Cần có chiến lược bài bản, đa dạng ngành nghề trong các trường TCCN, TC nghề… (Ảnh: Một giờ học nghề tại Trường TC Xây dựng Miền Trung)
|
Theo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, hầu như Bộ GD-ĐT chỉ nhắc đến việc yêu cầu, đánh giá học sinh để xét công nhận tốt nghiệp, vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh mà không hề thấy nhắc đến phương án tuyển sinh dành cho các trường TCCN, TC nghề…
Ở đây, theo quan điểm của tôi, Bộ GD-ĐT cần bổ sung phương án tuyển sinh của hệ thống các trường TCCN, TC nghề… để học sinh biết và có hướng chọn lựa ngành nghề, một khi các em không có ý định hoặc không có điều kiện vào ĐH, CĐ. Vài năm gần đây, chúng ta dư thừa nguồn nhân lực ĐH, CĐ, bằng chứng là hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp phải giấu đi cái bằng của mình, xin việc vào các khu công nghiệp bán sức lao động phổ thông; thậm chí có cử nhân còn đi phụ bán quán cà phê, trái cây… để kiếm sống. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” lộ rõ đặt ra nguy cơ nghèo đói. Trong khi vai trò người thợ ở nước ta chưa được coi trọng, thậm chí còn bị xem quá nhẹ. Trên thực tế, thời gian qua, cứ mỗi cuối năm học, có khoảng 40-50% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn con đường vào các trường ĐH, CĐ công lập; 30-40% chọn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập; số ít còn lại (chiếm khoảng hơn 10%) là đi học nghề, trong đó phần nhiều các em đều đi học nghề tự do ngắn hạn hoặc tham gia vào lực lượng lao động phổ thông.
Tại Đà Nẵng, mỗi năm vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 (dương lịch), các trường CĐ ngoài công lập, thậm chí cả trường CĐ nghề Quân khu 5 tìm đến tận các trường phổ thông để quảng bá hình ảnh, đưa ra các ngành nghề cho học sinh tìm hiểu nhằm thu hút tuyển sinh. Nhưng mối quan hệ này với trường phổ thông ở các trường TCCN, TC nghề… hầu như là không có. Hạn chế của hệ thống trường này là chưa vươn ra xa trong quy mô tuyển sinh, hầu hết chỉ ngồi chờ… học sinh trượt ĐH, CĐ rồi tự tìm đến thay vì họ có các bước tiếp cận với các em ngay khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông.
Để các trường TCCN, TC nghề… tồn tại, trước hết phải bổ sung phương án tuyển sinh cụ thể của hệ thống trường này vào nội dung một kỳ thi quốc gia.
|
Một điểm khác là hiện nay, các ngành nghề mở ra trong hệ thống trường TCCN, TC nghề… không đa dạng. Đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, còn đơn điệu và không thu hút được học sinh. Chức năng của các trường phổ thông là truyền đạt kiến thức, kỹ năng để các em có đủ vốn kiến thức căn bản tốt nghiệp THPT. Ở nhà trường phổ thông, sự định hướng nghề nghiệp cho các em đã có; tuy nhiên, để có hiệu quả như mong muốn, chính bản thân hệ thống các trường này phải có sự chủ động gắn kết, phối hợp với trường phổ thông trong quá trình định hướng nghề nghiệp thì mới có nguồn tuyển sinh dồi dào, và tuyển được những học sinh có đam mê nghề, từ đó chất lượng sẽ được nâng cao hơn.
Như vậy, để các trường TCCN, TC nghề… không bị “rớt” lại, thậm chí tuyển sinh “èo uột” như các năm qua. Đơn cử như trên địa bàn Đà Nẵng, hàng loạt trường TCCN, TC nghề đứng trước nguy cơ, thậm chí buộc phải đóng cửa vì không tuyển sinh được đầu vào. Do đó, để các trường TCCN, TC nghề… tồn tại, trước hết phải bổ sung phương án tuyển sinh cụ thể của hệ thống trường này vào nội dung một kỳ thi quốc gia. Mặt khác, chính bản thân các trường TCCN, TC nghề… phải có chủ trương cụ thể hơn trong tuyển sinh. Tuyển sinh ngành nghề phải gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương. Muốn vậy, phải có sự sâu sát trong điều tra nhu cầu nhân lực ngành nghề, tránh việc ăn xổi ở thì. Quan trọng nhất, phải có đầu tư bài bản về chiến lược tuyển sinh như mở ra các ngành nghề mới, giới thiệu để cho các em lựa chọn. Đơn cử như cắt tóc, muốn học nghề này học sinh phải tìm đến các tiệm cắt tóc tư nhân, còn ở các trường TC nghề chưa thấy nghề này… Tiếp đến là vấn đề quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Làm được những vấn đề đó, các trường TCCN, TC nghề… không còn lo đến việc không đủ chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào.
Lê Hường
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng)
LTS: Giáo dục TP.HCM rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc về vấn đề này. Ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ: Báo Giáo dục TP.HCM, số 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM hoặc email: tantruc_tg@yahoo.com. |
Bình luận (0)