Học sinh rất cần những buổi tư vấn để tìm hiểu về ngành, trường mình định thi. Ảnh: N.Anh |
Bên cạnh niềm vui của những gia đình có con thi đậu ĐH, có không ít gia đình phải nếm trải nỗi buồn vì có con thi rớt. Điều này không có gì lạ vì sau bao năm nuôi nấng dạy dỗ, cha mẹ cũng như thầy cô và chính bản thân các em đã kì vọng rất nhiều.
Song, một thực tế mà ai cũng biết là cho dù có mở thêm bao nhiêu trường, bao nhiêu hình thức đào tạo thì tình trạng “trường ít trò đông” vẫn còn kéo dài. Ngoài ra, tình trạng thi tốt nghiệp THPT đạt điểm “cao chót vót” mà thi ĐH thì “thấp lè tè” vẫn đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Vì thế mỗi năm có hàng trăm ngàn sĩ tử thi trượt ĐH là điều tất yếu. Để giúp các em vượt qua cú sốc này, không quá buồn phiền mà nghĩ quẩn thì vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội là hết sức quan trọng.
Về phía gia đình: Phụ huynh cần xem đó là chuyện bình thường, không nên đặt nặng chuyện đỗ đạt để la mắng, trách móc con. Từ xưa đến nay người Việt Nam vẫn coi trọng chuyện “vinh qui bái tổ” – đó là điều tốt. Song, phụ huynh phải biết sức học của con mình, nhu cầu của xã hội để có định hướng, không nên ép con vào những trường mà con không muốn và không có khả năng vào. Đồng thời phụ huynh cần tạo không khí cởi mở trong gia đình để con cảm thấy được chở che trong lúc chới với, từ đó giúp con phân tích lý do thi rớt để biết nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục. Chẳng hạn, con thi rớt là do học kém thì cần tìm những trường vừa sức; con thi rớt do bất cẩn (chủ quan) trong làm bài thì phải rút kinh nghiệm để có thể thi lại năm sau… Hiện nay, các trường có nhu cầu tuyển nguyện vọng 2 là rất lớn, phụ huynh nên thường xuyên theo dõi thông tin nhằm chọn trường, chọn ngành phù hợp với con để hỗ trợ trong việc lựa chọn trường mới. Nếu điểm dưới điểm sàn, phụ huynh động viên, phân tích để con lựa chọn vào các trường CĐ, trung cấp…
Về phía nhà trường: Việc các em chọn trường, chọn ngành đúng với nguyện vọng, nhu cầu và sức học phụ thuộc rất nhiều vào sự tư vấn của thầy cô, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 và ban tư vấn tuyển sinh nhà trường. Trong thi cử, chuyện đậu hay rớt là bình thường. Để giúp các em không quá sốc khi thi rớt, ngay trong quá trình làm hồ sơ thầy cô nên tư vấn cho các em chọn trường vừa sức. Thầy cô cần tư vấn cho các em biết, trong những năm gần đây, chương trình học có thể liên thông từ trung cấp lên ĐH. Đồng thời, hiện nay ở nước ta tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều ngành nghề chỉ cần trình độ trung cấp là có thể có công việc ổn định, không nhất thiết phải học ĐH, còn nếu các em có nhu cầu học ĐH thì cũng có rất nhiều hình thức để vừa đi làm vừa đi học như đào tạo từ xa, học vào thứ bảy chủ nhật, học ban đêm…
Về phía xã hội: Việc cung cấp cho các em thông tin về ngành nghề, nhu cầu công việc trong tương lai là rất quan trọng. Hiện nay có thể nói các em đang “bội thực thông tin” nhưng chính vì sự quá tải đó mà các em không biết chọn lọc thông tin. Vì thế, cần lắm những cổng thông tin chính thức để các em tin tưởng, yên tâm trong việc nắm bắt thông tin, đồng thời tổ chức nhiều các buổi tư vấn giới thiệu ngành, giới thiệu trường để học sinh có cơ hội hiểu biết về trường mình định thi một cách nhanh nhất. Việc tư vấn cũng nên chia thành nhiều nhóm nhỏ để các em có thể phản hồi hiệu quả, không nên tư vấn toàn trường khiến cho chương trình dễ bị “loãng” và chất lượng bị giảm sút.
Ngoài vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội thì các em học sinh cũng nên chuẩn bị tâm thế cho mình nếu không may thi trượt ĐH. Ngay từ khi làm hồ sơ các em là người rõ nhất lực học của mình, cần biết chọn trường vừa sức để không phải rơi vào cảnh “trèo cao té đau”, đồng thời chọn vài phương án dự phòng. Khi có phiếu điểm nếu các em còn lúng túng trong việc đăng kí nguyện vọng thì đừng ngần ngại gọi cho thầy cô để nghe tư vấn, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin để tìm cho mình một chỗ đăng kí phù hợp nhất. Nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua đi, không thể suốt ngày ngồi gặm nhấm nó – như thế chỉ làm cho lòng mình thêm sầu não mà thôi.
Hy vọng những lời chia sẻ trên đây ít nhiều gỡ rối cho phụ huynh cũng như các em hiện đang phải đối mặt với nỗi buồn… thi rớt ĐH.
Lê Thị Lý
(GV Trường THPT Trần Khai Nguyên)
(GV Trường THPT Trần Khai Nguyên)
Bình luận (0)