Hôm qua 7.5, các sở GD-ĐT phía Nam đã hoàn tất việc bàn giao hồ sơ (HS) ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ. Số lượng HS giảm mạnh ở nhiều trường lớn. Thí sinh (TS) chú ý vào các trường thuộc “tốp giữa” nhiều hơn so với mọi năm.
Các sở GD-ĐT phía Nam bàn giao HS ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ – ảnh: Đ.N.T |
ĐH Quốc gia TP.HCM: giảm từ 15 – 20%
HS ĐKDT vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay giảm từ 15 – 20% so với năm ngoái. Trong đó, trường ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc tế, khoa Y có sự tăng nhẹ từ 1 – 2%. Trường ĐH Khoa học tự nhiên năm nay chỉ nhận được 14.301 HS, giảm khoảng 5.700 HS so với năm 2010. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hiếu – Phó phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “HS năm nay giảm mạnh cũng là điều bình thường, bởi theo quy luật nếu năm này HS nhiều thì năm kế tiếp HS sẽ giảm xuống. Hiện tượng này bị ảnh hưởng bởi tâm lý của TS trong việc lựa chọn trường thi”.
Tương tự, trường ĐH Kinh tế – Luật cũng giảm khoảng 25% HS so với năm ngoái. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng giảm khoảng 1.700 HS so với năm 2010 với gần 11.000 HS. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ – Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, lượng HS giảm chủ yếu của khối C. Năm 2010, có gần một nửa HS của khối C, trong khi năm nay chỉ còn khoảng 1/3 HS thi vào khối này.
HS cũng giảm ở một loạt các trường khác, đáng chú ý nhất là tại trường ĐH Sài Gòn với gần 40.000 HS (giảm 12.000 HS so với năm ngoái). Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng giảm hơn 1.000 HS so với năm ngoái, ĐH Tài chính – Marketing cũng giảm khoảng 5.000 HS…
Theo bà Tạ Song Hà – Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hà Nội, số lượng TS “Nam tiến” trong năm nay chỉ tăng hơn chút ít so với năm 2010. Tuy vậy, lượng TS lựa chọn trường để thi phong phú hơn rất nhiều. Năm nay, TS phía Bắc chọn đến 70 trường ĐH, CĐ phía Nam để thi, tăng hơn 30 trường so với năm ngoái.
Tăng HS nhóm ngành khối B
Dẫn đầu các trường phía Nam về số lượng HS ĐKDT vẫn là ĐH Cần Thơ với 82.406 bộ (tăng 1.428 HS so với năm 2010). Theo thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, HS vào khối A chiếm 53,16% và riêng HS thi vào khối C giảm tới 1.608 bộ (chiếm 8,5%). HS tăng mạnh nhất phải kể đến trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với 81.200 HS, tăng gấp đôi so với năm trước. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tăng gần 5.000 với 47.500 HS. ĐH Y Dược TP.HCM cũng tăng thêm gần 3.000 HS so với năm ngoái (trên 25.500 bộ).
Một điểm khá bất ngờ của khu vực phía Nam là lượng TS thi vào khối ngành sư phạm tăng lên. Chỉ riêng tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM, HS đã tăng lên 2.500 bộ (17.675 HS). Trong số 13.619 HS của Sở GD-ĐT Ninh Thuận, trường ĐH Sư phạm TP.HCM có số TS lựa chọn nhiều nhất với 620 bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui vì có số HS vào trường tăng lên là những băn khoăn về công tác tổ chức thi. Thạc sĩ Trần Thanh Phong – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nói: “HS tăng đồng nghĩa với việc tăng nỗi lo về tổ chức. Nhất là trong thời buổi lạm phát, giá cả ngày càng leo thang thì các trường càng áp lực về mặt chi phí”.
Còn ông Châu Minh Quí – Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tài chính – Marketing cho rằng: “HS giảm hy vọng sẽ giảm bớt lượng TS ảo. Năm ngoái, chỉ riêng số TS nộp từ 2 HS trở lên vào trường trong cùng một khối thi đã có khoảng 2.000 em. Do vậy, tỷ lệ TS ảo rất lớn”.
Hồ sơ CĐ tăng bất ngờ
Hầu hết các trường CĐ có tổ chức thi năm nay đều có số lượng HS tăng, trong đó có nhiều trường tăng mạnh. Trường CĐ Tài chính hải quan nhận được 26.435 HS, trong khi năm 2010 là 17.000 HS. Có 23.335 HS ĐKDT vào trường CĐ Công thương, tăng 42% so với năm ngoái. Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng nhận được 16.300 HS, tăng khoảng 3.000 bộ. Trường CĐ Bách Việt tăng từ gần 5.000 (năm 2010) lên gần 8.000 HS, trường CĐ Kinh tế TP.HCM thu được 6.000 HS, tăng nhẹ so với năm ngoái, bậc CĐ trường ĐH Nguyễn Tất Thành có hơn 14.000 TS đăng ký trong khi năm ngoái là hơn 13.000… Chỉ riêng trường CĐ Kinh tế đối ngoại số lượng giảm mạnh, từ 39.000 HS năm ngoái chỉ còn 27.000 HS.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt, phân tích: “Cùng với việc HS các trường CĐ tăng thì lượng HS vào các trường ĐH có điểm chuẩn cao lại giảm. Có lẽ, TS đã biết lượng sức mình để chọn giải pháp an toàn. Hoặc có thể, năm nay phụ huynh có tính toán kỹ hơn trong việc đầu tư học hành cho con cái: học CĐ chỉ mất 3 năm, sau đó đi làm hoặc có thể vừa làm vừa học liên thông lên bậc ĐH. Thêm một lý do nữa, hiện nay, SV tốt nghiệp CĐ tìm việc làm cũng dễ dàng hơn do các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng họ”. Tiến sĩ Lê Thanh Bình, Hiệu trưởng trường CĐ Công thương TP.HCM, thì nhận định: “Có lẽ nhiều TS nhận thức được khả năng của mình nên đã chọn CĐ để chắc chắn khả năng đỗ NV1 vào một trường trước, hơn là phải lo lắng về việc trượt NV1 và không biết có đỗ NV2 vào trường nào không”.
Các trường ngoài công lập Trường ĐH Lạc Hồng nhận được gần 7.000 HS ĐKDT. HS nộp nhiều nhất vào khối ngành Kinh tế và Kế toán. Đặc biệt, ở hai ngành Cơ điện và Điện tử năm nào cũng duy trì được số TS khá đông do sự thành công về Robocon của trường. Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, số lượng HS NV1 hằng năm không nhiều vì trường chủ yếu xét tuyển NV2 và NV3. Năm nay trường nhận được khoảng 1.500 HS NV1, số lượng ổn định so với các năm. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng nhận được khoảng 2.900 HS ĐKDT; Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nhận được 5.000 HS; Trường ĐH Văn Lang nhận được khoảng 5.000 HS NV1, tăng hơn nhiều so với năm 2010. Theo đó, trường đã tính toán đến phương án sẽ tổ chức thi tuyển trở lại.
|
H.Ánh – Đ.Nguyên – M.Quyên (Theo TNO)
Bình luận (0)