Tại các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XI, rất nhiều vấn đề được nhận định một cách thấu đáo và xuyên suốt, trong đó có nêu một vấn nạn xã hội hết sức nhức nhối là chạy chức, chạy quyền.
Thực tế, không chỉ chạy chức, chạy quyền, còn có cả chạy bằng cấp, chạy trường, chạy điểm, chạy vốn, chạy dự án và cả… chạy án. Vậy, chạy như thế nào? Chạy đến đâu? Còn có thể chạy vào đâu được ngoài các cơ quan chức năng có thẩm quyền! Còn chạy như thế nào, có lẽ trên cả 1.001 cách chạy.
Một độc giả thở dài ngao ngán khi thoáng đọc nội dung góp ý văn kiện Đại hội Đảng trên một tờ báo: “Ý góp sao cho hết? Mà có góp thì không biết có ai nghe hay chỉ là hình thức?”. Xem ra, vấn đề phản biện xã hội của người dân vẫn còn bị hạn chế thông tin phản hồi từ các cấp thẩm quyền là rất lớn. Người dân không biết các ý kiến của mình đã được ghi nhận tới đâu vì mọi thứ dường như vẫn không thay đổi, sự thay đổi có chăng là những tồn tại xã hội được phản ảnh một cách tinh vi hơn, khiến người dân càng thêm hoang mang lo lắng.
Về việc khiếu nại, tố cáo, trong buổi thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân năm 2010, phần lớn đều nhận định chung tình hình khiếu nại tố cáo ngày càng tăng và có chiều hướng phức tạp. Theo Thanh tra Chính phủ nội dung tố cáo tập trung nhiều ở lĩnh vực hành chính và chủ yếu tố cáo cán bộ công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật… Mới đây, tại góp ý Dự luật tố cáo, rút kinh nghiệm nhiều năm qua, các chuyên gia pháp lý mạnh dạn không thừa nhận việc tố cáo nặc danh. Thế nhưng, việc xưng danh liệu có cơ chế pháp lý nào tạo sự an toàn để bảo vệ người tố cáo?
Cuộc sống nhiễu nhương làm cho người dân né tránh với mọi sự đương đầu. Một nhà báo lão thành đã đau đáu chia sẻ, đại ý đừng trách các em học sinh vô cảm, chứng kiến bạn mình bị đánh mà không dám làm gì, khi mà người phải đang sợ người trái, người ngay lại sợ kẻ gian. Vâng, dường như mọi người đang thu mình lại để tự bảo vệ chính mình, khi công cụ pháp luật của Nhà nước chưa bảo vệ được cho họ, mà tính phức tạp của vấn nạn “chạy” đang ngày càng gây rối hệ thống pháp luật hiện tại của chúng ta.
Trong khi các văn bản quy phạm pháp luật đang cố gắng điều chỉnh những hành vi hối lộ, tham nhũng, thì các con đường vòng để “chạy” lại càng được khai thác sử dụng hiệu quả và tinh vi hơn, xem chừng như pháp luật đang bị “bó tay” vì chế tài không điều chỉnh kịp hành vi và ai “chạy” nhanh người đó thắng. Thế nên, người dân đang rất trông chờ những người thực thi pháp luật ra tay khai tử hành vi “chạy” đang phổ biến hiện nay trong đời sống văn hóa xã hội ở nước ta. Điều đó cũng mang ý nghĩa tích cực, ghi nhận sự phản hồi từ những góp ý với Đại hội Đảng XI. Người dân luôn kỳ vọng, ý kiến của mình sẽ được chuyển đến các cơ quan chức năng vận dụng thiết thực vào hoạt động quản lý Nhà nước bằng pháp luật và được thực thi một cách hữu hiệu nhất.
LS.Trần Thị Phụng
Bình luận (0)