Một học sinh đặt câu hỏi về chuyên ngành kế toán doanh nghiệp trong một buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức năm 2012 |
Kế toán là ngành không mới nhưng mỗi năm vẫn thu hút đông đảo thí sinh đăng ký trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngành kế toán được chia ra thành nhiều chuyên ngành nhỏ như kế toán doanh nghiệp, kế toán hành chính sự nghiệp, kế toán kiểm toán… Mỗi trường có những thế mạnh riêng nên có thể đào tạo chuyên sâu về một chuyên ngành khác nhau, trong đó kế toán doanh nghiệp là một ngành được rất nhiều sinh viên lựa chọn.
Việc làm không thiếu
Kế toán là một trong những vị trí quan trọng của doanh nghiệp, vị trí này sẽ nắm bắt thông tin tổng hợp cũng như các quy định về pháp luật, tài chính – tiền tệ, kinh tế – xã hội, kế toán – kiểm toán, thuế… để giải quyết các yêu cầu về nghiệp vụ kế toán doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho hay: “Năm 2011, Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp, mỗi năm lại có hàng chục ngàn doanh nghiệp thành lập, mỗi doanh nghiệp cần 3-4 kế toán viên. Tại doanh nghiệp, các em có thể làm chuyên viên kế toán, chuyên gia lập và phân tích kế hoạch tài chính, kiểm toán nội bộ, kế toán trưởng, giám đốc tài chính… Đó là chưa kể các loại hình kế toán khác ngoài doanh nghiệp như các đơn vị hoạt động vì mục đích lợi nhuận (công ty cổ phần, công ty TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng, bảo hiểm…) hay các cơ quan hành chính sự nghiệp, bệnh viện, trường học…”.
Ở khía cạnh nhà trường, ThS. Bùi Đan Thanh, giảng viên Khoa Tài chính kế toán, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Học về kế toán doanh nghiệp, sinh viên không chỉ được đào tạo sâu về ngành này mà còn học nhiều môn khác liên quan đến ngành kế toán nói chung như tài chính kế toán, thống kê… Vì thế, khi tốt nghiệp, các em có thể đảm đương vị trí kế toán ở doanh nghiệp cũng như các công ty kiểm toán, ngân hàng… Hầu hết sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đều có việc làm tương đối ổn định”.
Một trong những băn khoăn lớn nhất của sinh viên là học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, mức lương sẽ được hưởng như thế nào: Liệu có đủ để trang trải cho cuộc sống hay không? Đối với vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Mức lương đối với sinh viên ngành kế toán mới ra trường khoảng 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đối với sinh viên giỏi, có nhiều kỹ năng mềm khác như giao tiếp, làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ cao… thì có thể được tuyển dụng vào vị trí kế toán của các công ty, doanh nghiệp có vốn nước ngoài với mức lương cao hơn”.
Đầu vào rộng mở
Do nhu cầu nhân lực cao nên từ bậc TCCN đến ĐH, chuyên ngành kế toán doanh nghiệp đều được nhiều trường tổ chức đào tạo.
Hiện nay, tại TP.HCM có hàng chục trường đào tạo chuyên ngành này, trong đó phải kể đến những trường có chất lượng giáo dục hàng đầu tại khu vực miền Nam như ĐH Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Ngân hàng… Đó là chưa kể đến hệ thống các trường CĐ, TCCN cũng tham gia đào tạo chuyên ngành kế toán doanh nghiệp.
Với số lượng trường đào tạo nhiều như vậy, điểm trúng tuyển vào ngành này có thể nói là phù hợp với năng lực học tập của thí sinh từ trung bình khá trở lên. Có trường điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 là 22-23 điểm, có trường khoảng 16-17 điểm, có trường chỉ ở mức 10-11 điểm (trường CĐ) và thậm chí ở bậc TCCN thí sinh chỉ cần xét học bạ phổ thông.
Trường CĐ Kinh tế TP.HCM là trường có thâm niên đào tạo ngành kế toán hơn 30 năm nay, trong đó kế toán doanh nghiệp luôn là chuyên ngành chính của Khoa Tài chính kế toán.
Thầy Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Kế toán là ngành trọng điểm của trường nên số lượng tuyển sinh hàng năm luôn đứng đầu trong 4 ngành mà trường đào tạo. Trường không chỉ đào tạo chuyên ngành kế toán doanh nghiệp ở bậc CĐ mà còn mở hệ TCCN, sau khi học hệ trung cấp xong, em nào muốn học tiếp thì trường sẽ tổ chức thi tuyển liên thông, nếu xét đủ điều kiện sẽ tiếp tục học…”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)