Các KTX hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 22% nhu cầu của HSSV. Nếu KTX được Chính phủ đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu được đưa toàn bộ vào sử dụng năm 2012 thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu HSSV.
KTX Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có sân chơi bóng chuyền, bóng rổ thu hút được nhiều sinh viên sau những giờ học căng thẳng. |
Tan làm, đang hứng chí với lời rủ của mấy ông bạn ra quán làm vài quai cho bớt khô miệng trời thu hanh khô, ai ngờ bị vợ triệu về, lý do: Ông bác họ ở quê lên bàn chuyện quan trọng. Định nì nèo để vợ tiếp ông bác, ai ngờ, vợ gắt lên: “Anh về mau, em không làm thay được việc này”. Vậy là tụt hứng, ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Vừa thấy mặt, bác tôi buông một câu: Anh xem giúp bác tìm cho em nó chỗ trọ học được không?
Ký túc xá nước ít, chuột nhiều
Em họ tôi năm nay đỗ đại học ở Hà Nội. Bác tôi mừng lắm, dù gia cảnh cũng không khá giả gì nhưng quyết dồn hết sức cho cô em gái theo đuổi ước mơ. Gia đình thuộc diện chính sách, nên ngay khi làm thủ tục nhập học, em tôi được nhà trường sắp xếp cho ở trong ký túc xá. Bác tôi hỉ hả: “Đấy, người ta xếp hàng xin vào ký túc còn không được kia kìa. Ít phòng lắm. Thế này đỡ tốn bao nhiêu là tiền đấy. Ở ký túc chỉ đóng có 200 – 300 nghìn/tháng thôi…”.
Em tôi ở ký túc được một tuần, gọi điện thoại báo với gia đình, rằng ở ký túc bất tiện lắm. Cả 5 tầng của dãy nhà đều loang lổ ẩm mốc thảm thương, cửa sổ thì vỡ, để tránh gió lùa, cô em tôi và các bạn cùng phòng phải lấy giấy dán lại. “Xa nhà, tuần đầu học hành còn căng, về phòng thấy mấy tờ giấy rách bay phất phơ trong gió con nẫu hết cả ruột…” – Em tôi kể lể.
Đó là về cảnh quan, còn sinh hoạt thì cũng khác xa lúc em tôi ở nhà. Quần áo giặt xong phải phơi trong phòng, giăng mắc khắp nơi. Mà ghét nhất là việc phải sống chung với chuột. Chúng cắn phá đủ thứ: từ mì tôm, sách vở đến sạc điện thoại. Thậm chí, có cô bạn cùng phòng bị chuột chui vào màn cắn bật cả máu. Nước thiếu, phòng đông ồn ào… Ban quản lý thì gắt gao, lúc nào cũng rầm rập kiểm tra. Tối hôm trước em tôi sang nhà họ hàng, về muộn một chút mà phải đứng rã cẳng trình bày mới được cho lên phòng.
Bác tôi nghe vậy, ngẫm nghĩ một hồi rồi động viên: Con ở nhà cũng vất vả mà, nên cố gắng khắc phục. Chứ ra ngoài giờ tốn tiền lắm. Ai ngờ, em tôi lại gắt lên: Gì thì khắc phục được, chứ giờ lúc nào con cũng phải mang vác máy tính, đồ đạc đi khắp nơi.
Hóa ra sợ mất đồ, em tôi đi đâu cũng phải vác theo máy tính, tiền nong. Phòng có gần chục con người, khách khứa ra vào nườm nượp. Một cô trong phòng ngay hôm đầu tiên đã bị mất điện thoại khi đang cắm sạc. Vậy mà vài tiếng sau ra hàng cầm đồ đã thấy điện thoại của mình nằm chình ình trong tủ kính. Kể lể một hồi. Em tôi kết luận: Con chỉ ở ký túc xá 1 tháng thôi. Bố tính thế nào thì tính…
Nhà ăn trong khuôn viên KTX giúp sinh viên đảm bảo an toàn thực phẩm với giá tiền phải chăng. |
Thấp thỏm tự do nơi xóm trọ
Nếu như bình thường, nghe ông bác kể như vậy, tôi sẽ phán ngay, rằng bác cứ để em ở với vợ chồng cháu. Nhưng vừa hôm trước hai vợ chồng hục hặc, giờ có thêm cô em họ đến ở càng không tiện. Vậy nên tôi nhận ngay trách nhiệm tìm nhà trọ giúp em.
Lóp ngóp lên mạng, định bụng ném thông tin lên tường nhà, nhờ cộng đồng facebook tìm giúp nơi nào giá rẻ, an ninh tốt lại gần trường em tôi ở Cầu Giấy, thì túm ngay được trang của một nữ sinh viên lên mạng than thở về chuyện suốt hai tháng qua bị gã con trai chủ nhà trọ nhìn trộm cô tắm.
Chỗ sinh viên này có 5 phòng trọ. Ban ngày, các anh chị đi làm hết, chỉ có cô và một cô gái khác là sinh viên nên thường tắm trước tại nhà tắm chung. Lúc này, xóm trọ vắng người nên gã con trai chủ nhà thường tò mò nhìn trộm.
Quá sợ hãi, cô sinh viên đành chuyển nhà trọ. Cô bé vẫn thấy mình may mắn, bởi cô biết không ít bạn nữ từng bị chủ nhà trọ nhìn trộm, hoặc rủ đi uống nước để giở trò tồi bại. Có chủ trọ còn mặc cả, nếu nghe lời ông ta thì sẽ không phải trả tiền phòng, thậm chí còn được nhiều hơn…
Chết, ở nhà trọ thế này thì nguy. Tôi nói với bác, là không tìm trên mạng nữa, mà phải mục sở thị, đến tận nơi để trao đổi với chủ nhà. Hôm sau, tôi và hai bố con ông bác làm vài vòng mấy khu xóm trọ ở Thanh Xuân – nơi trên mạng rao giá cả phải chăng, chủ nhà đôn hậu! Có nơi khu trọ có 7 phòng, 2 phòng nam, 5 phòng nữ, cửa nhà vệ sinh, phòng tắm đều làm bằng nhựa xếp và không có khóa. Cửa phòng ở cũng lỏng lẻo, yếu ớt.
Mấy em sinh viên xung quanh bảo: “Không lo đâu, tối đến kéo cái bàn học ra chèn vào cửa là xong. Cẩn thận thì đặt con dao ở đầu giường. Mỗi phòng này giá 900.000 đồng, giờ khó tìm ở đâu ra giá rẻ như thế này".
Nghe giá cả, bác tôi cũng hơi ưng rồi, vì đi từ sáng đến giờ, nơi nào ổn ổn thì đều hét giá 1,5 triệu trở lên. Ngó vào một phòng, bác tôi hỏi: Ở đây có an toàn không cháu? Thì cô bé học Trường ĐH Thương mại mau mồm mau miệng kể: “Tuần trước, xóm trọ đi vắng gần hết. Cháu nghe tiếng lục cục trước cổng, tưởng bạn sinh viên nào về liền mở cửa phòng thì thấy hai thanh niên lạ hoắc đang trèo cổng vào. Cháu phải đóng chặt cửa ngồi im thin thít bên trong, chẳng biết họ làm gì ở ngoài nữa. Ở đây cứ phải không nghe không biết gì hết bác ạ”.
Đang lúc hỏi han thì có đám thanh niên kéo vào một phòng, tay cắp nách mấy cái bánh đa, tay xách theo chai rượu. Thấy bọn tôi lớ ngớ, có anh thân mật vỗ vai ông bác, bảo: Bố cho em gái lên đây ở à, cứ để đấy bọn con bảo vệ. Em xinh thế kia lo gì. Bố, em và anh vào đây làm mấy chén với chúng con. Hôm nay bu con gửi tiền lên, nên làm bữa nhậu mời xóm…
Bác tôi thất kinh, kéo vội hai anh em ra ngoài ngõ. Vừa đi vừa hổn hển: Thôi thôi, để em cậu mà lơi lỏng trọ ở ngoài thế này thì tôi mất con sớm.
Dường như một vòng xóm trọ đã khiến em tôi có suy nghĩ khác, không còn đòi tự do, tiện nghi nữa, mà chỉ mong có nơi chốn được chuyên tâm học hành. Tự dưng, cô em tôi lại thấy mê cái sân bóng nằm giữa những dãy nhà, có thể chơi thể thao mỗi chiều, mê hàng cây trong trường, có thư viện và hội trường nhà điều hành, nơi có thể làm mọt sách, gạo bài ôn thi. Em tôi lại mơ có ngày được dự liên hoan, lửa trại, những buổi chiếu phim, diễn văn nghệ với đông đúc bạn bè. Hơn nữa, nếu ở ký túc xá, em sẽ tiết kiệm một khoản tiền cho bố mẹ so với thuê trọ ngoài.
Tối hôm đó, tôi đưa cô em họ đi chơi phố, kể với em chuyện một thời tôi học đại học, về quãng thời gian tôi ở ký túc và cả sống ở phòng trọ, có những cám dỗ, có những khó khăn… Tâm sự với em gái, rằng tôi nhận ra, dù sống nội trú hay ngoại trú, quan trọng nhất vẫn là thái độ của chính mình khi va chạm với thực tế để rèn luyện khả năng linh hoạt và phản xạ với đời sống, là tình cảm dành cho những người thương yêu luôn lo lắng cho mình. Có lẽ đó chính là những trải nghiệm đáng quý nhất của quãng đời sinh viên.
KTX đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, thống kê đến năm 2012, tỷ lệ sinh viên nội trú chiếm khoảng 20 – 22% với diện tích nơi ở khoảng 30m vuông/1 HS – SV. Các KTX có nhà ăn tập thể cho HS – SV chiếm khoảng 72%, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu.
Các KTX đều có nhân viên bảo vệ được trang bị phương tiện hỗ trợ và được tập huấn nghiệp vụ, có cổng trường trực 24/24 giờ và có tường rào kín ngăn cách với bên ngoài…
Tuy nhiên, vẫn còn những KTX xuống cấp nghiêm trọng, chưa được nhà trường quan tâm nâng cấp, sửa chữa. Nhân lực làm công tác quản lý KTX không đáp ứng đủ do hạn chế về biên chế. Đặc biệt, một số địa phương chưa có chính sách giảm giá điện, nước phục vụ HS – SV nội trú…
|
Theo Giáo dục & thời đại
Bình luận (0)