Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lịch sử 12: Hội nghị thành lập Đảng chưa thống nhất?

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những chi tiết quan trọng "thời điểm diễn ra "Hội nghị thành lập Đảng" cũng có sự "bất nhất" giữa SGK Lịch sử 12 và SGK Lịch sử 9.

Ngoài ra là các lỗi viết hoa, dù ngay từ Tiếng Việt 4, học sinh đã được học những quy tắc trong cách viết hoa tên riêng…
Hội nghị thành lập Đảng vào ngày nào?

 


Bìa SGK Lịch sử 12

 

Một học sinh lớp 12 của Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) vừa dự kì thi học sinh giỏi quốc gia gọi điện cho biết: có nhiều chi tiết lệch giữa Lịch sử 9 và 12. Trong đó, có chi tiết về thời điểm diễn ra "Hội nghị thành lập Đảng".
Trang 87: Dưới tiêu đề: "Hội nghị thành lập Đảng", Lịch sử 12 viết "Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản bắt đầu họp từ ngày 6-1-1930 tại Cửu Long,  do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Dự Hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh là đại biểu Đông Dương Cộng sản đảng, Châu Văn Liêm, và Nguyễn Thiệu là đại biểu An Nam Cộng sản đảng". Cuối trang 88, sách cung cấp thêm sự kiện: "Ngày 8-2-1930, các đại biểu dự Hội nghị về nước".
Nhiều học trò đã băn khoăn khi thấy cũng dưới tiêu đề "Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930)", Lịch sử 9 lại viết: "Từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930, hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã họp ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc Tế Cộng sản chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đại biểu Đông Dương Cộng sản đảng, hai đại biểu An Nam Cộng sản đảng và hai đại biểu ngoài nước".
Không băn khoăn sao được khi đây là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc? Vậy sự thực là "Hội nghị thành lập Đảng" diễn ra ngày nào? Bao nhiêu đại biểu? Hai đại biểu nước ngoài là ai? có vai trò như thế nào? Càng băn khoăn hơn khi Lịch sử 12 kết lại: "Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (họp tháng 9/1960) quyết định lấy ngày 3/2 hằng năm là ngày kỉ niệm thành lập Đảng." (trang 89)
Lịch sử 9 (trang 70) và Lịch sử 12 (trang 88) đều có nội dung: "Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam mang tầm vóc lịch sử của một đại hội thành lập Đảng". Nhưng Lịch sử 12 không viết hoa chữ "đại", còn Lịch sử lớp 9 thì viết hoa.  Những lỗi như thế này thuộc về người soạn sách, tổ chức biên soạn hay xây dựng chương trình lịch sử?
Lỗi viết hoa
Theo ghi nhớ trong Tiếng Việt 4, tập một, trang 79: "Khi viết tên người nước ngoài, ta viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó. Nếu bộ phận tạo thành tên gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối…"
Đối chiếu quy định trên thì Lịch sử 12 cần chỉnh sửa nhiều chỗ, tất cả tên người, tên địa danh nước ngoài đều không có gạch nối. 
Nhiều tên địa lí Việt Nam cũng phải chỉnh sửa. Cách viết hoa của Lịch sử 11: "… Mặt trận Bắc Phi…" (trang 95; 98); "… Mặt trân Xô – Đức…" (trang 97),  "… Mặt trận Thái Bình Dương" (trang 100); "… cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất" (trang 103 … )rất khác Lịch sử 12: "sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và cả trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai… (trang 185);  "tại mặt trận Điện Biên Phủ"; "… chiến dịch Điện Biên Phủ"; "… chiến dịch Thượng Lào…" v.v…
Tại sao viết hoa khác nhau trong trường hợp sau: "… chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ" (trang 152) và "… Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…" (trang 195).
Sau đây, chúng tôi xin nêu 1 số lỗi viết hoa cụ thể"
Trang 77: "… in ấn ngày càng nhiều với hàng chục tờ báo, tạp chí tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ" cần sửa thành:  "chữ quốc ngữ" để thống nhất với sách Ngữ văn.         
Trang 79: "Như vậy, từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến cuối những năm 20…",  theo chúng tôi "cuối những năm 20" là đến tận 1928, 1929. Vì vậy, phải sửa thành "Như vậy, từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 1925…" cho phù hợp với tiêu đề "Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến 1925". Còn ở trang 91, "… trong những năm cuối thập kỉ 20, phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ" thì "những năm cuối thập kỉ 20" lại phải hiểu là năm 1928, 1929…
– "Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt tại Thượng Hải (Trung Quốc), kết án tù rồi đưa về an trí ở Huế" là  nhận xét đúng nhưng mâu thuẫn với nhiều cuốn sách giáo khoa khác.
– "Năm 1922, nhân dịp vua Khải Định sang Pháp dự cuộc triển lãm thuộc địa …" nên sửa thành: "Năm 1922, nhân dịp vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa ...". Vì "triển lãm" và "hội chợ" có nghĩa khác nhau.
Trang 81: "…Hội nghị Vécxai"nên viết: ’Hội nghị Véc-xây"
– "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" sửa thành "Yêu sách của nhân dân An Nam" cho đúng với tiêu đề trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1.
Trang 84: Hàng loạt tên địa lí "mỏ than Mạo Khê"; "đồn điền Lộc Ninh,"nhà máy cưa Bến Thuỷ"; "nhà máy xi măng Hải Phòng"; "nhà máy in Poóctay Sài Gòn"; "đồn điền cao su Cam Tiên"; "hãng dầu Nhà Bè"; "nhà máy tơ Nam Định"…. phải được thống nhất viết hoa lại cho phù hợp với các cuốn sách giáo khoa khác và thực tế.  
-Sửa lỗi lặp trong: "Đây là một chính đảng yêu nước, đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. Lúc mới thành lập, chính đảng này chưa có chính cương rõ ràng…", nên sửa thành: "Đây là chính đảng yêu nước… lúc mới thành lập, Việt Nam Quốc dân đảng chưa có chính cương rõ ràng…"
 – Câu "….Thời kì cuối cùng là bất hợp tác với Chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn" có sự viết hoa bất hợp lí. Lỗi này có rất nhiều trong các trang sách giáo khoa.
Trang 86: Khi chú thích 7 đảng viên lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, có viết: "Đó là: Trịnh Đình Cẩn,… và Kim Tôn (Nguyễn Tuân)",  viết thế học sinh có thể nhầm Kim Tôn là nhà văn Nguyễn Tuân. 
Trang 88: Nhà xuất bản Giáo dục nên thống nhất chú giải tên tác phẩm của Hồ Chí Minh, không chú giải mỗi chỗ một khác.
Ở trang này chú giải là: "Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị quốc gia, H., 1995, tr.10". Theo chúng tôi, không nên viết hoa chữ "Tập" để thống nhất với các sách khác
Trang 100: "Đầu năm 1937, phái viên của Chính phủ Pháp G.Gôđa…" nên sửa thành: "… Phái viên của Chính phủ Pháp (G.Gôđa) …"
Trang 101: Cùng chú thích cho một tấm ảnh mà viết hoa khác nhau. Sách lớp 12 chú thích hình 34: "Mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động…tại khu Đấu Xảo" mâu thuẫn với "… Khu Đấu xảo" (Lịch sử 9, trang 79, dòng 1). Theo chúng tôi, cả hai sách đều phải chỉnh sửa.
Trang 109:  Mục: "4.Chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền" nên bổ sung hoạt động của một số đảng bộ địa phương. Chúng tôi rất băn khoăn, không rõ vì sao: năm 1941, Tỉnh Đảng bộ Thanh Hoá đã thành lập Chiến khu Ngọc Trạo, lập Đội du kích Ngọc Trạo… Vậy mà không cuốn sử phổ thông nào nói đến sự kiện này?
Trang 111, dòng 6: "… Ở căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai… " viết hoa mâu thuẫn với Lịch sử 9, trang 87: "... với Căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai…"
Trang 113: "… căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng" nên viết hoa "Căn cứ địa" cho thống nhất với Lịch sử 9.
Trang 123: "… Nhà hát Lớn Hà Nội" viết hoa sai lệch với "… Nhà hát lớn Hà Nội " (Lịch sử 9, trang 93)".
Trang 152:  "Hình 55. Biểu tượng chiến thắng Điện Biên Phủ". Theo chúng tôi, dùng từ "biểu tượng" không chính xác.
Trang 160: lỗi viết hoa trong chú thích hình 59: "Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải" sửa thành "… thăm Công trình Thuỷ nông Bắc Hưng Hải".
Thanh Huyền – Văn Hiến (Vietnamnet)

Bình luận (0)