Hiện có khoảng 65 sinh viên (SV) nội trú ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang chịu trận với những vết bỏng rát gây ngứa rất khó chịu trên người. Đây là loại bệnh đã từng bùng phát trên diện rộng ở KTX này vào năm 2007.
"Đây là loại bệnh gây những mụn nước, mẩn đỏ làm ngứa ngáy rất khó chịu nhưng người mắc phải không dám gãi vì sợ chất dịch trong vết thương lây lan rộng trên cơ thể càng nguy hiểm", bạn Nguyễn Ngọc Thuận, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin, đang ở khu nhà A14 của KTX ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết.
Thuận là SV nội trú nhiều năm tại KTX nên thường xuyên chịu trận với những cơn ngứa khắp người mà không dám gãi.
Nhiều SV phải chịu trận với những cơn ngứa khắp người mà không dám gãi vì sợ vết ngứa lan rộng – Ảnh: Trí Quang (chụp vào sáng 3.11) |
"Hầu như năm nào vào mùa này cũng rộ bệnh ngứa hết. Phòng mình ai cũng bị, thường thì các vết ngứa xuất hiện ở cổ, lưng và tay. Mình cũng bị mới hết", Thuận nói rồi kéo áo lên chỉ rõ những vết sẹo đã thâm đen do bệnh ngứa gây ra.
SV Lê Công Tuấn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đang ở nhà A14, kể: "Sau khi ngủ dậy, tụi mình thấy có vài mụn nhỏ ngứa nên gãi, sau đó vết ngứa lan thành mẩn đỏ ra rồi phồng rộp lên sau hai ngày, đau rát và ngứa rất khó chịu".
Các vết ngứa bắt đầu bằng những mẩn đỏ như thế này. Sau hai ngày, nếu người bệnh gãi vào, mẩn đỏ sẽ lan rộng và phồng rộp lên gây đau rát – Ảnh: Trí Quang |
Được biết, căn bệnh này đã bắt đầu bùng phát cách đây một tháng ở KTX trên. Ban đầu, có khoảng hơn 90 SV mắc phải và rất may là đang có xu hướng giảm dần, nhờ Ban quản lý KTX đã có kinh nghiệm xử lý sau khi từng đối phó với căn bệnh này năm 2007.
Cách phòng tránh do bác sĩ khuyến cáo trong đợt bệnh bùng phát năm 2007
Cá nhân: mặc quần áo dài; tránh phơi quần áo ngoài trời; tránh chui vào các bụi rậm, chơi đùa trên bãi cỏ hoặc bứt lá cây; không đốt lá cây, cỏ quanh nơi ở; tắt bớt đèn – đóng kín cửa trước khi mở đèn; dùng bẫy mùng để thu hút côn trùng.
Tập thể: không đốt lá cây cỏ trong khuôn viên KTX; phát quang, khai thông cống rãnh; đốn bỏ hoặc trồng mới cây khác (đặc biệt là những cây có thể gây viêm da tiếp xúc) hoặc đặt biển báo ở những cây có khả năng gây viêm da tiếp xúc; thường xuyên tuyên truyền giáo dục về bệnh, cách phòng ngừa cho các em.
|
"Chúng tôi đã được Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM tư vấn phác đồ điều trị căn bệnh này. Hiện chỉ có khoảng 65 SV còn đang mắc phải và được trạm y tế của KTX điều trị chu đáo. Tình hình đang được chúng tôi kiểm soát để đảm bảo an toàn cho hơn 10.000 SV nội trú và không có chuyện SV bỏ đi khỏi KTX vì căn bệnh này như một số báo đề cập", ông Trần Thanh An, Giám đốc Ban quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM khẳng định.
Ông An cũng cho biết thêm, nếu xảy ra trường hợp bệnh lây lan rộng, Ban quản lý KTX sẽ nhờ đến sự hỗ trợ ngay lập tức của các cơ quan chức năng.
Dưới sự hỗ trợ thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng, Ban quản lý KTX đã xác định nghi can gây bệnh có thể là loại côn trùng Paederus, dân gian thường gọi là "kiến ba khoang".
Nhiều SV tiếp xúc với phóng viên cũng dùng tên gọi "kiến ba khoang" để nói về loại côn trùng này.
"Phòng mình mỗi tối có vài chục con kiến ba khoang bay vào bu dưới ánh đèn. Hễ phát hiện ra là tụi mình giết chúng ngay để trừ hậu họa, nếu không thì phải tiếp tục chịu trận với tụi nó mệt lắm", SV Công Tuấn nói.
Quan sát bằng mắt thường, phóng viên có thể nhận ra loại côn trùng này khá giống với "thủ phạm" gây bệnh ngứa nói trên hồi năm 2007.
Tuy nhiên, để nói chính xác "thủ phạm" nào đã gây ra "bệnh ngứa mà không dám gãi" lần này thì còn phải đợi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Nhiều SV tiếp xúc với phóng viên cũng dùng tên gọi "kiến ba khoang" để nói về loại côn trùng này.
"Phòng mình mỗi tối có vài chục con kiến ba khoang bay vào bu dưới ánh đèn. Hễ phát hiện ra là tụi mình giết chúng ngay để trừ hậu họa, nếu không thì phải tiếp tục chịu trận với tụi nó mệt lắm", SV Công Tuấn nói.
Quan sát bằng mắt thường, phóng viên có thể nhận ra loại côn trùng này khá giống với "thủ phạm" gây bệnh ngứa nói trên hồi năm 2007.
Tuy nhiên, để nói chính xác "thủ phạm" nào đã gây ra "bệnh ngứa mà không dám gãi" lần này thì còn phải đợi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Hiện tại, theo hướng dẫn của Ban quản lý KTX, SV ở các khu nhà có nhiều trường hợp mắc bệnh, đều tập thói quen đóng kín các cửa trong phòng, mắc mùng và mặc áo dài tay vào buổi tối trước khi ngủ để phòng ngừa loại côn trùng trên xâm nhập "bất hợp pháp"
Cứ tối đến, SV lại mắc mùng, mặc áo dài tay đi ngủ để ngừa "nghi phạm" kiến ba khoang xâm nhập – Ảnh: Trí Quang |
Gần 150 SV bị "ngứa và không dám gãi" năm 2007
Năm 2007 đã bùng phát bệnh ngứa mà không dám gãi trên diện rộng ở một số KTX tại khu vực ngoại thành TP.HCM, trong đó nghiêm trọng nhất là ở KTX ĐH Quốc gia và Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư 3.
Khi đó, hai KTX trên có khoảng 150 SV mắc bệnh. Sau khi bệnh bùng phát nhanh, các bác sĩ (BS) thuộc Bệnh viện – Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã lập tức xuống hiện trường khảo sát tìm hiểu và xác định hai "thủ phạm" gây bệnh.
Các bác sĩ kết luận: đó là bệnh viêm da tiếp xúc do thực vật và do côn trùng. Viêm da tiếp xúc do thực vật có thể do dị ứng nguyên trong đất hoặc không khí như lá cây, cỏ, bụi phấn hoa, cây mục, tro từ thực vật bị đốt đặc biệt là từ bụi rậm…
Còn viêm da tiếp xúc do côn trùng thì có hai nhóm côn trùng gây bệnh: nhóm chích, cắn và nhóm do chất dịch trong cơ thể côn trùng gây nên.
|
Theo Trí Quang
(TNO)
Bình luận (0)