ hưu theo chế độ. Sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, khi về hưu là lúc các thầy cô được thảnh thơi nghỉ ngơi, không còn phải “lao tâm khổ tứ” vì công việc. Thế nhưng, có rất nhiều thầy cô vẫn ngày hai buổi đến trường…
Về hưu để… đi dạy
Lớp phổ cập trong ngôi chùa Sùng Đức thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, học sinh là những đứa trẻ con nhà nghèo, đa số thuộc diện nhập cư không có điều kiện đến trường phổ thông đi học. Học trong chùa, các em hầu như được miễn phí hoàn toàn mọi thứ, ngay cả đồng phục, tập vở cũng được nhà chùa cho không. Chính vì thế, nhiều cha mẹ đã tin tưởng gửi gắm con mình vào đó để theo học, nhiều em sau khi có bằng tốt nghiệp THCS lại ra ngoài học tiếp hoặc vào các trường trung cấp học nghề. Điều đặc biệt là đội ngũ giáo viên ở đây đa số là các thầy cô đã lớn tuổi đang nghỉ hưu nhưng vẫn dành thời gian đến với các em có số phận kém may mắn.
Tháng 7-2006, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Cúc nghỉ hưu, hai tháng sau cô tình nguyện vào dạy miễn phí cho các em đang theo học các lớp phổ cập trong chùa Sùng Đức. Trước đó, nhiều giáo viên khác như cô Quyên, cô Mai sau khi nghỉ hưu cũng đã đến ngôi chùa này để mở thêm lớp dạy học cho trẻ em nghèo. Cô Cúc tâm sự: “Mặc dù mới nghỉ hưu, gia đình có nhiều việc cần phải làm, nhưng biết các lớp ở đây còn thiếu giáo viên, các em học sinh đang chờ thầy cô nên tôi quyết định vào dạy một lớp”. Đây cũng là suy nghĩ chung của các thầy cô đang dạy tại chùa Sùng Đức và một số lớp học BTVH ở nhiều phường xã, quận huyện khác trong TP. Về hưu nhưng vẫn còn đi dạy hầu như phổ biến ở khắp nơi. Nếu một vài giáo viên nghỉ hưu chọn các lớp BTVH để dạy thì đa số giáo viên khác lại tiếp tục hợp đồng với trường cũ để đứng lớp. Trước khi nghỉ hưu, cô Phạm Thị Hạ Tùng là giáo viên giỏi của Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, từng bồi dưỡng cho rất nhiều học sinh giỏi môn sử. Do nhà trường đang thiếu giáo viên nên cô đã ký hợp đồng dạy khối 12, tiếp tục duy trì tỷ lệ đạt tốt nghiệp cao của bộ môn như những năm trước đó. Một số giáo viên giỏi của môn toán, sinh, văn cũng được nhà trường mời dạy tiếp một vài lớp sau khi đã nghỉ hưu.
Gần 10 năm nay, sau khi Hội Khuyến học TP ra đời, phong trào khuyến học tại các địa phương bắt đầu được quan tâm và phát triển mạnh. Các học bổng khuyến học khuyến tài được trao cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn giúp các em có điều kiện tiếp tục đến trường. Công lao đó chính là nhờ đội ngũ cán bộ trong Ban chấp hành quận hội, phường hội khuyến học đến từng nhà vận động con em nhân dân đến trường, tổ chức các hình thức gây quỹ và tranh thủ sự đóng góp của các tấm lòng hảo tâm từ các đơn vị, xí nghiệp, doanh nhân đóng trên địa bàn. Điều đáng nói là đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học từ cấp phường xã đến TP gần như 100% là giáo viên đã nghỉ hưu.
Niềm vui trong cuộc đời
Có rất nhiều lý do níu giữ thầy cô không nghỉ ngơi mà vẫn tiếp tục công việc sau khi nghỉ hưu. Có khi là do các thầy cô không nỡ từ chối lời mời của ban giám hiệu trường cũ khi mà giáo viên bộ môn của trường còn thiếu và tay nghề của mình đang trong độ chín. Có khi do dạy học đã trở thành nghiệp dĩ đối với các thầy cô, suốt một đời gắn bó, lúc chia tay có biết bao niềm luyến tiếc. Vẫn còn đứng lớp là thầy cô còn tìm thấy niềm vui trong cuộc đời, nhất là khi nghe được tiếng nói cười của các em học sinh. Cô Phạm Thị Xuân Nguyệt – nguyên phó hiệu trưởng của một trường THPT quận Bình Thạnh sau khi nghỉ hưu đã hợp đồng với một trường tư thục quận Tân Bình để nhậm chức… hiệu trưởng. Xu hướng này cũng đang thịnh hành với những cựu giáo chức trước khi nghỉ hưu đã từng tham gia công tác quản lý nhà trường. Đây chính là nguồn nhân lực, nhân tài sẵn có không phải tốn công đào tạo nhiều mà các trường ngoài công lập đã biết cách “khai thác”. Dù là hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng nhưng các thầy cô đã đem những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý từ trường công sang trường tư. Tuy không còn năng động nhạy bén bằng lớp trẻ, nhưng bù lại, đội ngũ giáo viên già lại có bề dày kinh nghiệm, hiểu thấu đáo mọi vấn đề hơn.
Các tổ chức như Hội người cao tuổi, Hội cựu giáo chức, Hội cựu chiến binh… chính là nơi gặp gỡ của những thầy cô giáo một thời cống hiến cho xã hội nay tuổi đã cao nhưng vẫn muốn tinh thần lúc nào cũng sáng suốt không mất đi niềm lạc quan. Ngoài hạnh phúc cùng con cháu trong gia đình, họ vẫn muốn gắn bó với đồng nghiệp bạn bè, tìm những niềm vui lớn lao hơn ngoài xã hội. Gặp những thầy cô giáo già tham gia dạy các lớp BTVH, lớp phổ cập đi vận động người dân đến trường, tôi thật sự cảm phục tấm lòng của những con người say sưa với ngành giáo dục, với sự học của đàn em đến quên cả nghỉ ngơi…
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)