Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngày hè: Trẻ “gánh” áp lực từ phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ thành phố cần lắm những ngày hè đúng nghĩa
Tìm chỗ gửi con trong những ngày hè không còn là vấn đề mới nhưng vẫn là bài toán nan giải khó tìm đáp án tối ưu, đặc biệt là với những phụ huynh lao động phổ thông. Nhiều phụ huynh dù không muốn cũng đành cho con vào các trung tâm dạy thêm. Vô hình trung, dù mang tiếng nghỉ hè nhưng đa phần trẻ ở thành phố vẫn phải còng lưng cõng chữ…
Trẻ vẫn phải đến lớp
Khác với những đứa trẻ ở nông thôn, kí ức tuổi thơ của trẻ em thành phố bây giờ không còn là những ngày hè say mê với cái dùi khăng, chiếc cù quay tròn đâu đó nơi gốc đa, sân đình hay thỏa sức rong ruổi trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay để thả diều, đá bóng. Chị N.T.H (41 tuổi), một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Sơn Trà, than thở: “Hai vợ chồng tôi phải đi làm giờ hành chính, con học lớp 1 cứ phải học quanh năm. Nhìn con gầy nhom cũng xót lắm nhưng nếu cho con nghỉ hè thì không có ai giữ nên đành gửi con đến lớp. Ở trường nhận giữ mỗi tháng đóng phí ăn ở hết 1 triệu đồng”. Còn phụ huynh Ng.Th.N (37 tuổi) ở quận Ngũ Hành Sơn thì tâm tư: “Ngày trước mình sinh ra, lớn lên ở nông thôn nên vào hè là tha hồ thoải mái với các trò chơi dân gian đầy thú vị. Bây giờ thế hệ con cái sinh ra ở phố, ba mẹ tối ngày tất bật theo việc làm nên đành tống con vào trường hoặc bất cứ một lớp học thêm nào có thể. Thương con hai vợ chồng cũng tranh thủ ngày nào không làm ca là đến lớp đón con về, thế nhưng cũng vài bữa mới được một bữa rảnh”.
Không chỉ riêng hai phụ huynh trên, đa số phụ huynh ở Đà Nẵng khi được hỏi đều cho rằng, ngày hè họ không còn cách nào khác là phải gửi con ở trường. Việc gửi con xót tiền phí một thì xót con mười. Bình thường trong năm học, học phí đóng cho con chỉ bằng 60-70% so với phí gửi con ba tháng hè.
Việc phải học hè đối với nhiều đứa trẻ lớp 1 gần như là sự chấp nhận nhưng với trẻ lên lớp 4 – lớp 5, không ít em phản ứng bằng cách đối phó với cha mẹ. Nhiều em phản ứng bằng cách đến giờ đi học mặc bố mẹ giục vẫn nhắm nghiền mắt như đang ngủ, có em lại nghĩ ra cách chốt trái cửa phòng lầm lỳ không trả lời ba mẹ. Theo tìm hiểu của phóng viên, ở Đà Nẵng, dù đang vào hè nhưng để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, nhiều trường tiểu học đã mở lớp giữ học sinh. Trong khi đó, các trường mầm non lại có giá giữ trẻ mùa hè tương đối cao so với học phí bình thường khiến nhiều phụ huynh dở khóc dở cười trong việc tìm chỗ gửi con.
Áp lực từ chính… phụ huynh
 Hệ quả từ việc học thêm quá tải trong những ngày hè hiển nhiên phụ huynh nào cũng nhìn thấy. Thế nhưng khi nghe nhắc đến, ai cũng lắc đầu cho rằng nếu con không học thì sẽ thua kém bạn bè khi bước vào năm học mới. Vì thế, chính các bậc làm cha làm mẹ đã đặt gánh nặng áp lực cho con cái. Nắm được nhu cầu của phụ huynh, nhiều trung tâm hay lớp học thêm đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Chị T.D.L, một phụ huynh ở quận Hải Châu, tâm tư: “Tôi theo dõi kết quả học tập thấy con yếu các môn tự nhiên nên cho cháu đi học ở nhà cô giáo. Mỗi tháng cũng ngốn cả triệu đồng học phí nhưng nếu không cho đi học thì con sẽ thua kém bạn bè”.
Việc “đồng tình” của phụ huynh là một trong những nguyên nhân khiến cho việc quản lý dạy thêm – học thêm của ngành giáo dục càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành quyết định quy định về quản lý dạy thêm – học thêm trên địa bàn thành phố. Theo quy định, cơ sở giáo dục, tổ chức – cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm – học thêm thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, phạt tiền, thu hồi giấy phép và các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ – giáo viên đang công tác giảng dạy trong ngành GD-ĐT vi phạm thì tùy theo đối tượng, mức độ sẽ bị xử lý theo những quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức mà Chính phủ đã ban hành…
Thế nhưng, kể từ ngày quyết định có hiệu lực, tình trạng học sinh đến nhà, hoặc lớp của cô giáo để học thêm vẫn còn khá phổ biến. Một cán bộ thanh tra Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho hay, đối với những trường hợp giáo viên dạy thêm ở nhà, sở chưa kiểm tra được vì không có thẩm quyền kiểm tra nhà người khác. Đó là chưa kể, một số giáo viên còn mượn nhà người thân để tổ chức dạy thêm thì việc kiểm tra còn khó hơn nhiều lần…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Trên thực tế, phụ huynh nào cũng biết các quy định của UBND TP về việc cấm dạy thêm – học thêm ở bậc tiểu học nhưng họ vẫn có tâm lý nếu không cho con học thì sẽ thua bạn bè. Vẫn biết rằng việc dạy thêm – học thêm là nhu cầu của xã hội, cả từ phía người dạy lẫn người học; song tình trạng dạy thêm – học thêm tràn lan kèm theo biến tướng như ép buộc, bỏ tiền mua điểm, dạy trước chương trình… thì không ai khác, chính các em là đối tượng gánh hậu quả nặng nề nhất.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)